Hình hài trí tuệ nhân tạo Made in Vietnam

Việt Hưng - 14:13, 23/11/2023

TheLEADERDù trí tuệ nhân tạo là một công nghệ mới, nhưng cả VinBigdata, VNPT và VNG đều đang nỗ lực làm chủ công nghệ lõi với tham vọng AI 'made in Vietnam'.

Theo thống kê của một nghiên cứu gần đây, hơn 5,3 tỉ người dùng trên thế giới đã tiếp cận Internet, chiếm khoảng 67% tổng dân số thế giới. Trong số này, mỗi người sử dụng Internet ít nhất hơn 6 tiếng 41 phút/ngày.

Ngoài ra, cũng theo một nghiên cứu phát hành tháng 6/2023, người tiêu dùng đang sử dụng nhiều nhất là Google với 84,6 tỉ lượt truy cập, tiếp theo đó là Youtube và Facebook.

Sự phát triển của Internet mang tới nhiều thông tin hơn cho toàn nhân loại, đồng thời thúc đẩy sự ra đời của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu hỗ trợ người dùng xử lý công việc hiệu quả hơn, cũng như mang tới những trải nghiệm mới.

Nghiên cứu của McKinsey năm 2023 chỉ ra rằng AI tạo sinh đóng góp từ 2,6 - 4,4 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm. Việt Nam cũng đang có những sản phẩm trợ lý AI chuyên biệt, thúc đẩy không gian kinh tế số.

TS. Lê Thái Hưng - Giám đốc Chiến lược VNPT AI tin rằng, nhiều người Việt Nam đã sớm được tiếp cận với trí tuệ nhân tạo dưới hình hài là một chatbot.

Chẳng hạn, chatbot có thể tự động trả lời những câu hỏi và những tác vụ đơn giản, mà không cần sự hỗ trợ con người. Đặc biệt, chatbot có thể hoạt động và trả lời 24/7.

Theo thống kê, hơn 88% người dùng trên Internet đã tương tác với chatbot ít nhất một lần trong năm 2022 và hơn 80% câu hỏi có thể được trả lời bằng bot. Và theo Statista, 74% khách hàng thích được chat với chatbot hơn là với các dịch vụ do con người trả lời.

Dự báo, doanh thu thị thường chatbot sắp tới sẽ tăng và đạt ngưỡng hơn 450 triệu USD vào năm 2027 và tới năm 2030 thì đạt đến 3,6 tỷ USD.

Hình hài trí tuệ nhân tạo Made in Vietnam
TS. Nguyễn Kim Anh - CPO VinBigdata

Dưới một hình hài tiên tiến hơn, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể xuất hiện dưới dạng một AI tạo sinh, đã bắt đầu được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực.

Theo TS. Nguyễn Kim Anh - CPO VinBigdata, trong số các ngành, lĩnh vực, AI tạo sinh mang lai doanh thu nhiều nhất cho ngành công nghệ thông tin.

Cụ thể, tỷ trọng AI đóng góp cho ngành công nghệ cao lên tới 240 - 460 tỉ USD hàng năm. Ngoài ra, AI cũng đóng góp lớn cho các ngành nghề, lĩnh vực liên quan ngân hàng, bán lẻ, dược phẩm, giáo dục, du lịch, logistics....

Theo TS. Nguyễn Kim Anh, Việt Nam cũng đang có những động thái nhằm ứng dụng và làm chủ AI tạo sinh. Theo đó, về cấp độ quốc gia, chính phủ Việt Nam đang chủ động kiểm soát nội dung, tránh thông tin sai lệch, đảm bảo an toàn cho dữ liệu quốc gia, đưa công nghệ Việt vươn tầm thế giới.

Về mặt xã hội, Việt Nam cũng đang hướng tới ứng dụng AI tạo sinh để cung cấp thông tin đặc trưng và đặc thù của người Việt, lưu giữ bản sắc văn hóa Việt với thông tin chính xác, uy tín và đầy đủ nhất.

Trong khi đó, ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty công nghệ trong nước đang nỗ lực tự chủ công nghệ lõi Al tạo sinh, thúc đẩy kinh doanh và vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu.

Tất nhiên, lãnh đạo của VinBigdata cũng chỉ ra một số vấn đề khi triển khai các AI tạo sinh, như: tính chính xác; rủi ro về bảo mật/an toàn dữ liệu; tính phù hợp; và trở ngại về chi phí triển khai.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Thái Hưng cho rằng các AI trên thế giới vẫn có một số vấn đề gây lo ngại về tính chính xác và bảo mật. Bên cạnh đó, các sản phẩm của nước ngoài còn gặp vấn đề liên quan đến dữ liệu không được cập nhật thường xuyên.

Hình hài trí tuệ nhân tạo Made in Vietnam 1
Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tự chủ công nghệ lõi Al tạo sinh

Do đó, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam đang tự mình nghiên cứu và phát triển các mô hình AI chuyên biệt.

Phía VNPT cho biết đang phát triển các trợ lý AI theo hướng chuyên biệt cho một lĩnh vực, một nghiệp vụ cụ thể, để hỗ trợ người Việt tốt hơn, thúc đẩy mọi mặt cho xã hội số, không gian số.

Trong khi đó, VinBigdata đã phát triển ViVi - một trợ lý ảo dành riêng cho người Việt trong các tác vụ điều khiển xe thông minh, điều khiển nhà thông minh, chuyển khoản bằng giọng nói, tìm kiếm cây ATM gần nhất...

Còn VNG đang có kế hoạch triển khai dịch vụ trí tuệ nhân tạo tương tự ChatGPT dành riêng cho người nói tiếng Việt, trong bối cảnh doanh nghiệp này đang tìm cách huy động vốn bằng việc niêm yết tại Mỹ.

Lợi thế của VNG là sở hữu Zalo - ứng dụng nhắn tin có lượng người dùng lớn nhất Việt Nam. Công ty đang ngày càng muốn mở rộng Zalo với tính năng dịch thuật. VNG cho biết sắp tới sẽ bổ sung tính năng AI tổng quát, có thể cho phép người dùng thực hiện mọi thứ, từ viết mail tới tìm kiếm các câu trả lời thông qua truy vấn AI.

Tại Việt Nam, nhiều người đã tìm đến sử dụng ChatGPT từ đầu năm nay, nhưng phản hồi của chatbot bằng tiếng Việt kém chính xác hơn so với tiếng Anh.

Ngoài mục tiêu tạo ra đối thủ với ChatGPT, VNG còn có một loạt ứng dụng khác cho trí tuệ nhân tạo như hỗ trợ trợ lý giọng nói Alexa, tạo ra hình ảnh, âm thanh trong game,…