Kết nối kiều bào đầu tư trong lĩnh vực y tế

An Hạ - 13:00, 25/11/2019

TheLEADERCác doanh nhân, chuyên gia y tế là kiều bào tìm phương án để xử lý thực trạng bệnh ung thư gan và phổi đang ngày một trở nên phức tạp ở Việt Nam.

Kết nối kiều bào đầu tư trong lĩnh vực y tế
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế cả trong và ngoài nước

Chiều ngày 22/11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM đã tổ chức tọa đàm “Kiều bào kết nối lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM tổ chức tọa đàm về lĩnh vực y tế. Các chuyên gia đã cùng chia sẻ hiện trạng về căn bệnh ung thư gan và phổi cũng như những biện pháp chẩn đoán và điều trị, mong muốn cải thiện khả năng chuẩn đoán và điều trị bệnh hiện nay tại TP. HCM cũng như trên thế giới; tạo cơ hội để người dân hiểu rõ và có nhận thức đúng về nguyên nhân, cách điều trị các bệnh lý ung thư gan và ung thư phổi.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Vương Đình Thy Hảo, Phó khoa hóa trị Trung tâm ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng và tỷ lệ tử vong cao. Tính chung cả hai giới, 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: Ung thư gan (15,4%), ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%), ung thư vú, ung thư đại tràng...

Một số trung tâm điều trị ung thư chính ở Việt Nam hiện nay là Bệnh viện K (Hà Nội), Trung tâm ung thư Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đối với bệnh ung thư phổi, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đã áp dụng phương pháp phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot giúp cho việc phẫu thuật chính xác hơn, giảm thiểu tác dụng phụ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện thuộc giai đoạn cuối không thể tiến hành phẫu thuật, chỉ có thể sử dụng phương pháp hóa trị và xạ trị. Do số lượng bệnh nhân ung thư tăng nhanh, dẫn đến việc bệnh viện bị quá tải, thời gian bệnh nhân phải chờ xạ trị lâu, có khi lên đến 3-4 tháng và chi phí điều trị cao, tỷ lệ sống sót thấp.

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. HCM đánh giá cao những đóng góp xây dựng của kiều bào cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng trong thời gian qua. Hiện nay thành phố cũng rất quan tâm đến lĩnh vực y tế, đặc biệt là căn bệnh ung thư gan và phổi đang phát triển nhanh cũng là chủ đề nóng được xã hội quan tâm.

Kết nối kiều bào trong lĩnh vực đầu tư y tế
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. HCM

Bác sĩ Aminudin Rahman Bin Mohd Mydin, thành viên Hiệp hội Ung thư bức xạ Canada, tư vấn lâm sàng và xạ trị ung thư thuộc bệnh viện chuyên khoa KPJ Damansara Malaysia cũng nhận định: Bệnh ung thư phổi là rất phổ biến và dễ tử vong, khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi. 

Số lượng người bị ung thư phổi ngày càng tăng và dần trẻ hóa, bệnh khó phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân là 75% nếu phát hiện ở giai đoạn đầu và chỉ 2% nếu phát hiện ở giai đoạn cuối.

Ông cho rằng chiến dịch chống tác hại của thuốc lá là rất quan trọng để giảm nguy cơ gây ung thư phổi, đồng thời, nên tư vấn cho bệnh nhân thực hiện tầm soát càng sớm càng tốt, giúp phòng ngừa, chuẩn đoán và điều trị bệnh sớm.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi, Trưởng khoa Nội I bệnh viện Ung Bướu cho biết, các phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi phổ biến hiện nay như: Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị (hay còn gọi là điều trị toàn thân). Theo số liệu chuẩn đoán năm 2018, trong số 26.000 ca mắc mới ung thư phổi có khoảng 75% bệnh nhân không thể điều trị tại chỗ mà phải điều trị toàn thân. Nếu như trước năm 2010, điều trị hóa trị với phác đồ có platin thì sau năm 2010 đã có những tiến bộ trong điều trị toàn thân, đặc biệt là điều trị miễn dịch với các loại thuốc mới.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng nhấn mạnh, nếu muốn điều trị ung thư phổi theo cách ngắn nhất thì bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử để biết xu hướng của bệnh nhân có đột biến hay ko, từ đó có cách điều trị phù hợp.

Trao đổi tại buổi tọa đàm về căn bệnh ung thư gan, là bệnh có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở Việt Nam, bác sĩ Phan Tấn Thuận, Phó trưởng phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện Ung Bướu cho rằng, ung thư gan hiện nay là gánh nặng rất lớn đối với lĩnh vực y tế của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng. Mỗi năm, có hơn 25.300 ca ung thư gan mới, nguyên nhân của hầu hết các trường hợp mắc ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HVC).

Ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh có thể là do người dân còn chưa ý thức được sự nguy hiểm của viêm gan virus, việc tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B chưa đầy đủ, một bộ phận lớn người dân chưa được tầm soát ung thư định kỳ. Tỷ lệ tử vong cao đa số là do bệnh nhân phát hiện bệnh quá muộn, các biện pháp trị liệu không thể tác động hiệu quả, việc điều trị ung thư cũng rất khó khăn, nhiều loại thuốc mới hiệu quả còn hạn chế nhưng chi phí cao.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh cũng như các bệnh lý kèm theo. Do đó, chiến lược lâu dài để chống ung thư gan và ung thư phổi là tầm soát phát hiện sớm ung thư để có hướng điều trị kịp thời, nếu phát hiện sớm thì khả năng sống sót của người bệnh cao hơn và chi phí ít tốn kém hơn.

Đại diện Sở Y tế TP. HCM, bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long cho biết, nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về chương trình tầm soát quốc gia, lãnh đạo Sở Y tế cũng đã trình tham mưu ủy ban về các trung tâm chuyên sâu tầm soát sức khỏe liên quan đến bệnh lý ung thư. Ngoài ra, Sở Y tế cũng thực hiện theo thông tư mới nhất của Bộ về hồ sơ sức khỏe công dân, theo dõi sức khỏe từ khi mới sinh để quá trình theo dõi xuyên suốt, giúp phát hiện sớm các triệu chứng bệnh lý ung thư.

Trước thực trạng số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng, đặc biệt là ung thư gan và ung thư phổi, với vai trò là người kết nối cho cuộc tọa đàm, ông Võ Thành Đăng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Tổng giám đốc điều hành Global Health Assist - Vietnam (G.H.A) cũng mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục duy trì và kết nối giữa các kiều bào, các chuyên gia, bác sĩ, các bệnh viện hàng đầu về điều trị ung thư trong khu vực cùng các cơ quan có liên quan và các bác sĩ TP. HCM để liên kết đào tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.