Hình hài khu Đông TP. HCM trong tương lai

Hứa Phương - 08:31, 27/11/2019

TheLEADERTP. HCM quy hoạch phát triển khu Đông thành phố theo hướng khu đô thị sáng tạo nằm trên trục phát triển hướng Đông - Đông Bắc gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

6 trung tâm quan trọng

Đề án của Công ty Sasaki Associates Inc (Hoa Kỳ) đã được UBND TP. HCM trao giải nhất về ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông. Theo đó trọng điểm của khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng.

Cụ thể, đối với trung tâm công nghệ, tài chính quốc tế Thủ Thiêm có vị trí liền kề với khu đô thị Empire City, hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả các khu vực quan trọng. Lối đi ở bờ sông và sân các nhà thờ kết nối đường phố, thông suốt cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, mua sắm.

Sự sáng tạo của công nghệ tài chính trong khu vực được hưởng lợi từ không gian làm việc chia sẻ, khả năng tiếp cận trạm xe điện ngầm và trạm xe buýt gần đó và một quảng trường sự kiện kéo dọc theo kênh.

Hình hài khu Đông trong tương lai
Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ có 6 trung tâm quan trọng

Còn đối với khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc sẽ kết nối với sân bay quốc tế Long Thành bằng đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Đây là khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe...

Các quảng trường dọc tuyến kênh đóng vai trò gắn kết khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo thể thao, trung tâm chăm sóc sức khỏe từ đó kiến tạo một không gian cộng đồng rộng lớn.

Với trung tâm công nghệ cao Sài Gòn sẽ xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía bắc của khu vực sẽ kết nối với khu đại học, cảng và khu trung tâm công nghệ tài chính. Các công ty sản xuất quy mô nhỏ và lớn hiện có trong và xung quanh khu vực như Samsung, Intel, Đại học Fulbright được đề xuất xây dựng trong khu này.

Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TP. HCM) là nơi tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu.

Đối với trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa là nơi tập trung về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành. Những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái.

Khu đô thị tương lai Trường Thọ được cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Kiến tạo lưới đô thị linh hoạt và sôi động.

Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận đến từng ngóc ngách, ưu tiên người đi bộ. Khu vực được quy hoạch giành cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển phức hợp.

Thí điểm mô hình thành phố trong thành phố

Sasaki Associates Inc đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Ngoài ra, quận 2, quận 9 và Thủ Đức cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển.

Hình hài khu Đông trong tương lai 1
TP HCM muốn thí điểm mô hình thành phố trong thành phố

Để xây dựng khu Đông như đồ án quy hoạch, Sở Nội vụ TP. HCM vừa có tờ trình Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP. HCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Dự thảo nêu 3 nội dung chính bao gồm việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Trong đó, xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và hai cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc thành phố và phường, xã, thị trấn).

Đáng chú ý, TP. HCM định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thuộc khu đô thị sáng tạo phía Đông tức là sẽ thành lập thành phố thuộc TP. HCM.

‘Cú hích’ cho thị trường bất động sản

Theo giám đốc một doanh nghiệp bất động sản thì bản thân thị trường bất động sản khu Đông vẫn phát triển trong bối cảnh thị trường TP. HCM gặp nhiều khó khăn.

Số liệu nguồn cung căn hộ chào bán ở TP HCM trong 9 tháng năm 2019 của CBRE Việt Nam cho thấy, khu Đông chiếm trên 60%, khu Nam 23%, còn lại là các khu khác.

Sở dĩ nguồn cung căn hộ chào bán ở khu Đông chiếm tỷ lệ áp đảo bởi vì hạ tầng khá phát triển với đủ các loại hình. Đến thời điểm này, hầu hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2 nối từ trung tâm thành phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức…

Hình hài khu Đông trong tương lai 2
Hạ tầng phát triển là một trong những ưu thế của khu Đông

Cùng với đó, các công ty bất động sản lớn và uy tín trong và ngoài nước cũng đã và đang phát triển nhiều dự án tại khu vực này như Vinhomes Grand Park của Vingroup, các dự án Palm Marina, Victoria Village của Tập đoàn Novaland, khu Sala của Đại Quang Minh, Keppel Land … góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị nơi đây.

Không chỉ có vậy, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng nối trực tiếp khu Đông với Đồng Nai hay dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng cũng kéo dài xuyên suốt từ khu Đông vào trung tâm TP. HCM.

Việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng theo lý giải của vị giám đốc là điều dễ hiểu, trong đó lý do chính là sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm thành phố.

Cụ thể khảo sát của Công ty tư vấn bất động sản Rever công bố mới đây cho thấy, tất cả 45 dự án căn hộ chung cư ở quận 2 đều tăng giá với mức tăng thấp nhất 7,4% và cao nhất lên tới 55,5% so với giá khởi điểm được chủ đầu tư công bố.

‘Với việc khu Đông được quy hoạch để phát triển thành khu đô thị sáng tạo thì trong thời gian tới giá bất động sản khu vực này sẽ tiếp tục tăng’, vị giám đốc nhận định.