Leader talk
Kinh doanh khách sạn phục hồi nhanh hơn dự đoán
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn TP. Đà Nẵng và Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, trao đổi về những thách thức trong quá trình phục hồi của ngành kinh doanh khách sạn sau khi dịch Covid-19 thuyên giảm.
Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế từ giữa tháng 3 và du lịch nội địa cũng bước vào mùa cao điểm. Với hai động lực này, kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng và cũng như trên cả nước đã phục hồi đến đâu so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Ngành khách sạn chứng kiến sự khôi phục nhanh chóng, nằm ngoài tiên đoán của mọi người. Nếu như trước đây mọi người đều cho rằng du lịch sẽ phục hồi vào năm 2024, thì bây giờ chúng tôi tự tin rằng du lịch Việt Nam sẽ quay trở lại mốc 2019 vào những tháng cuối cùng của năm 2023.
Kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng và trên cả nước phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng biển phục hồi nhanh hơn so với các khách sạn ở thành phố. Chúng tôi đánh giá rằng, đối với các khu nghỉ dưỡng biển, mức độ phục hồi có thể lên đến 80% so với thời điểm 2019.
Tỉ lệ kín phòng của khách sạn thời điểm này cho đến hết mùa hè có thể đạt từ 50-70%. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước hồi phục nhanh nhất trên thế giới về hàng không nội địa. Đây là một điều đáng khích lệ.
Việt Nam là một trong những nước hồi phục nhanh nhất trên thế giới về hàng không nội địa.
Với những tín hiệu tích cực như vậy, các khách sạn ở Đà Nẵng đã mở cửa trở lại toàn bộ hay chưa và những gì đang diễn ra có cho phép các chủ khách sạn có thể lạc quan hơn trong thời điểm còn lại của năm nay hay không?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉ lệ khách sạn đã mở cửa trở lại là 70%, cụ thể là 850 trên tổng số 1.200 khách sạn.
Đối với kinh doanh khách sạn, chúng tôi hoàn toàn lạc quan cho giai đoạn hè 2022. Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi – khi mùa du lịch trong nước kết thúc, cũng như là mùa không thích hợp cho du lịch biển cho các tỉnh thành từ miền Bắc vào miền Trung, chúng tôi không tự tin cho những tháng cuối năm khi mà các chuyến bay từ các nước chưa hoàn toàn được hồi phục, khách du lịch quốc tế vẫn còn dè dặt với các chuyến bay dài.
Trung Quốc – thị trường lớn nhất tại Việt Nam (chiếm tỉ lệ 50 – 90% du khách quốc tế ở một số điểm đến du lịch lớn) chưa được khai thông, là một điều rất đáng lo ngại. Hàn Quốc - thị trường lớn thứ hai (chiếm lấy 4,6 triệu lượt khách năm 2019) - cũng chỉ bắt đầu quay trở lại và hiện tại cũng chỉ tương đương khoảng 20% lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam so với năm 2019.
Tóm lại, chúng tôi mong chờ các chuyến bay quốc tế được mở cửa trở lại, đặc biệt từ các thị trường MICE (du lịch hội nghị - hội thảo) lớn để chúng tôi có nhiều khách vào cuối năm 2022.
Phân khúc khách sạn nào đang phục hồi nhanh nhất và phân khúc nào phục hồi chậm hơn, tại sao?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Phân khách khách sạn 4 - 5 sao đang quay lại rất mạnh mẽ vì lượng khách đi du lịch biển vào mùa hè quay trở lại rất nhanh và các khách sạn 4 - 5 sao thông thường có vị trí tốt hơn so với các khách sạn 3 sao trở xuống đây là thị phần phục hồi rất nhanh.
Đặc biệt, khi các khách sạn 4 - 5 sao đã đưa ra những mức giá ưu đãi tốt hơn rất nhiều so với 2019, thậm chí giá có thể thấp như khách sạn 3 sao trước đây, du khách nội địa đã có cơ hội trải nghiệm các khách sạn 4 - 5 sao. Tuy nhiên, đây cũng là một trở ngại lớn cho các khách sạn 3 sao mở cửa trở lại.
Mặt khác, chúng tôi rất ngạc nhiên về sự khôi phục du lịch MICE của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung vì thông thường phân khách khách lẻ, khách đi nghỉ dưỡng phục hồi đầu tiên, sau đó mới đến thị trường khách MICE.
Khách sạn 4 - 5 sao đã đưa ra những mức giá ưu đãi tốt hơn rất nhiều so với 2019, thậm chí giá có thể thấp như khách sạn 3 sao trước đây.
Nhưng ngay sau khi mở cửa, chúng tôi đã tiếp đón rất nhiều đoàn khách lớn từ 200 – 1000 người từ tháng 3đến tháng 6. Đặc biệt, trong dịp hè tháng 7, tháng 8, chúng tôi tiếp tục nhận nhiều yêu cầu cho các đoàn khách lớn. Chính vì vậy, thị trường MICE đã được phục hồi hết sức nhanh chóng.
Như ông nói giá phòng khách sạn đang ở mức rất thấp so với thời điểm diễn ra trước dịch khi khách sạn 4-5 sao thậm chí bán với giá như 3 sao hồi trước dịch? Liệu có phải đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các khách sạn để giành khách dẫn đến giá phòng khách sạn giảm mạnh hay không hay vì nguyên nhân nào khác?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Có thể nói rằng, giá phòng hiện của các khách sạn chỉ còn 70% so với năm 2019. Điều này không hẳn là sự cạnh tranh giữa các khách sạn, mà đấy là mức giá phù hợp với du khách nội địa. Khi lượng khách quốc tế còn chưa quay lại nhiều, việc đưa ra mức giá phòng thích hợp cho các đoàn khách Việt Nam là cần thiết.
Ngay thời gian sau mở cửa 15/3, có sự cạnh tranh về giá giữa các khách sạn, nhưng đến thời điểm hiện tại, các khách sạn cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, cũng như quyền lợi ưu tiên cho khách đặt phòng.
Chúng tôi cũng tổ chức các buổi trao đổi để nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất hạ tầng, để thu hút khách bằng chất lượng, bằng những trải nghiệm ấn tượng chứ không phải về giá.
Liệu giá phòng khách sạn có thể tăng trở lại và tiệm cận được với mức giá ở thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 hay không và vì sao?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Có thể là năm 2023, khi mà các đường bay thẳng đã được mở lại và du lịch quốc tế đã được phục hồi. Hiện tại, các nguồn khách của du lịch Việt Nam hầu hết dựa vào thị trường nội địa, nên giá phòng không thể tăng cao được.
Một trong những thách thức lớn đối với các khách sạn và ngành du lịch khi mở cửa trở lại là thiếu nhân lực do đã có nhiều người chuyển nghề trong thời gian dịch bệnh. Các khách sạn ở Đà Nẵng có phải đối mặt với tình trạng này không và nếu có sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng phục vụ cũng như việc quản lý vận hành khách sạn?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Phải nói rằng thiếu hụt nhân sự là vấn đề chung của toàn ngành, không riêng gì với các khách sạn tại Đà Nẵng.
Về chất lượng, trong dịch, nhân sự đương nhiệm phải kiêm nhiệm nên khó đảm bảo chuyên môn, công tác chống dịch thời gian dài cũng hạn chế kỹ năng phục vụ, giao tiếp. Sinh viên cũng mất cơ hội thực tập, khoảng thời gian trống dài sau tốt nghiệp khiến các bạn tự ti, ít thiện chí theo đuổi ngành học. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ cũng như quản lý vận hành khách sạn.
Do đó, với đội ngũ nhân viên đương nhiệm, các khách sạn cần tổ chức thường xuyên các buổi đào tạo, huấn luyện, trao dồi về kỹ năng phục vụ. Với các bạn sinh viên, bên cạnh đào tạo chính quy của nhà trường, cần phải có cơ hội được đào tạo kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tế trong công việc, do việc thiếu va chạm, cọ xát với nghề trong suốt 2 năm Covid-19 vừa rồi.
Hội Khách sạn Đà Nẵng đã nhận thức rõ vấn đề thiếu hụt cả số lượng và chất lượng của nhân sự nên đã tổ chức thường xuyên các khoá học trực tuyến về dịch vụ, về thông tin thị trường. Hội cũng ký kết hợp tác với các trường nghề để đưa các chuyên gia ngành Khách sạn vào giảng dạy, cũng như đào tạo lại cho các nhân viên khách sạn.
Tại Đà Nẵng, một đơn vị đã và đang làm rất tốt chương trình này đó chính là Học viện Đào tạo Mến khách IBH. Sự hợp tác ba bên giữa các trường chính quy, học viện IBH và các khách sạn như Furama Resort Đà Nẵng, đã mang đến các khóa giảng dạy thực tế, bổ sung kỹ năng mềm như: kỹ năng lãnh đạo, đào tạo viên và ứng xử trên bàn tiệc... và các chương trình dành cho thực tập sinh, sinh viên.
Nhu cầu của khách du lịch hiện nay có gì thay đổi không và các khách sạn cần làm gì để thích ứng với những thay đổi này (nếu có)?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Du lịch xanh đang là xu hướng hiện tại khi nhận thức của du khách về tầm quan trọng của môi trường đến đời sống ngày càng tăng cao. Điều này, ảnh hướng đến hành vi lựa chọn địa điểm du lịch cũng như trong suốt quá trình lưu trú của khách.
Bên cạnh đó, chính là xu hướng du lịch nghỉ dưỡng (Wellness tourism), khi sức khỏe trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của du khách.
Như vậy, các khách sạn cần đầu tư, phát triển các trải nghiệm xanh - thân thiện với môi trường, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của du khách.
Về công nghệ, các khách sạn cũng cần phải áp dụng các công nghệ số để giảm bớt thời gian tiếp xúc và chờ đợi của du khách như digital check-in (nhận phòng qua mạng) and pre-check in (nhận phòng trước), sử dụng công nghệ chatbot (phần mềm tư vấn khách hàng tự động).
Cho đến thời điểm này, những tín hiệu cho thấy du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn rất dè dặt.
Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế nhưng bây giờ không phải là thời kỳ cao điểm của khách quốc tế đến Việt Nam mà thường vào mùa đông. Cho đến thời điểm này, có tín hiệu nào cho thấy khách quốc tế sẽ trở lại Việt Nam với số lượng lớn vào mùa cao điểm sắp tới không? Và đâu sẽ là thị trường khách du lịch quốc tế chính cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong mùa cao điểm tới?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Cho đến thời điểm này, những tín hiệu cho thấy du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn rất dè dặt.
Mặc dù lượng khách tìm hiểu du lịch Việt Nam tăng cao nhưng số lượng khách quốc tế tới Việt Nam chưa thể chắc chắn một phần là đường bay chưa rộng khắp, hai là các du khách nước ngoài còn dè dặt đi xa (long-haul) mà thường họ vẫn lựa chọn các điểm đến nghỉ dưỡng gần hơn. Các đường bay thẳng vẫn chưa kết nối với các điểm xa.
Về thị trường khách quốc tế chính, chúng ta nên tập trung vào các thị trường có đường bay thẳng tới Việt Nam ngay lúc này. Và đặc biệt, các thị trường sẵn sàng đến Việt Nam như thị trường Ấn Độ. Thị trường Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản cũng nên tập trung. Hơn thế nữa, cần sẵn sàng chuẩn bị về dịch vụ, cơ sở vật chất và nhân sự khi du lịch Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài.
Chính quyền Đà Nẵng cũng như ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh hơn?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Tất cả những hoạt động để quảng bá du lịch Việt Nam trước dịch cần phải quay trở lại và tăng cường mạnh hơn.
Chính quyền Đà Nẵng vô cùng tích cực trong công tác xúc tiến quảng bá cho các thị trường cũng như các hoạt động đầu tư vào dịch vụ du lịch, đối tác cung ứng cho ngành du lịch một cách sâu rộng.
Sự kiện Routes Asia ngày 6-9/6/2022 với 550 lãnh đạo và đại biểu tham dự từ các hãng hàng không, sân bay, nhà cung ứng, công ty du lịch quốc tế lớn diễn ra tại Đà Nẵng đã giúp điểm đến này có cơ hội hợp tác và phát triển thêm các đường bay mới.
Sắp tới, lãnh đạo Đà Nẵng cũng dẫn đầu đoàn xúc tiến du lịch tổ chức các roadshows (chương trình quảng bá lưu động) tại Ấn Độ, Malaysia và Singapore. Trung tâm Xúc tiến Du lịch cũng làm việc chặt chẽ với các đối tác ở các điểm đến du lịch tới Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản….
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng rất tích cực trong công tác mời các đoàn fam trips (chương trình du lịch cho các hãng lữ hành tìm hiểu điểm đến) và tham gia vào các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm mới và tích cực tham gia vào các hoạt động của ngành du lịch Đà Nẵng.
Chúng tôi mong chính quyền Đà Nẵng có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn để tham gia nhiều hơn các triển lãm du lịch quốc tế, các roadshow du lịch tại các điểm đến để có thể xây dựng lại mối quan hệ với các đối tác du lịch quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Mở cửa rồi, du lịch làm gì tiếp theo?
9 xu hướng du lịch mới hậu Covid-19
Quan tâm nhiều hơn đến yếu tố an toàn, đảm bảo sức khoẻ và chi tiêu tiết kiệm hơn là hai xu hướng nổi bật của khách du lịch trong năm 2022.
Sáu giải pháp phục hồi, phát triển du lịch bền vững
Những từ khóa chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.
‘Mở cửa du lịch không chỉ là đứng dậy thật nhanh’
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, mở cửa du lịch không chỉ là thời điểm phục hồi mà còn là cơ hội cho du lịch Việt Nam bứt phá, định vị lại vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng chuẩn bị đi vào hoạt động
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại Quảng Ninh có công suất 120.000 xe/năm, sẽ đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.
Vinhomes chỉ mua vào 67% số cổ phiếu quỹ đăng ký
Ước tính Vinhomes đã chi gần 10.500 tỷ đồng cho gần 247 triệu cổ phiếu quỹ kể trên nếu tính giá trị giao dịch mỗi phiên theo giá đóng cửa.
Hết 'room' margin, công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn
Bên cạnh việc có thêm “room” cho vay để đảm bảo mức trần quy định, hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt tăng vốn cũng giúp các công ty gia tăng nội lực tài chính.
Đường sắt tốc độ cao: Tìm lời giải bài toán vốn, công nghệ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn hợp lý cho dự án làm du lịch trong rừng
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Hanoi Melody Residences: 'Tọa độ nóng' của thị trường căn hộ nội đô
Tổ hợp căn hộ đa tiện ích Hanoi Melody Residences tại khu vực Tây Nam Linh Đàm đang đón lượng khách tăng vọt trong những ngày gần đây.
PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học
PVcomBank khuyến nghị khách hàng cập nhật giấy tờ tùy thân và đối chiếu sinh trắc học trước 1/1/2025 để đảm bảo giao dịch an toàn, liên tục.