Hơn 500.000 khách hàng đã được hỗ trợ tín dụng 'thời Covid-19'

Trần Anh - 08:20, 08/05/2020

TheLEADERSau thời gian triển khai, những chính sách của ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 đã mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận.

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo kết quả triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, thời gian qua, NHNN đã và đang điều hành ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu biến động mạnh, diễn biến tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sau một thời gian triển khai, những chính sách của NHNN đã mang lại nhiều hiệu quả. Về hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng vẫn tập trung tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với dư nợ tín dụng đến 31/3/2020 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2019 (tăng cao tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 1,13%), chiếm 53,7% dư nợ nền kinh tế.

Các ngân hàng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng.

Mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số ngân hàng đã hạ lãi suất 2,5% lên tới trên 4% cho khách hàng như: Vietinbank, ACB, VCB, Việt Nam Thương tín, Quân đội, Việt Á, Liên Việt, SCB, Đông Nam Á,…

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 147.637 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 533.122 tỷ đồng.

Về lãi suất, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Theo số liệu công bố của IMF tháng 02/2020, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương với lãi suất cho vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực, như: Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).

Về tỷ giá, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi. Trong hơn 03 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá chỉ biến động trong biên độ 1,3-1,5%.

Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Ngoài ra, hoạt động miễn, giảm phí thanh toán cũng ghi nhận kết quả. Sau 02 lần giảm phí, có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. ‘

Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các ngân hàng tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Theo NHNN, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, ngoài hiệu quả thu được, các tổ chức tín dụng cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc

Cụ thể, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/NHNN-TT nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các ngân hàng.

Mặc dù các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các ngân hàng trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.

NHNN cho biết trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành lãi suất một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, mục tiêu chính sách tiền tệ, đặc thù hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các ngân hàng ổn định và giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá.

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; Chủ động cân đối vốn để sẵn sàng đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.