Hiệp định TRIPS và hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài

Hường Hoàng - 12:59, 02/08/2022

TheLEADERHiệp định TRIPS là một trong những hiệp định đang được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cho nhiều quốc gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Những quy định chung này đã và đang hạn chế được những tranh chấp, sự xung đột giữa các quốc gia với nhau.

Hiệp định TRIPS và hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài
Hiệp định TRIPS là một trong những hiệp định được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cho nhiều quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Ảnh: Live Law)

Nguyên tắc chính của Hiệp định TRIPS

Giống như các hiệp định khác của WTO, nguyên tắc không phân biệt đối xử là nội dung then chốt của Hiệp định TRIPS. Nguyên tắc này được thực hiện thông qua nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc. 

Nguyên tắc đối xử quốc gia (nghĩa là theo thuật ngữ thương mại, một quốc gia phải dành cho công dân của các quốc gia khác sự đối xử giống như công dân của nước mình) là một nguyên tắc quan trọng vì nó bảo đảm rằng những doanh nghiệp muốn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình ở thị trường nước ngoài cũng sẽ nhận được sự bảo hộ ở mức độ giống như sự bảo hộ dành cho công dân của nước đó (ví dụ, thời hạn và phạm vi bảo hộ).

Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc mà theo đó, sự đối xử công bằng phải được dành cho công dân của mọi đối tác thương mại trong WTO. Nguyên tắc này cũng được quy định trong Hiệp định TRIPS nhằm bảo đảm rằng tại bất kỳ thị trường nào thuộc WTO, mọi doanh nghiệp sẽ nhận được mức độ bảo hộ giống nhau đối với quyền sở hữu trí tuệ của họ. Vì vậy, nếu một quốc gia dành những điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho một số doanh nghiệp của một thành viên WTO, thì theo nguyên tắc MFN của Hiệp định TRIPS, quốc gia đó cũng phải tạo những điều kiện thuận lợi tương tự cho doanh nghiệp của tất cả các thành viên khác của WTO. Tuy nhiên, những hiệp định thương mại khu vực (RTAs) là một ngoại lệ của nguyên tắc MFN này.

Hiệp định TRIPS quy định những vấn đề thường được gọi là ’’các chuẩn mực và tiêu chuẩn tối thiểu“ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có nghĩa là các thành viên có quyền tự do trong việc xác định những biện pháp phù hợp để triển khai các quy định của Hiệp định TRIPS trong khuôn khổ hệ thống pháp luật và thực tiễn của nước mình, đồng thời có thể quy định sự bảo hộ rộng hơn so với các quy định của Hiệp định TRIPS. Ví dụ, Hiệp định TRIPS quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 50 năm kể từ năm tác giả của tác phẩm qua đời. Nhưng trên thực tế, một số nước quy định thời hạn này là 70 năm.

Quy định của Hiệp định TRIPS về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Theo Hiệp định TRIPS, chính phủ các nước thành viên WTO phải bảo đảm rằng quyền sở hữu trí tuệ phải được thực thi theo luật quốc gia và chế tài đối với các hành vi xâm phạm phải đủ mạnh để ngăn chặn chúng.

Các thủ tục phải công bằng và hợp lý, cũng như không quá phức tạp và tốn kém. Các thủ tục đó không được kéo dài bất hợp lý hoặc chậm trễ vô thời hạn. Những người có liên quan có thể yêu cầu tòa án xem xét lại quyết định hành chính hoặc khiếu nại về phán quyết của tòa án cấp thấp hơn. Hiệp định cũng quy định chi tiết hơn về cách thức thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kể cả các nguyên tắc để có được bằng chứng, các biện pháp tạm thời, lệnh của tòa án, đền bù thiệt hại và các chế tài khác.

Hiệp định quy định rằng trong một số điều kiện nhất định, tòa án có quyền ra lệnh tiêu hủy hàng giả và hàng xâm phạm bản quyền. Việc cố tình làm giả nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền tác giả ở quy mô thương mại phải bị xử lý hình sự. Chính phủ các nước thành viên phải bảo đảm rằng chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể nhận được sự hỗ trợ của cơ quan hải quan trong việc ngăn ngừa việc nhập khẩu hàng giả hoặc hàng xâm phạm bản quyền.