Hãng xe điện đối phó với sự khan hiếm chất bán dẫn

Phạm Sơn - 10:12, 25/10/2021

TheLEADERPhát triển các loại pin bền vững hơn là cách nhiều hãng xe đang tiến hành để giảm bớt sự phụ thuộc vào chất bán dẫn, vốn đang trở nên khan hiếm do cơn sốt xe điện.

Hãng xe điện đối phó với sự khan hiếm chất bán dẫn
Khan hiếm chất bán dẫn làm doanh thu ngành xe hơi đánh mất 210 tỷ USD trong năm nay.

Xe điện đang là lĩnh vực đầu tư nóng hơn bao giờ hết, kể từ khi nhiều thị trường lớn đang lên lộ trình cắt giảm, thậm chí là “khai tử” phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong, như một phương án thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu.

Cơn sốt chuyển đổi sang xe điện, cùng với sự hồi phục vượt mức dự đoán của kinh tế toàn cầu đã đặt áp lực nặng nề lên các ngành cung ứng, kéo theo hệ quả là tình trạng khan hiếm chất bán dẫn dùng để sản xuất các loại pin, từ pin xe điện cho đến điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng. Hệ quả là nhiều nhà sản xuất các sản phẩm này phải cắt giảm sản lượng.

Công ty tư vấn AlixPartners mới đây đã đưa ra ước tính, khoảng 210 tỷ USD sẽ là mức thiệt hại doanh thu của ngành sản xuất ô tô do sự thiếu hụt chất bán dẫn. Dự báo này gấp đôi mức được đưa ra vào tháng 5, do chuỗi cung ứng chất bán dẫn cũng phải chịu ảnh hưởng từ các đợt bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt là tại Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất đang tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung chất bán dẫn, thông qua việc cải tiến chuỗi cung ứng.

Nhà cung ứng hộp số tự động đến từ Nhật Bản Jatco, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia Review cho biết đang tiếp cận giải pháp đặt các đơn hàng lớn với nhà cung ứng sớm bình thường. Một số hãng xe Nhật như Toyota, Suzuki cũng đề nghị nhà cung ứng tăng mức dự trữ trong kho để kịp đáp ứng nhu cầu đột biến.

Trong khi đó, các nhà sản xuất Mỹ như General Motor và Ford rút ngắn chuỗi cung ứng bằng cách đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất thay vì thông qua trung gian như trước đây.

Phương án tái chế pin cũ cũng được áp dụng tương đối phổ biến. Hãng xe Nissan mới đây đã đưa ra sáng kiến về tái chế pin, bao gồm sử dụng lại các viên pin không bị hư hỏng để lắp vào xe mới và tái chế các thành phần trong pin khi đã hết tuổi thọ.

Nhà sản xuất phụ tùng Denso ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để hỗ trợ hoạt động tái chế pin, thông qua việc theo dõi lịch sử của cục pin, từ quá trình sản xuất, tần suất sạc và mức độ hư hỏng sau khi sử dụng.

Denso kỳ vọng công nghệ này sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng những chiếc xe điện có pin là sản phẩm tái chế. Người tiêu dùng thường tỏ ra e ngại với pin cũ vì những lý do liên quan đến độ an toàn cũng như hiệu suất vận hành.

Trong khi đó, hãng Bosch đối phó với sự khan hiếm nguồn cung chất bán dẫn bằng cách nghiên cứu pin nhiên liệu làm từ oxit rắn, với kế hoạch đầu tư khoảng 1,16 tỷ USD cho đến năm 2024.

Pin làm từ oxit rắn, bên cạnh giảm phụ thuộc vào các khoáng chất như liti, coban, cũng sẽ giúp ích cho hoạt động tái chế pin. Các hãng xe áp dụng phương án này có thể kể đến như NIO, VinFast

Một sáng kiến khác để thúc đẩy khả năng thu gom, tái chế pin là việc cung cấp dịch vụ cho thuê pin kèm với chiếc xe được bán ra.

Hoạt động đầu tư vào tái chế pin xe điện không chỉ giúp các nhà sản xuất đối phố với sự khan hiếm nguồn cung mà còn là nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn. Tại châu Âu, cuối năm ngoái, một loạt đề xuất đã được đưa ra cho quy định về pin xe điện, bao gồm các tiêu chuẩn về thiết kế, nhãn dán, khả năng thu gom tái chế…

Mặt khác, tái chế pin là cách giúp chuỗi cung ứng xe điện thực sự “xanh” đúng như mục tiêu thế giới hướng tới khi chuyển đổi sang dòng phương tiện này. Sản xuất pin mới vẫn luôn là ngành tạo ra lượng phát thải nhà kính tương đối lớn, đồng thời rác thải pin điện tử là loại rác thải nguy hại, có nguy cơ gây ra sự tàn phá trực tiếp tới môi trường và sức khỏe con người.