Kiến nghị lùi thời gian kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp sang năm 2023

An Chi - 12:56, 24/04/2022

TheLEADERTrước vai trò quan trọng của nguồn vốn huy động vốn từ trái phiếu cho nền kinh tế và các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát trái phiếu nên áp dụng kể từ đầu năm 2023 để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh, huy động vốn.

Kiến nghị lùi thời gian kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp sang năm 2023
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây

Sau vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng trị giá trên 10.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua một bước ngoặt mới, với nhiều sự kiểm soát và cảnh báo từ các cơ quan chức năng. 

Từ nửa đầu tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm một số văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh và minh bạch.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã trải qua 4 năm phát triển mạnh mẽ với giá trị phát hành bùng nổ, đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước năm 2021.

Đáng chú ý là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn trái phiếu hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. 

Các doanh nghiệp bất động sản đã vượt ngân hàng, đứng đầu về giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 với tỷ trọng 35% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Gần một nửa giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là không có tài sản đảm bảo. Việc có tài sản đảm bảo là không bắt buộc, nhưng đó là một trong những điều kiện tạo nên uy tín của doanh nghiệp cũng như trái phiếu doanh nghiệp phát hành - nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư (trái chủ).

Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng. Quá nửa giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 1. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2022 chiếm tới 43%. 

Trong đó, điều khiến các cơ quan quản lý thị trường lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng là doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ. Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch.

Bên cạnh đó, có hiện tượng các ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân, những người không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn bất bình đẳng thông tin và chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, trao cơ hội đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư. So với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói chung cần một giải pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển lành mạnh. 

Thời gian vừa qua, quan ngại của các cơ quan quản lý nhà nước thường bắt nguồn từ sự bất đối xứng thông tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư (cá nhân hay tổ chức). Chính vì vậy, việc đánh giá tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là vô cùng cần thiết. Xếp hạng tín nhiệm cho phép nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát đủ khách quan để đánh giá những rủi ro có thể khi đầu tư vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, nguồn vốn huy động từ trái phiếu đang là quan trọng cho nền kinh tế, nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng trong lúc thị trường vốn của ta chưa phát triển hài hòa, đồng bộ, quy mô còn khiêm tốn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Do đó, ông Châu đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xây dựng lộ trình từng bước kiểm soát hiệu quả hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nước ta. Việc kiểm soát trái phiếu có thể áp dụng kể từ đầu năm 2023 để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hoạt động đầu tư kinh doanh, huy động vốn.

Nếu ngay lập tức “siết chặt” cả nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn, rủi ro.

Về phía các doanh nghiệp, ông Châu khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp bất động sản cam kết thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, huy động các nguồn vốn và sử dụng vốn huy động đúng pháp luật, bảo đảm hài hoà lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.