Khắc phục hạn chế trong xử lý, sắp xếp lại tài sản công

Khánh Linh - 16:30, 11/08/2017

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại tài sản công do hiện nay cơ chế, chính sách về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và cơ chế tài chính di dời còn có một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Khắc phục hạn chế trong xử lý, sắp xếp lại tài sản công

Bộ Tài chính cho biết, những cơ chế, chính sách về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và cơ chế tài chính di dời còn có một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục gồm: Một là, chính sách về sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm, do quy hoạch) hiện đang được quy định ở nhiều văn bản (Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên khó theo dõi và thực hiện.

Hai là, việc triển khai các Quyết định nêu trên còn chậm, vì các lý do: Vẫn có quy định chưa phù hợp thực tế (như quy định xử lý thu hồi trong trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích nhà, đất chưa đúng quy định (cho thuê, liên doanh, liên kết...), có quy định khó thực hiện (như quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bố trí từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất); tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg quy định đối tượng di dời phải nằm trong Danh mục được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Tuy nhiên, việc ban hành danh mục là tương đối khó, nhiều địa phương chưa ban hành được danh mục nên ảnh hưởng đến tiến độ di dời. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 67 bộ, ngành, địa phương thì mới chỉ di dời được 241/1.279 cơ sở phải di dời (trong đó, có 894 cơ sở gây ô nhiễm; có 144 cơ sở di dời theo quy hoạch đô thị)...

Về sắp xếp lại xe ô tô: Việc triển khai Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg cũng phát sinh một số vướng mắc cần được khắc phục, như chưa có quy định cụ thể về xử lý sắp xếp, xử lý xe ô tô dôi dư, xử lý đội ngũ lái xe dôi dư. Dẫn đến trong quá trình thực hiện còn lúng túng, việc xử lý xe dôi dư chậm, việc bán, thanh lý xe dôi dư có nơi chưa đúng quy định... Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công, dự kiến sẽ giảm từ 30-50% xe phục vụ công tác chung. Vì vậy, quy định việc sắp xếp, xử lý số xe ô tô dôi dư này là hết sức cần thiết.

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và trên cơ sở thực tiễn tình hình thực hiện việc sắp xếp lại tài sản công trong thời gian qua, Chính phủ ban hành nghị định quy định việc sắp xếp lại tài sản công là cần thiết.

Đảm bảo bao quát đầy đủ quá trình sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Bộ Tài chính cũng nêu rõ nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị định. Theo đó, kế thừa những quy định còn phù hợp tại các quy định hiện hành và bổ sung những quy định để đảm bảo bao quát đầy đủ quá trình sắp xếp lại, xử lý tài sản công như: Quy định về kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (hậu kiểm), các biện pháp xử lý cụ thể sau kiểm tra; chế tài xử lý…

Đối với quy định về sắp xếp nhà, đất, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với pháp luật có liên quan và tình hình thực tế.

Cụ thể, về phương thức xử lý đối với trường hợp nhà, đất sử dụng không đúng quy định như không sử dụng, cho mượn, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết: Theo quy định hiện hành trường hợp cho thuê, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định (sau 06 tháng kể từ ngày Quyết định 09/2007/QĐ-TTg có hiệu lực không chấm dứt Nhà nước sẽ thu hồi). 

Thực tế, những cơ sở nhà, đất chỉ cho thuê, liên doanh, liên kết một phần mà không thể tách biệt việc thực hiện thu hồi khó khả thi. 

Vì vậy, tại dự thảo lần này Bộ Tài chính dự kiến quy định phương án xử lý trong 02 trường hợp: (i) Trường hợp sử dụng không đúng quy định toàn bộ hoặc một phần khuôn viên có thể tách thành cơ sở độc lập, Nhà nước sẽ thu hồi. (ii) Trường hợp sử dụng không đúng quy định một phần khuôn viên mà không thể tách thành cơ sở độc lập: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính căn cứ hiện trạng sử dụng, phương án tổng thể để quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan.