Kinh tế Việt Nam 2020: Kịch bản lạc quan nhất là tăng trưởng 2,6 – 2,8%

Phạm Sơn - 10:15, 22/10/2020

TheLEADERCác chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là công tác ngăn ngừa dịch bệnh trên toàn thế giới.

Kinh tế Việt Nam 2020: Kịch bản lạc quan nhất là tăng trưởng 2,6 – 2,8%
PGS.TS Phạm Thế Anh tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III và chín tháng đầu năm 2020. Ảnh: VEPR.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, trong quý III/2020, toàn thế giới vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở một số quốc gia.

Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái nghiêm trọng với sự sụt giảm về thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng và thất nghiệp tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương, phần nhiều nhờ khống chế được dịch.

Đồng quan điểm, theo ông Peter Girke, Trưởng đại diện KAS tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt ở Việt Nam là điều vô cùng đáng ngưỡng mộ. 

“Việc tổ chức tọa đàm đông người tham gia như hôm nay vẫn còn là điều bất khả thi đối với nước Đức, quê hương tôi, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới”, ông Girke cho biết.

Cùng với đó, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ tháng 8 vừa qua cũng tạo ra dấu ấn mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu từ báo cáo của VEPR cho biết, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại lên đến 10,7 tỷ USD trong quý III, đặc biệt chứng kiến vai trò tăng lên của khu vực doanh nghiệp trong nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và khó lường như hiện nay.

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020

PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng VEPR cho biết, với kịch bản lạc quan nhất, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,6 – 2,8% trong cả năm 2020.

Con số này thấp hơn so với những dự đoán trong các báo cáo trước đây do sự bùng phát trở lại của Covid-19 ở một số tỉnh thành miền Trung trong tháng 7 vừa qua. 

Cùng với đó, thiên tai, lũ lụt ở miền Trung đang diễn ra cũng sẽ là nhân tố gây tác động không nhỏ với tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Anh, nền kinh tế cần lường trước những tác động của diễn biến dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia là đối tác thương mại.

Theo đó, nếu dịch bệnh tái bùng phát ở các nền kinh tế lớn, dẫn tới những lệnh phong tỏa trong quý cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất và du lịch của Việt Nam sẽ phải thu hẹp. Trong tình huống này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể chỉ vào khoảng 1,8 – 2%.

Tuy nhiên, báo cáo của VEPR nhấn mạnh, hai kịch bản trên đi kèm giả định rằng dịch bệnh vẫn tiếp tục được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước. 

Chính phủ, doanh nghiệp và mọi người dân không được lơ là cảnh giác trước dịch bệnh, tránh xảy ra những biến cố bất ngờ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ông Anh cho rằng, ưu tiên lúc này là phải đảm bảo an sinh xã hội, ổn định môi trường kinh doanh, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thông qua các chính sách thiết thực và hiệu quả.

Một trong những phương án được VEPR đưa ra là cắt giảm chi phí công đoàn nhằm giảm chi phí vận hành doanh nghiệp.

Cụ thể, chi phí công đoàn đang chiếm 2% quỹ lương là quá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi công đoàn vẫn còn dư chi phí để tiếp tục hoạt động. Vì vậy, việc cắt giảm chi phí công đoàn xuống còn 1% hay thậm chí là 0% là điều cần thiết và hoàn toàn khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, phương án cắt giảm thuế nên được tiến hành trên thuế VAT để có thể tạo ra hiệu quả thực chất, thay vì cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vốn không đem lại ý nghĩa gì cho các công ty, tập đoàn đang chịu lỗ, đem lại sự hỗ trợ thiếu đồng đều.

“Hỗ trợ doanh nghiệp không đồng đều có thể tạo ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng, ảnh hưởng xấu tới việc phục hồi kinh tế”, ông Anh khẳng định.