Khách hàng sắp được trực tiếp mua điện mặt trời, điện gió

Thái Bình - 15:16, 11/04/2021

TheLEADERBộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (gọi tắt là cơ chế DPPA)

Khách hàng sắp được trực tiếp mua điện mặt trời, điện gió
Lưới điện truyền tải, đảm bảo công suất phát vẫn là vấn đề nan giải của các dự án điện năng lượng tái tạo

Theo dự thảo, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công thương.

Khách hàng dùng điện tham gia chương trình thí điểm cơ chế DPPA phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí. Trong đó, có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng năm mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm đạt từ 80% trở lên.

Về phía đơn vị phát điện, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời, có công suất lắp đặt lớn hơn 30MW (tỷ lệ quy đổi là 1 MWp bằng 0,8 MW đối với nhà máy điện mặt trời).

Đồng thời, muốn tham gia thí điểm cơ chế này, dự án điện gió, mặt trời phải có trong quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt. Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 270 ngày từ khi được công bố lựa chọn tham gia của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hồ sơ tham gia thí điểm của dự án cũng phải kèm theo văn bản chứng minh hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính, tín dụng.

Bộ Công thương dự kiến vận hành thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Sau thí điểm một năm, Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công thương sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế DPPA.

Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, khi thực hiện cơ chế thí điểm này, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hoàn chỉnh, bán lẻ điện cạnh tranh chính thức triển khai, hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ chuyển sang thực hiện theo quy định mới có liên quan.

Theo cơ chế DPPA, khách hàng được trực tiếp đàm phán mua bán điện với đơn vị phát điện thông qua việc ký kết một hợp đồng kỳ hạn (từ 10 đến 20 năm) dạng chênh lệch để cam kết sản lượng điện và mức giá điện áp dụng trong tương lai theo thời hạn hợp đồng để quản lý rủi ro biến động giá thị trường điện giao ngay. Đơn vị phát điện được ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát theo quy định.

Cơ chế DPPA được cho là sẽ 'cởi trói' cho hoạt động bán điện từ các nhà máy điện tái tạo ra thị trường (khi giảm bớt vai trò của EVN). Tuy nhiên, thực tế EVN vẫn đặc biệt quan trọng với các dự án này, trong vai trò đầu tư, cung cấp vận hành lưới điện truyền tải. Tính đến nay, chỉ duy nhất trường hợp Trung Nam group thoát khỏi ‘cái bóng’ của EVN/EVNNPT khi tự xây dựng, vận hành đường dây truyền tải 500kV (dài hơn 17km, mức đầu tư 1.200 tỷ đồng) để tự giải tỏa công suất 450MW dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận.