Hàng loạt dự án hạ tầng và bất động sản đổ bộ, Sapa kỳ vọng bứt phá

An Chi - 10:07, 06/10/2018

TheLEADERTỉnh Lào Cai đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch và các dòng vốn đầu tư.

Hàng loạt dự án hạ tầng và bất động sản đổ bộ, Sapa kỳ vọng bứt phá
Thị trấn Sapa, Lào Cai (Ảnh TL)

Từ một “thị trấn trong sương” vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên và văn hoá đặc trưng của các dân tộc thiểu số song lượng khách du lịch đến đây còn thấp do những hạn chế về hạ tầng giao thông, vài năm trở lại đây, du lịch Sapa đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. 

Năm 2017, khách du lịch đến Sapa đã tăng 60% so với năm 2016. Tuy nhiên, tham vọng của địa phương này chưa dừng lại ở đó. Hàng loạt công trình giao thông cùng nhiều dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang âm thầm diễn ra tại thị trấn này nhằm phục vụ tăng trưởng du lịch.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sapa theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Dự án này gồm 2 tuyến. Tuyến 1 cải tạo tuyến quốc lộ 4D hiện hữu với chiều dài 29,203 km, điểm đầu thuộc thị trấn Sapa; điểm cuối thuộc thành phố Lào Cai. Tuyến 2 xây dựng mới tỉnh lộ 155 nối Sa Pa với Lào Cai theo hướng song song với quốc lộ 4D với chiều dài là 25,003 km, điểm đầu tương ứng với nút giao giữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với quốc lộ 4D. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2018 - 2020); giai đoạn II (sau năm 2020), tổng mức đầu tư khoảng 2.510 tỷ đồng.

Trước đó, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công xây dựng từ tháng 4/2009 đã chính thức đi vào khai thác. Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay với tổng chiều dài lên đến 245km, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai chỉ còn khoảng 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây, góp phần thu hút mạnh mẽ lượng khách đến Sapa, Lào Cai.

Không chỉ đầu tư các tuyến đường cao tốc liên tỉnh, thời gian vừa qua địa phương này cũng đã cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm của tỉnh, như các tuyến thị trấn Sapa - Cát Cát, Sapa - San Sả Hồ; đường Thôn San II - Lao Chải đi Tả Van cũng được đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn ngân sách và hạ tầng du lịch quốc gia.

Đáng chú ý, trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất, sẽ xây dựng Cảng hàng không Sapa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cho cả dự án) xây dựng quy mô sân bay cấp 4C công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng/năm. Giai đoạn 2 (đến năm 2030) sẽ đầu tư thêm 1.033 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm.

Tỉnh Lào Cai kiến nghị đầu tư dự án cảng hàng không theo phương án xã hội hóa và sớm triển khai giai đoạn 1 trước năm 2020. Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay cũng như các bên liên quan, UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, sân bay Sapa - Lào Cai đã được phê duyệt về quy hoạch.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các kế hoạch đầu tư hạ tầng cho Sapa, Lào Cai đã liên tục được đề xuất và từng bước triển khai xây dựng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi du lịch Sapa đang có những bước tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, năm 2017 Sapa thu hút 2,5 triệu lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Thống kê mới nhất của ngành văn hóa - thể thao - du lịch tỉnh này cũng cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, Lào Cai đã đón 1,2 triệu lượt khách, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.200 tỉ đồng.

Dự kiến đến năm 2020, Sapa sẽ đón khoảng 4 triệu lượt khách và đến năm 2030, sẽ có 8 triệu lượt khách du lịch.

Trong bối cảnh đó, hệ thống giao thông kết nối với Sa Pa vẫn còn rất hạn chế. Ngoài tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã hoàn thành, hiện việc di chuyển của khách du lịch từ Lào Cai đến thị trấn Sapa vẫn còn nhiều khó khăn.

Thông tin từ lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, mỗi ngày Sa Pa đón khoảng 5.000 – 8.000 xe ô tô, trong đó phần lớn xe đi về phía huyện Sa Pa kết nối với tỉnh lộ 152 ra cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Cùng với đó là các phương tiện khác như xe tải hiện cũng đi qua trung tâm thị trấn khiến tuyến đường này thường xuyên xảy ra ách tắc, mất an toàn giao thông.

Đặc biệt, hiện nhiều ông lớn bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã ồ ạt rót tiền đầu tư vào Sapa với hàng loạt các dự án. Trong đó có Tập đoàn Sun Group với tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại Châu Á - Fansipan Sapa với tổng vốn đầu tư là 4.400 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Cáp treo đi vào hoạt động đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục đỉnh Fansipan cho đông đảo người dân, mở ra bước ngoặt quan trọng tạo động lực phát triển cho ngành du lịch Sapa. 

Trước đó, một tên tuổi khá mới trên thị trường là Công ty cổ phần Trường Giang Sapa cũng ra mắt dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Sapa Jade Hill với tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác như Bitexco, Vingroup cũng đang triển khai các kế hoạch đầu tư dự án vào địa phương này. Với thực tế đó, sau khi các dự án nghỉ dưỡng và nhiều tuyến đường giao thông kết nối với Sapa được hoàn thiện, lượng khách du lịch đến với nơi đây chắc chắn sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.