Hàng không Việt vẫn ngập trong khó khăn

Phương Linh - 09:16, 27/02/2023

TheLEADERCác hãng hàng không Việt Nam đang đối diện với cuộc khủng hoảng kinh hoàng nhất trong lịch sử; rủi ro là rất lớn và ngày càng nghiêm trọng hơn từ sau đại dịch Covid-19.

Hàng không Việt vẫn ngập trong khó khăn
Sức khỏe của các doanh nghiệp hàng không đang suy yếu nhanh chóng

Ngành hàng không chưa phục hồi

"Không có một màu hồng nào cả trong sự hồi phục của các hãng hàng không Việt Nam kể từ sau dịch bệnh". Đó là khẳng định của TS. Lương Hoài Nam tại tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức cho hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức chiều 24/2.

Ông Nam nhấn mạnh, sức khỏe của các doanh nghiệp hàng không đang suy yếu nhanh chóng do nợ nần chồng chất. "Ngành hàng không như con chim bị vặt trụi lông. Các hãng đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kinh hoàng và bi đát. Ở đó có rất nhiều rủi ro cho hoạt động của các hãng trong thời gian tới".

Theo kịch bạn lạc quan của Cục Hàng không, ngành hàng không Việt Nam có thể đạt mức hồi phục hoàn toàn vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt 80 triệu khách, và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% lượng khách và 15% lượng hàng hóa so với năm 2022.

Hàng không Việt Nam "ngập ngụa" trong khó khăn chồng chất
TS. Lương Hoài Nam

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, những thông tin về lượng khách và vận chuyển hàng hóa của ngành hàng không tăng trưởng trong tương quan so sánh với năm 2021, 2020 là không phản ánh đúng bản chất vấn đề, không có nhiều ý nghĩa đối với sự tăng trưởng của ngành. 

Để thấy rõ sự hồi phục của ngành hàng không đang ở mức nào, cần phải nhìn các con số so sánh với năm 2019. Theo đó, thông tin về sản lượng vận chuyển nội địa của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2022, hàng không Việt Nam ước đạt 43,2 triệu khách, tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019 - thời điểm trước dịch.

Tuy nhiên, các số liệu cả về vận chuyển hàng hóa và khách quốc tế lại đều cho thấy sự giảm mạnh. Năm 2022 có 152 nghìn tấn hàng hóa được luân chuyển, tương đương năm 2021 và chỉ bằng 60% so với năm 2019.

Về vận chuyển quốc tế, hàng không Việt Nam chỉ đạt 11 triệu khách, mặc dù tăng 22 lần so năm 2021 nhưng chỉ bằng 27% so năm 2019.

Ông Thành cho rằng, thị trường khách quốc tế hồi phục chậm đang ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tài chính, lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thị trường bay quốc tế chỉ chiếm 40% về tổng lượng khách nhưng chiếm tới 60% về doanh thu. 

Do đó, việc nói rằng hàng không Việt Nam đã phục hồi sau dịch là chưa chính xác. Ngành hàng không hoàn toàn chưa phục hồi. Các doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn rất lớn. Quá trình phục hồi diễn ra rất chậm, gây rủi ro cho doanh nghiệp. 

Tình hình kinh doanh tiếp tục bi đát sau dịch bệnh đã làm trầm trọng hơn những khó khăn của các hãng hàng không. Nguy hiểm hơn, theo TS. Lương Hoài Nam, nếu như hai năm trước, doanh nghiệp hàng không Việt nam lỗ lớn, nợ nhiều, nhưng không mấy lo ngại vì những chủ cho thuê máy bay vẫn tạo điều kiện cho họ nợ tiền thuê thì hiện nay thị trường cho thuê rất nóng, trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, không những họ sẽ bị thu hồi máy bay mà còn có khả năng bị kiện ra tòa.

Khó khăn chồng chất

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, khó khăn của ngành hàng không trước hết đến từ những yếu tố khách quan do thị trường khách quốc tế mở cửa thận trọng, chưa phục hồi như kỳ vọng. 

Các thị trường khách quốc tế truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu hiện vẫn chưa tăng trưởng mạnh. Trung Quốc thậm chí chưa đưa Việt Nam là quốc gia điểm đến trong việc mở cửa du lịch quốc tế của họ. Trong khi đó, doanh thu của khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của nhiều lĩnh vực, trong đó có hàng không, du lịch.

Còn với Nhật Bản, Châu Âu, hiện lượng khách đi du lịch cũng rất hạn chế do lo ngại dịch bệnh và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, thu nhập của người dân bị giảm mạnh dẫn đến hạn chế việc đi du lịch.

Theo ông Quân, trong năm 2023, các doanh nghiệp hàng không sẽ còn phải đối mặt rất nhiều khó khăn. Nhiều khả năng, ngành hàng không sẽ phục hồi vào năm 2024, tức là còn 2 năm nữa mới đạt mức trước đại dịch.

Hàng không Việt Nam
Tọa đàm Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức cho hàng không Việt do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức

Một lý do khác dẫn đến khó khăn cho ngành hàng không được bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho rằng, cơ cấu giá vé máy bay cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn của các hãng.

Các hãng hàng không trên thế giới hiện đã tăng giá mạnh đến 50% giá vé máy bay so với thời điểm trước dịch do chi phí nhiên liệu, chi phí thuê máy bay... tăng cao. Trong khi đó, tại Việt Nam mức giá vé vẫn giữ nguyên, các hãng không thể tăng giá trong khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức khiến bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi nhiều hãng hàng không thế giới đã hồi phục mạnh mẽ và bắt đầu có lãi, theo bà Phương, hàng không, du lịch Việt Nam mở cửa trước nhưng lại hồi phục sau thế giới. Nếu không có giải pháp kịp thời, ngành hàng không sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh và đà hồi phục của thị trường.

Để phục hồi, phát triển ngành hàng không và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành có thể nhanh chóng phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của mình ở trong nước, trong khu vực và trong phạm vi toàn cầu, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, Nhà nước cần triển khai các giải pháp mở cửa hàng không, du lịch.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc thâm nhập và khai thác thị trường này, tạo điều kiện thuận lợi cho khách bay.

Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp hàng không có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả do Covid-19 để lại nhằm sớm phục hồi và phát triển. Thực tế, dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong thời gian dài đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng mà việc khắc phục chúng phải mất nhiều năm, đồng thời cũng gây ra những thay đổi mà ngành hàng không phải ứng được. Bởi vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước cần được duy trì tới khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn.

Trong đó, việc bỏ khung giá trần, có chính sách về giá phù hợp để các hãng hàng không tự cân đối về giá vé theo nguyên tắc thị trường, do thị trường quyết định cũng là giải pháp quan trọng để giúp các doanh nghiệp giải bài toán kinh doanh.

Đặc biệt, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư phất triển kinh tế nói chung, phát triển ngành hàng không Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của ngành. 

Trước mắt, cần hoàn thiện các thủ tục cấp, điều kiện và đối tượng miễn visa, các quy định về cư trú, kiểm soát dịch bệnh để thu hút khách du lịch quốc tế (đặc biệt là với những thị trường tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam) mạnh mẽ hơn, giúp các chuyến bay quốc tế của hàng không Việt Nam nhanh chóng phục hồi, sớm đạt và vượt mức trước Covid-19.