HD Mon vượt bão bằng tiềm lực và quản trị rủi ro

Phương Linh (thực hiện) - 10:32, 14/02/2021

TheLEADERSang Canada từ tháng 3/2020 sau khi ăn Tết Canh Tý tại quê nhà Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc HD Mon Holdings không thể ngờ rằng, ngay sau đó là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu khiến các chuyến bay quốc tế bị đình trệ. Ông bị “mắc kẹt” không thể về nước đến tận bây giờ, và thậm chí là có thể lâu hơn… Trong những ngày cuối năm 2020 đầy sóng gió, cuộc phỏng vấn đặc biệt đã được thực hiện từ tòa soạn TheLEADER/Doanh nhân Việt đến nơi cách xa Hà Nội nửa vòng trái đất với vị CEO của HD Mon.

HD Mon vượt bão bằng tiềm lực và quản trị rủi ro
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc HD Mon Holdings

Một năm nhìn lại với quá nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng do tác động của đại dịch Covid-19. HD Mon Holdings đã gặp những trở ngại như thế nào trong bối cảnh đó?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng và suy thoái. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và phụ thuộc lớn vào thị trường và đầu tư nước ngoài cũng bị tác động nặng nề. Toàn nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không riêng gì doanh nghiệp bất động sản.

Đối với HD Mon, chúng tôi cũng không tránh khỏi vòng xoáy này.

Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều đối tác nước ngoài lớn của doanh nghiệp không thể vào Việt Nam, các giao dịch của HD Mon với họ gần như bị đình trệ hoàn toàn. Đặc biệt, diện tích sàn tại các trung tâm thương mại của HD Mon đa số là khách nước ngoài thuê; và khi họ không sang Việt Nam để kinh doanh cũng đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Trong công tác thi công, xây dựng dự án, HD Mon đang triển khai một số dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng, các đối tác nước ngoài là nhà thầu về thiết kế, nhà thầu tư vấn cũng không sang Việt Nam được dẫn đến tiến độ thực hiện bị chậm.

Ngoài ra, với các dự án chung cư của HD Mon đã bán 30% cho người nước ngoài, việc khách nước ngoài không sang Việt Nam khiến các giao dịch không thể thực hiện. Khách hàng đã mua nhà nhưng không thể thanh toán tiền cho doanh nghiệp. Nguồn tài chính của doanh nghiệp vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Đó là những vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi trong năm vừa qua. Còn về con số thiệt hại cụ thể thì thực ra đến thời điểm hiện tại HD Mon cũng chưa tính toán vì Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới dừng lại.

Vậy HD Mon đã có chiến lược gì và làm gì để vượt qua sóng gió 2020?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế cần nhìn nhận rằng, thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua là khó khăn chung cho tất cả các doanh nghiệp bất động sản, không chỉ HD Mon.

Có một điểm rất đặc biệt của HD Mon là doanh nghiệp không sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều, lượng vốn vay ngân hàng rất ít. Vì thế, khi xảy ra Covid-19, doanh nghiệp vẫn có thể chống đỡ và tự tin vượt qua. Có thể nói là chúng tôi đã nhìn trước những rủi ro và bao giờ cũng phải ưu tiên quản trị rủi ro.

Như đã nói ở trên, phần lớn đối tác, khách hàng của HD Mon đều là người nước ngoài nên khi xảy ra dịch bệnh, khách hàng không thể sang Việt Nam nên kinh doanh sẽ gặp khó khăn. Xảy ra tình huống như vậy, bản thân chúng tôi không hề trách khách hàng, đối tác của mình vì rõ ràng đây là điều bất khả kháng. Trong thời gian này, phía doanh nghiệp phải hỗ trợ khách hàng chứ không ép được họ, càng không thể “bắt chẹt” họ trong bối cảnh khó khăn chung.

Còn về các đối tác, nhiều khu thương mại của HD Mon đã được khách hàng nước ngoài có ý định thuê từ trước nhưng vẫn chưa sang được để làm thủ tục thì chúng tôi vẫn phải chấp nhận và chờ, không còn cách nào khác; cũng bởi trong lúc khó khăn như thế này, họ cũng phải cân đối nguồn tài chính và các dòng tiền đầu tư. Dự án nào thực sự tiềm năng họ mới đầu tư chứ không thể đầu tư dàn trải.

Chúng tôi vẫn xác định là nếu làm được điều gì tốt cho khách hàng, nhất là những lúc khủng hoảng thế này, chúng tôi vẫn cố gắng làm. Còn với bản thân doanh nghiệp, để tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng như vậy, chúng tôi phải có nguồn vốn tự có lớn.

Một dự án được HD Mon xây dựng luôn có ít nhất từ 70 - 80% vốn tự có, chúng tôi không bao giờ đi vay ngân hàng quá 30% chi phí triển khai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không đầu tư hết số vốn của mình mà luôn giữ một phần tiền mặt ở công ty. Trong trường hợp dự án kéo dài hoặc khi có những khó khăn về thanh khoản thì doanh nghiệp luôn có phương án để đảm vảo việc trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động chứ không để rơi vào tình thế đổ vỡ.

Nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng quá nhiều, khi không có nguồn thu, không có đủ khả năng trả nợ thì bắt buộc họ phải bán tài sản với giá rẻ hoặc sẽ bị ngân hàng siết nợ. Khi khó khăn xảy ra, nguồn vốn tự có của doanh nghiệp rất quan trọng. Yếu tố sống còn của doanh nghiệp nằm ở vốn.

Hiện nay, lãi suất ngân hàng ở Việt Nam vẫn còn cao, hơn 10%/năm, trong khi đó, ở nước ngoài chỉ 4 - 5%, nhiều nơi chỉ 1-2%. Nếu điều kiện kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp sẽ rất khó có thể chống đỡ với chi phí lớn trong đó có lãi suất ngân hàng và khó có lợi nhuận.

Chính vì vậy, trước khi triển khai các dự án bất động sản, HD Mon trước hết bao giờ cũng có đánh giá rủi ro, sức chịu đựng của doanh nghiệp. Trong đó, phương án quan trọng nhất trong thời điểm khó khăn là doanh nghiệp phải vững về tài chính, nếu không vững về tài chính thì dù có phương án nào cũng không thể vượt qua.

Vấn đề thứ hai là tinh gọn bộ máy. Trong thời điểm này, doanh nghiệp đã đánh giá lại toàn bộ bộ máy để tinh giảm, cắt gọn. Đồng thời, khuyến khích các cán bộ có thể làm nhiều việc thay vì giữ nguyên bộ máy cồng kềnh.

Có một thuận lợi và trở thành may mắn của HD Mon là cơ cấu của công ty không có quá nhiều nhân sự mà chủ yếu đi thuê. Các dự án lớn của HD Mon đều thuê đối tác nước ngoài cho nhiều hạng mục như thiết kế, quản lý, xây dựng, bán hàng.

Mặc dù thuê đối tác nước ngoài phải trả chi phí cao hơn nhưng đây là lựa chọn rất tốt cho dự án bởi các công ty này rất chuyên nghiệp, phát triển dự án chất lượng tốt, đúng tiến độ. Nhìn ra tưởng là đắt hơn nhưng thực chất về lâu dài, việc thuê những đơn vị uy tín, chuyên nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều tiền cho doanh nghiệp hơn.

HD Mon vượt bão bằng tiềm lực và quản trị rủi ro
Dự án Monbay tại Hạ Long, Quảng Ninh

Các doanh nghiệp chuyên nghiệp có quy trình chặt chẽ, có thể quản lý chi phí thất thoát ở mức tối thiểu. Trong khi đó, nếu tự mình làm toàn bộ thì sẽ phải gánh một bộ máy nhân sự rất lớn, nhưng lại không có đủ độ chuyên nghiệp như các công ty nước ngoài.

Thứ ba là về đầu tư. Trong thời điểm hiện nay, HD Mon cũng phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng khi lựa chọn các dự án chứ không thể đầu tư dàn trải. Khi thị trường khó khăn, làm nhiều dự án rất rủi ro. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp thời gian tới sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất.

Là người lãnh đạo doanh nghiệp nhưng lại phải điều hành từ xa, cách nửa vòng trái đất, khác biệt về múi giờ làm việc. Vậy ông đã điều hành kinh doanh như thế nào trong điều kiện đó?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Dịch bệnh bùng phát không thể về Việt Nam, đúng là có rất nhiều khó khăn trong việc điều hành mọi công việc từ xa.

Mặc dù có nhiều ứng dụng để họp và làm việc trực tuyến như Zoom, Viber, Facebook… nhưng những cản trở trong giao tiếp vẫn rất lớn. Đơn cử như việc họp qua mạng, đôi khi bị mất tiếng, thông tin không truyền tải đi được. Mặt khác, khi nói trực tiếp tại buổi họp, nhìn được người xung quanh, mức độ truyền tải thông tin sẽ hiệu quả hơn nhiều họp qua mạng. Nay mọi thứ điều qua mạng nên không thể được như trước.

Lúc trước, khi còn ở Việt Nam, mỗi buổi họp của công ty đều rất sôi nổi, vui vẻ, anh em cán bộ nhân viên trân quý nhau như người nhà. Nhưng giờ, họp từ xa không còn những tình cảm như vậy. Điều này đã vô tình tạo ra khoảng cách giữa mọi người.

Tất nhiên, về tình cảm là không thay đổi, vẫn rất yêu quý nhau nhưng do không được gặp gỡ, không được nói chuyện trực tiếp cùng những cái bắt tay thân mật đã khiến việc giao tiếp trong thời Covid-19 trở nên khó khăn, xa cách; và đôi khi là rất buồn!

Trong thời gian đầu làm việc qua mạng khi chưa quen, đôi lúc tôi cảm thấy cực kỳ bực bội, công việc không được suôn sẻ, do nghẽn mạng, hình ảnh lúc có lúc không, âm thanh câu được câu chăng khiến thông tin truyền tải giữa lãnh đạo và nhân viên các bộ phận nhiều khi bị hiểu sai, hiểu không đầy đủ.

Một trở ngại nữa là do đặc thù của lĩnh vực xây dựng bất động sản thường xuyên phải ra công trường giám sát, nghiệm thu chất lượng thi công. Nhưng nay thì không thể khiến việc điều hành kinh doanh gặp nhiều khó khăn và rất nỗ lực mới làm được.

Vậy ông đã làm cách nào để vượt qua những bất lợi về giao tiếp đó để chỉ đạo mọi công việc ở Việt Nam vẫn được thực hiện trơn tru?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối với việc giao tiếp, họp hành, trao đổi công việc qua mạng thì có lẽ không còn cách nào khác là phải chấp nhận và thích nghi. Còn đối với việc giám sát chất lượng thi công dự án, chúng tôi đã đưa ra được một quy trình vận hành, giám sát công việc cụ thể.

Theo đó, hàng tuần, thậm chí là hàng ngày, ban quản lý dự án sẽ phải họp trực tuyến với tôi để báo cáo tiến độ, chất lượng thi công. Ngoài báo cáo bằng văn bản, tôi yêu cầu cán bộ, nhân viên của mình phải báo cáo bằng hình ảnh, video, rồi họp facetime trực tiếp tại công trường, đưa tôi đi xem từng căn hộ, từng hạng mục thi công dù là nhỏ nhất qua camera trực tuyến.

Dần dần, mọi việc cũng quen và đi vào nề nếp, khuôn khổ. Cũng giống như những thử thách trong công việc mà mình phải đối mặt để vượt qua. Càng khó khăn thì càng phải cố gắng, nỗ lực hết mình. Thời điểm khó khăn như hiện nay cũng chính là lúc sức mạnh nội lực, bản lĩnh của doanh nghiệp được bộc lộ và thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết để vượt qua.

Nếu có cuộc gọi lúc 2h chiều ở Việt Nam thì tại Canada lúc này đã khoảng 12 giờ đêm. Chắc là ông vẫn thường xuyên phải làm việc trong điều kiện như vậy?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi bắt đầu ngày làm việc ở Việt Nam là 8h sáng thì bên này là chập tối. Vì vậy, thông thường tôi làm việc từ tối đến khi kết thúc ngày làm việc theo giờ Việt Nam là khoảng 4-5 giờ sáng ở bên này.

Thực ra thì cũng giống như người làm việc ca đêm thôi! Không có gì to tát cả. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều người đến cả sức khỏe và sinh mệnh còn không giữ được thì tôi vẫn cảm thấy mình rất may mắn trong điều kiện đó. Mặc dù còn nhiều khó khăn và không thể về Việt Nam trực tiếp điều hành công việc nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn khá thuận lợi. Vẫn phải chấp nhận hy sinh một chút sức khoẻ của mình vì công việc.

Sang năm mới, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của kinh tế và thị trường bất động sản tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Nếu trong năm 2021, thế giới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam sớm mở cửa với thị trường thế giới thì nền kinh tế sẽ sớm tăng trưởng nhanh trở lại; các lĩnh vực như bất động sản, bất động sản công nghiệp, du lịch sẽ phát triển rất mạnh mẽ.

Với những nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ và người dân trong việc đẩy lùi dịch bệnh thời gian vừa qua và hiện nay, tôi tin rằng, Việt Nam là một nền kinh tế rất tiềm năng.

Kế hoạch phát triển của HD Mon trong năm 2021 là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong năm 2021, một số dự án chúng tôi vẫn đang trong quá trình triển khai theo kế hoạch. Như với dự án The Zei, chúng tôi cam kết với khách hàng sẽ bàn giao trong quý II/2021. Dự án Monbay tại Hạ Long, Quảng Ninh hiện cũng đã xong, công ty đang tập trung để hoàn thiện, bàn giao nhà cho khách hàng một cách tốt nhất.

Trong thời điểm này, chiến lược của HD Mon là cố gắng hoàn thiện thật tốt các dự án đang triển khai và bàn giao cho khách hàng. Đó là trọng tâm của doanh nghiệp trong năm 2021.

Còn về việc triển khai các dự án mới, có lẽ phải chờ đến năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường.

Xin cảm ơn ông!