Kiến nghị thành lập tổ công tác đặc biệt phục hồi kinh tế cho các tỉnh thành phía Nam

Phạm Sơn - 09:32, 16/09/2021

TheLEADERTheo ông Võ Văn Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, phục hồi kinh tế là quyết sách mang tính tổng hợp của nhiều ngành, nhiều địa phương, do đó cần có tổ công tác đặc biệt để góp ý và phối hợp với chính quyền tháo gỡ khó khăn.

Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đẩy TP.HCM và các tỉnh thành miền Nam rơi vào tình cảnh khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, đe dọa trực tiếp tới doanh nghiệp và sinh kế của người lao động.

Hiện tại, sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ thị 16 và đạt được một số dấu hiệu khả quan, TP.HCM tiến hành từng bước mở cửa nền kinh tế, theo nguyên tắc quan trọng nhất là “sống khỏe với Covid-19”, trên cơ sở mở rộng từng bước nhưng vẫn đảm bảo an toàn, “chỉ an toàn với mở rộng, an toàn đến đâu mở rộng đến đó”.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng rà soát lại kế hoạch đầu tư công năm 2022 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn để có những điều chỉnh kịp thời, xây dựng các kịch bản phát triển đi kèm với giải pháp thích ứng linh hoạt.

Để thực hiện được kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị với Bộ Kế hoạch và đầu tư 4 giải pháp.

Đầu tiên, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ thành lập một tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch cho TP.HCM và các tỉnh thành phía nam.

Theo ông Hoan, phục hồi kinh tế là quyết sách mang tính tổng hợp nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Một nghiên cứu tại Đại học Kinh tế - luật TP.HCM ước tính, TP.HCM cần khoảng 8 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế.

Quá trình phục hồi cũng có độ trễ nhất định, mất khoảng 6 – 9 tháng để doanh nghiệp kịp chuẩn bị lao động, vật tư đầu vào cũng như xây dựng quy trình mới nhằm đưa sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

Kiến nghị này cũng được sự đồng tình của chính quyền tỉnh Long An. Trao đổi với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, quá trình phục hồi kinh tế của Long An cũng như các tỉnh thành khác đều có vai trò rất quan trọng của cơ chế liên kết vùng. Vì vậy, ông Út mong muốn có một tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các địa phương khu vực miền Nam trong việc liên kết với nhau, đảm bảo phục hồi hiệu quả.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tham mưu với Chính phủ sớm thông qua việc nâng điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% lên 23%.

“Phần để lại cho thành phố sẽ được ưu tiên sử dụng cho phục hồi kinh tế. Chỉ khi thành phố phục hồi nhanh thì mới đóng góp được nhiều hơn cho ngân sách Trung ương”, ông Hoan lập luận.

Thứ ba, TP.HCM xin cho phép đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư trên các lĩnh vực y tế, văn hóa… thông qua việc triển khai thí điểm hình thức đấu giá cho thuê đất công cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng xã hội.

Qua đó, thành phố vừa tăng thu ngân sách từ tiền thuê đất, vừa giảm áp lực khi “ngân sách không còn để đầu tư nhưng nhu cầu rất cao, còn nhiều công trình vẫn bỏ trống”.

Cuối cùng, TP.HCM đề nghị xem xét phê duyệt ưu tiên vốn từ trung ương cho 3 dự án trọng điểm, bao gồm cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; rạch Xuyên Tâm và kênh Hy Vọng, với tổng vốn khoảng hơn 17 nghìn tỷ đồng.