Hành trình ‘vượt sướng’ của CEO Infina James Vương

Kiều Mai - 08:42, 18/07/2022

TheLEADERDám lựa chọn lối đi luôn thử thách bản thân, và thậm chí hơi ngược đường với cách thức thường thấy, đã giúp CEO Infina James Vương tạo nên một hành trình khởi nghiệp đầy thú vị.

Phá vỡ vòng an toàn để tìm kiếm những giá trị mới

Giống như nhiều đứa trẻ khác, James Vương lớn lên đầy yên bình trong vòng tay của cha mẹ. Anh trở thành kỹ sư tại Thung lũng Silicon sau khi tốt nghiệp Đại học California tại Berkeley (Mỹ), chuyên ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính.

Dù thế, anh vẫn luôn mong muốn được thoát ra khỏi giới hạn an toàn vốn có, thử thách bằng những điều mới mẻ. Bởi vậy, dù đang có một công việc ổn định với mức lương khá cao, anh quyết định rẽ sang học MBA, thậm chí chấp nhận nợ tiền để đi học.

Những cơ hội sau đó đã dẫn anh tới với đầu tư mạo hiểm, và anh lựa chọn Việt Nam để tiếp tục con đường mới tại IDG Ventures – một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm có mặt sớm nhất ở Việt Nam với quy mô 100 triệu USD.

Anh tham gia vào các thương vụ đầu tư tại quỹ trong khoảng 6 năm. Sau đó, không có nhiều hoạt động để quỹ gọi vốn lần hai, cộng với mong muốn khởi nghiệp trỗi dậy, anh quyết định thành lập công ty khởi nghiệp.

“Khi dừng công việc ở quỹ đầu tư mạo hiểm, anh đã suy nghĩ và cân nhắc khá nhiều, bởi anh biết khởi nghiệp sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng có một câu nói anh rất yêu thích, và luôn truyền động lực cho anh: “When you risk nothing, you risk everything”, nghĩa là khi chúng ta không mạo hiểm điều gì, tức là chúng ta đang mạo hiểm mọi thứ. Anh không muốn nằm quá lâu trong vùng an toàn, để khi muốn đột phá thì đã quá muộn”, anh tâm sự.

Sau khi rời bỏ vị trí quản lý quỹ mà nhiều người mơ ước, James Vương bắt đầu hành trình mới với Lana. Sản phẩm của Lana bao gồm một cộng đồng trực tuyến lớn, một ứng dụng mẹ và bé và một trang thương mại điện tử.

Tuy không gặt hái được nhiều thành công với trang thương mại điện tử này, mảng truyền thông số của Lana lại phát triển rất tốt và vài năm sau, được LINE Corp của Nhật Bản mua lại.

Chưa dừng lại, anh tiếp tục với một startup khác trong mảng proptech có tên RealStake – mô hình đầu tư chung bất động sản. Tuy vậy, khi phát hiện thêm nhu cầu và tiềm năng của thị trường, đầu năm 2021, James Vương quyết định mở rộng sản phẩm của mô hình, từ chỉ bất động sản sang các sản phẩm tài chính, nhằm giúp các nhà đầu tư không chuyên tiếp cận thị trường với số vốn thấp.

Đầu năm nay, Infina - ứng dụng tài chính công nghệ thông minh cho đầu tư, tích luỹ tài chính với số vốn nhỏ, công bố đã gọi vốn thành công 6 triệu USD tại vòng hạt giống từ 6 nhà đầu tư, trong đó có Sequoia và Y Combinator của Mỹ - hai quỹ được xem là các quỹ nổi tiếng và thành công nhất thế giới.

Hành trình ‘vượt sướng’ của CEO Infina James Vương 1
CEO Infina James Vương.

Ngoài mong muốn luôn thử thách bản thân, vượt ra khỏi vòng an toàn để có được cảm giác tự hào, James Vương cho biết lý do anh chuyển từ nhà đầu tư sang khởi nghiệp là mong muốn đặt mình vào vị trí của những founder, để có thể hiểu hết những khó khăn của họ.

“Ở góc nhìn quỹ đầu tư, anh chỉ có thể chia sẻ một phần khó khăn với các startup. Chỉ khi lao vào làm thật sự, anh mới nhận ra nhiều việc tưởng chừng không khó lại rất khó với các doanh nghiệp mới. Nên anh nghĩ rằng, tự khởi nghiệp là một quá trình tốt cho bản thân anh, để sau này mình có thể trở thành một nhà đầu tư thấu hiểu và thông cảm hơn với startup”, anh chia sẻ.

Những yếu tố quyết định ‘sống còn’ của startup

Với kinh nghiệm nhiều năm trong quỹ đầu tư mạo hiểm và tự khởi nghiệp, James Vương cho rằng các startup cần cân nhắc kỹ lưỡng việc sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không, bởi đây là một trong những điều dễ bị bỏ qua nhất.

“Đôi khi bản thân mình cho rằng ý tưởng nghĩ ra đã quá hay rồi, cứ thế làm và không nghĩ nhiều. Thế nhưng ý tưởng quá sớm so với thị trường cũng không tốt, hoặc giải pháp đó chưa chắc đã nhiều người muốn sử dụng”, anh phân tích.

Khi khởi nghiệp, điều quan trọng và đơn giản nhất để có thể sống được là phải xây dựng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, khách hàng muốn sử dụng và sử dụng liên tục. Điều quan trọng nữa là khách hàng chịu trả tiền cho sản phẩm/dịch vụ đó, hoặc sản phẩm có một mô hình kinh doanh (cách kiếm tiền) hợp lý.

“Đây là điều cơ bản nhưng cũng là điều khiến nhiều startup “chết yểu”. Founder nghĩ rằng sản phẩm của mình giải quyết vấn đề của thị trường và tạo ra dòng tiền, nhưng thật ra lại không có gì. Kết quả chỉ là những chuỗi ngày đốt tiền để thu hút khách hàng, hoặc đổ vào các chi phí khác”, James Vương nhận định.

Theo anh, tính phù hợp với thị trường được xem xét ở việc có bao nhiêu khách hàng mới trong thời gian đầu, và bao nhiêu khách hàng ở lại sau một thời gian nhất định. Khi lượng khách có các dấu hiệu giảm dần, doanh nghiệp phải cân nhắc khả năng sản phẩm chưa thực sự phù hợp, có thể dừng lại trước khi mất quá nhiều tiền và thời gian.

Với việc gọi vốn, từ kinh nghiệm tại quỹ đầu tư mạo hiểm, James Vương cho biết các nhà đầu tư sẽ nhìn vào hai điểm khi quyết định rót vốn cho một startup, đó là đội ngũ sáng lập và quy mô thị trường của sản phẩm.

Rõ ràng, một công ty mới khi chưa tạo ra quá nhiều kết quả, những người đứng đầu tốt sẽ là yếu tố thu hút và mở ra khả năng phát triển sau này. Anh lưu ý rằng yếu tố “tốt” ở đây không hẳn là trường xịn, kinh nghiệm nhiều năm, mà quan trọng hơn là cách tư duy, giải quyết vấn đề thông qua quá trình trao đổi và làm việc hai bên.

Có thể đội ngũ ấy chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng thái độ cầu tiến và khả năng học hỏi nhanh, sẽ có thể trưởng thành dần dần và dẫn dắt doanh nghiệp qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Các nhà đầu tư cũng tính toán đến yếu tố thị trường khi ra quyết định đầu tư, bởi thị trường đủ lớn mới có thể bù lại cho độ rủi ro khi đầu tư vào công ty lúc công ty con chưa có được gì. Rủi ro cao thì cần phải có lợi nhuận cao.

“Tuy nhiên với kinh nghiệm của anh, đội ngũ sẽ là điều được ưu tiên hơn, bởi một đội ngũ tốt sẽ có khả năng tìm ra vấn đề ở thị trường, hoặc ở mô hình kinh doanh của họ, từ đó tìm tới các thị trường khác lớn hơn, hoặc chuyển đổi để phù hợp”, anh nhấn mạnh.