Kym Việt: Kiên tâm với ước vọng thay đổi cuộc sống người khuyết tật
Phạm Sơn
Thứ hai, 30/05/2022 - 13:33
Gần 10 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp xã hội Kym Việt đỡ trở thành bệ đỡ cho nhiều người khuyết tật để họ có thể tự tin làm chủ cuộc đời và cống hiến cho xã hội.
Mới đây, trong chuyến thăm nước Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có mang theo một món quà đặc biệt. Đó là những con sao la nhồi bông, một sản phẩm đồng hành của Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31.
Những con thú nhồi bông được hoàn thiện với độ tỉ mỉ, chau chuốt cao, vẻ ngoài đáng yêu nhưng không mất đi sự khỏe khoắn. Ít ai biết được rằng, đây là những sản phẩm thủ công của người khuyết tật tại doanh nghiệp xã hội Kym Việt.
Thành lập từ năm 2013 bởi doanh nhân Phạm Việt Hoài, vốn cũng là một người khuyết tật vận động, Kym Việt tập trung vào đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật thông qua việc sản xuất thú nhồi bông, đồ lưu niệm. Đến năm 2017, Kym Việt mở thêm một số quán cà phê để đa dạng hóa cơ hội nghề nghiệp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Làm thật, kinh doanh thật!
Các sản phẩm của Kym Việt được trau chuốt tỉ mỉ, cẩn thận, không chỉ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mà còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao khác lựa chọn làm tặng phẩm cho đối tác nước ngoài.
Cùng với đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn mua của Kym Việt nhiều món quà gửi tặng nhân viên, đối tác. Gần đây nhất, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đặt mô hình máy bay bằng vải nhồi bông để tặng khách hàng nhân dịp 27 năm thành lập.
Kym Việt cũng nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng như Giải thưởng về các mẫu sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ; Giấy chứng nhận hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2017 – 2018…
Những điều đó là minh chứng xác thực nhất cho chất lượng sản phẩm của Kym Việt, điều luôn được ông Hoài và đội ngũ nhân viên hướng tới. Trong tâm niệm của ông Hoài, dù là doanh nghiệp sáng lập và vận hành bởi người khuyết tật nhưng sản phẩm, dịch vụ tuyệt đối không được “khuyết tật”.
“Kym Việt làm thật, kinh doanh thật, cung cấp sản phẩm và dịch vụ tương xứng với giá tiền chứ không đi buôn nước mắt, không xin lòng thương hại”, Nhà sáng lập Kym Việt khẳng định.
Cũng chính vì sản phẩm độc đáo, chất lượng cao nên đội ngũ Kym Việt lúc nào cũng rơi vào cảnh “chạy đơn hàng”, tăng tốc sản xuất mà không kịp bán, phải từ chối nhiều đơn hàng, dù đã tối ưu hóa quy trình.
Ngoài sản phẩm thú nhồi bông, 3 quán cà phê Kym Việt cũng tạo ấn tượng đặc biệt với khách hàng. Không có những lời mời, những câu chào đon đả bởi quán được vận hành bởi nhân viên là người điếc, tuy nhiên vẫn giữ được sự chỉn chu, thân thiện. Không gian thoáng đãng, đồ uống ngon miệng cũng là điểm cộng giữ chân khách hàng.
Một dịch vụ khác được Kym Việt triển khai là chương trình trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên và du khách. Đối với từng nhóm đối tượng, Kym Việt xây dựng nội dung chương trình phù hợp, vừa tạo sự hứng thú, vừa truyền cảm hứng tích cực và góp phần thay đổi phần nào cái nhìn của xã hội đối với người khuyết tật.
Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên cộng đồng doanh nghiệp và Kym Việt cũng không ngoại lệ. Bản lĩnh và sự kiên cường của Kym Việt một lần nữa được “thử lửa”. Không trông mong vào những hỗ trợ bên ngoài, ông Hoài nỗ lực vừa bảo vệ sức khỏe cho nhân viên, vừa duy trì cho công ty tiếp tục hoạt động, dù phải “giật gấu vá lung tung chứ chẳng phải vá mỗi vai”.
Hoạt động kinh doanh phần nào co cụm lại do dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Hoài đặt niềm tin, với mô hình hiệu quả, sản phẩm chất lượng, Kym Việt có thể mở rộng quy mô ra tới nhiều tỉnh thành trên cả nước, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
“Khuyết tật không có nghĩa là khổ”
Ông Hoài cho biết, thời điểm thành lập Kym Việt, thực tế ông đã có công việc kinh doanh khá ổn định, có mức thu nhập đủ để chăm lo cho bản thân và gia đình. Kym Việt ra đời, không phải với mong muốn kiếm tiền, làm giàu, mà theo ông Hoài, là mong muốn được “làm điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật”.
Nhà sáng lập Kym Việt chia sẻ, đã từng không dưới một lần, đang đi ngoài đường thì bị người ta “chặn lại” rồi dúi cho một ít tiền vì thấy “đi xe lăn”.
“Trong suy nghĩ của nhiều người, họ mặc định khuyết tật, ngồi xe lăn tức phải nghèo, phải khổ, phải đáng thương. Họ thấy người khuyết tật đến gần là nghĩ, đến để xin tiền”, ông Hoài chia sẻ.
Suy nghĩ đó còn phổ biến cả với những gia đình có người khuyết tật. Nhiều người có con, em khuyết tật, họ rất thương con mình nhưng lại thương theo kiểu chăm bẵm, o bế quá mức, chỉ sợ con đi làm “rồi lại ốm ra đấy thì ai chăm được”. Thế nhưng họ không biết rằng, cứ giữ con mãi trong vòng tay là đang “bào mòn” sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần.
Ông Hoài kể, có những người khuyết tật đến với Kym Việt trong tình trạng bị trầm cảm nặng, vì suốt bao nhiêu năm cuộc đời họ chỉ dành cho ăn, ngủ, nghỉ, mọi việc khác đều phụ thuộc vào gia đình.
Sau một thời gian tham gia làm việc và sinh hoạt tại xưởng may thú nhồi bông, các bạn ấy trở nên khỏe mạnh, phấn chấn, yêu đời và tự tin hơn vào bản thân. Nhờ vậy, nhiều người có con em đang làm việc tại Kym Việt đến bắt tay, cảm ơn ông Hoài vì “đã cứu sống một mạng người”.
Những lúc như thế, ông Hoài xua tay, nói rằng “chỉ nhận là tạo công ăn việc làm chứ chẳng đến nỗi cứu mạng người”, vì bản thân những người khuyết tật luôn có giá trị riêng, có thể sống một cách lành mạnh, lao động hăng say, giao tiếp cộng đồng, cống hiến tích cực cho xã hội chứ không phải chỉ có nằm một chỗ, phụ thuộc vào người khác.
Bởi vậy, gia đình rất thương yêu, xã hội rất quan tâm người khuyết tật nhưng cần phải thương yêu và quan tâm đúng cách, đó là tạo cơ hội để họ tự lập, tự làm chủ cuộc sống.
Cũng chính vì lý do đó, song song với vận hành xưởng làm đồ lưu niệm và quán cà phê, Kym Việt tổ chức thêm những buổi trải nghiệm dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên và du khách.
Những buổi trải nghiệm này là chuỗi hoạt động, trò chơi xoay quanh khó khăn của người khuyết tật như thử di chuyển bằng xe lăn; mặc áo bằng 1 tay, giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu… hoặc tự tay làm những sản phẩm lưu niệm.
Đây là cách tốt nhất để thay đổi cách nhìn về người khuyết tật. Ông Hoài hồi tưởng lại buổi trải nghiệm, có một cậu bé tỏ ra khá là e dè, sợ sệt với vẻ ngoài có phần khác biệt của những người khuyết tật.
Thấy vậy, ông Hoài gọi cậu bé lại trò chuyện, để cậu bé thấy rằng “tôi không có gì là ghê gớm đáng sợ cả”. Cuối cùng, cậu bé ngỏ ý được chạm vào đôi chân từ lâu không đi lại được của ông Hoài, rồi nói: “Từ bây giờ ra đường, con biết con phải giúp những người đi xe lăn như thế nào rồi”!
Sự thay đổi tích cực từ những đứa trẻ sẽ lan tỏa tới cha mẹ, người lớn và toàn xã hội. “Giả sử có một gia đình đi dạo ngoài đường, người lớn xả rác ra đường. Nếu chúng ta nhắc nhở người lớn, có khi họ “tỏ thái độ” ngay. Nhưng nếu nhẹ nhàng nhắc đứa trẻ hãy bỏ rác đúng nơi quy định, chính ông bố, bà mẹ ấy sẽ phải thay đổi cách nghĩ và hành động”, Nhà sáng lập Kym Việt so sánh.
Sức của một người, một doanh nghiệp xã hội, ông Hoài không thể kỳ vọng thay đổi được toàn xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện của Kym Việt, những niềm cảm hứng được lan tỏa bởi Kym Việt, hy vọng sẽ là bệ đỡ để có thêm nhiều mô hình mới, nhiều giải pháp hay để trao cho người khuyết tật cơ hội được cống hiến và đóng góp, để xã hội nhìn nhận và ghi nhận đúng về người khuyết tật.
Bên cạnh những nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp xã hội rất cần những hỗ trợ sát sườn hơn về chính sách để có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng, thích ứng với bối cảnh mới và tiếp tục kiên định với sứ mệnh vì cộng đồng.
Làm lãnh đạo, kinh doanh hay bất cứ việc gì đều cần có lòng trắc ẩn bởi nó là yếu tố cốt lõi chi phối mọi đường đi, cách thức, giá trị của doanh nghiệp và cá nhân lãnh đạo.
Sứ mệnh tạo tác động xã hội, niềm tin vào những điều đang làm và những cách thức sáng tạo, thích nghi là ba trụ cột để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong đại dịch.
Nhà sáng lập KOTO đang tham vọng xây dựng trường học, khu ký túc xá cũng như một chương trình đào tạo nâng cao nhằm hỗ trợ cựu học viên thực hiện ước mơ phát triển sự nghiệp theo mảng nhà hàng khách sạn.
Luật doanh nghiệp mới chỉ giúp chính thức hóa được 54 doanh nghiệp xã hội, trong khi 50.000 doanh nghiệp là con số được đưa ra trong báo cáo 'Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.