Hệ sinh thái Phoenix Holdings đứng sau ngân hàng số Timo

Việt Hưng - 14:41, 11/07/2023

TheLEADERNgoài ngân hàng số Timo, hệ sinh thái Phoenix Holdings bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực tài chính như: VietCredit, Kredivo, Advance, Công ty chứng khoán VietCap và ngân hàng BV Bank.

Thành lập từ năm 2015, Timo được biết đến là một trong những ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ định danh điện tử eKYC, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mở tài khoản và tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ tài chính trực tuyến.

Dù là đơn vị đi tiên phong, nhưng hoạt động kinh doanh của Timo chỉ mới bắt đầu khởi sắc từ cuối năm 2020, khi chuyển sang đối tác là Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank hay BV Bank)

Trong báo cáo thường niên năm 2021, BV Bank cho biết số lượng khách hàng Timo và tổng huy động vốn qua kênh này tăng trưởng lần lượt 140% và 80% so với năm 2020. Tính đến tháng cuối năm 2022, ngân hàng số này đạt hơn 1 triệu lượt tải xuống .

Cùng năm, Timo công bố gọi vốn thành công 20 triệu USD từ Square Peg - Tập đoàn đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Úc. Ngoài ra còn có Jungle Ventures, Granite Oak, FinAccel cùng với Phoenix Holdings tại Việt Nam.

Gần đây, nguồn tin từ DealStreetAsia cho biết, ngân hàng số Timo tiếp tục gọi vốn thành công 10 triệu USD từ các nhà đầu tư hiện hữu nhưng không tiết lộ danh tính. Như vậy, Timo đã huy động được tổng cộng 30 triệu USD.

Hệ sinh thái Phoenix Holdings đứng sau sự chuyển mình của ngân hàng số Timo 2
Ngân hàng số Timo đã huy động được tổng cộng 30 triệu USD

Hậu thuẫn cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Timo trong hơn 3 năm là hệ sinh thái Phoenix Holdings. Được thành lập năm 2016, Phoenix Holdings được giới thiệu là một hệ sinh thái tài chính toàn diện bao gồm các mảng: ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý tài sản, môi giới chứng khoán...

Danh mục đầu tư của Phoenix Holdings bao gồm các doanh nghiệp là đối tác chiến lược với Timo như: VietCredit, Kredivo, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VietCap) và BV Bank.

Trong đó, Kredivo được biết đến là một kỳ lân mảng BNPL (Mua trước trả sau) tại Đông Nam Á có định giá hơn 2 tỷ USD. Kredivo chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho người dùng mua ngay, và thanh toán sau khi giao dịch trực tuyến.

Kredivo gia nhập thị trường Việt Nam năm 2021 thông qua liên doanh với Phoenix Holdings là Kredivo Vietnam Joint Stock Company - giữa Kredivo với Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) - do Phoenix Holdings nắm vốn.

Thông qua Kredivo, khách hàng được mua trước và thanh toán sau trong vòng 30 ngày với lãi suất 0%, hoặc trong 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. Các thao tác diễn ra hoàn toàn trên di động và được VietCredit cấp một hạn mức tín dụng lên đến 25 triệu đồng.

Gần đây, Phoenix Holdings tiếp tục bổ sung thêm mảng ứng dụng "ứng lương" thông qua khoản đầu tư vào Advance - một fintech có trụ sở tại Philippines. Advance chủ yếu cung cấp các khoản tạm ứng tiền lương và các dịch vụ tài chính khác cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ngay sau khi khoản đầu tư của Phoenix Holdings được hoàn tất, Advance công bố việc mua lại một startup nhân sự có trụ sở tại Việt Nam là BravoHR - nền tảng phúc lợi và gắn kết nhân viên.

BravoHR ra mắt thị trường vào tháng 8/2018, có văn phòng đặt tại tầng 9, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP. HCM, cùng chung tòa nhà đặt trụ sở Phoenix Holdings.

Theo ước tính, 70% dân số Việt Nam bị hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Hầu hết các giao dịch trong nước được thực hiện bằng tiền mặt.

Điều này giúp cho Việt Nam trở thành một thị trường tăng trưởng tiềm năng cho các fintech hoạt động trong những lĩnh vực mới như: ngân hàng số, ứng lương, hay các dịch vụ mua trước, trả sau...

Các công ty Timo, Advance, Kredivo hay VietCredit có thể xem là những cánh tay nối dài giúp Phoenix Holdings tạo ra một hệ sinh thái tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam.

Cơ sở cho kịch bản này đến từ việc Việt Nam đang trở thành thị trường có tốc độ số hóa ngân hàng nhanh nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo McKinsey. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2021, tỷ lệ khách hàng cá nhân tích cực sử dụng ngân hàng số đã tăng 41%, đạt 82% ở năm 2021.

Song song với đó, mức thâm nhập dịch vụ fintech và ví điện tử của Việt Nam đạt 56% trong năm 2021, tăng 40% so với năm 2017. 73% khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau. Điều này có nghĩa là họ sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh vật lý.

Mặc cho sự thay đổi về hành vi khách hàng trong thời gian qua, McKinsey đánh giá rằng các ngân hàng vẫn chưa làm đủ tốt để nắm bắt doanh số qua kênh kỹ thuật số. Thực tế, để bù đắp vào khoảng trống giữa ứng dụng ngân hàng và ví điện tử/ứng dụng fintech, nhiều mô hình "tài chính số" thế hệ mới đã được ra đời tại Việt Nam, dưới sự bảo chứng của các ngân hàng truyền thống.