Kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó trong 2021

Phạm Sơn - 09:57, 21/01/2021

TheLEADERTrung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia nhận định nền kinh tế Việt Nam không phục hồi lạc quan như những dự đoán trước đó.

Kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó trong 2021
Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng chưa thể thực sự bứt phá.

Tăng trưởng GDP 6,17%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình đạt 3,8% là dự đoán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) về nền kinh tế Việt Nam theo kịch bản cơ sở, khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục và đại dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.

Kịch bản khả quan hơn diễn ra với điều kiện nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 6,72%, CPI trung bình đạt 4,2%.

Các chuyên gia NCIF nhận định, trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo của giai đoạn trung hạn (2021 – 2025), nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng chưa thể thực sự bứt phá do những khó khăn nội tại chưa được giải quyết triệt để, thậm chí còn có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch Covid-19.

Dự báo của NCIF được đánh giá là thận trọng hơn so với các dự báo trước đây của nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó dự báo lạc quan nhất thuộc về HSBC khi nhận định Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 7,6%.

Những yếu điểm về cơ cấu

Bình luận về tác động của đại dịch Covid-19, TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc NCIF nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ được sức chống chịu phi thường, tuy nhiên cũng đang bộc lộ ra nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu, đặt ra nguy cơ cản trở tiến trình phục hồi, phát triển.

Cụ thể, một trong những yếu tố tạo ra mức tăng trưởng dương năm 2020 là giải ngân vốn đầu tư công tăng cao, bao gồm cả nguồn vốn chậm giải ngân từ các năm trước. Điều này giúp Việt Nam đi đúng chu kỳ tài khóa nhưng cũng đặt ra vấn đề về động lực tăng trưởng cho năm 2021, khi không còn nguồn vốn dồi dào để giải ngân.

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể chỉ đạt 6,17%
TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia.

Mặt khác, cơ chế quản lý đầu tư công cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc. 

“Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất cao, nhưng tại sao các năm trước lại thấp như vậy”, ông Anh đặt câu hỏi.

Về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đại diện NCIF nhận xét, Việt Nam đang thiếu một cơ chế kích hoạt tự động để ứng phó với các biến động an ninh phi truyền thống. Điều này dẫn tới việc các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân không đạt hiệu quả cao như kỳ vọng.

Công tác quản lý, cập nhật thông tin cũng khiến các cơ quan từ Trung ương tới địa phương lúng túng trong việc xác định đối tượng nhận hỗ trợ. Các chuyên gia nhận định, yếu tố này có thể gây ảnh hưởng tới các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, mức xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020 là trợ lực lớn giúp nền kinh tế ổn định vĩ mô, nhưng cũng cho thấy nền rủi ro tăng trưởng kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, năng lực sản xuất chưa cao.

Nhìn từ góc độ quốc tế, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tương đối phức tạp, đặc biệt sự xuất hiện của biến chủng vi rút có thể làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm.

Phản ứng chính sách của các quốc gia trên thế giới, cụ thể là những chính sách “siêu nới lỏng” tiền tệ và tài khóa có thể làm giá cả trên thế giới tăng mạnh vào năm 2021, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam.

Giải pháp biến nguy thành cơ

Theo các chuyên gia NCIF, Covid-19 đem lại 2 xu hướng là cơ hội tốt để tái cơ cấu nền kinh tế, tạo ra bước đột phá trong trung hạn và dài hạn, bao gồm sự lên ngôi của nền kinh tế số và xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó, xu thế dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những dự án đầu tư chất lượng cao, hạn chế thâm dụng lao động và ảnh hưởng tới môi trường.

Xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ là trợ lực quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng chất lượng sản xuất cũng như năng suất lao động, góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, tận dụng những xu hướng trên đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ, mang tính căn cơ và hiệu quả. Cụ thể, các chuyên gia nhấn mạnh trong giai đoạn 2021 – 2025 cần tiếp tục đầu tư vào các yếu tố nền tảng như môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những yếu tố “đã đặt ra, đã thực hiện nhưng chưa thực sự đạt được như kỳ vọng”.