Hành trình doanh nhân của người phụ nữ mắc bệnh xương thủy tinh

Phạm Sơn - 17:42, 06/05/2022

TheLEADERKhông thể đi lại, vận động như bình thường nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thương không chịu đầu hàng số phận, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, đồng thời thành lập doanh nghiệp, trao đi cơ hội làm chủ cuộc đời cho những người có hoàn cảnh tương tự.

Hành trình doanh nhân của người phụ nữ mắc bệnh xương thủy tinh
Chị Nguyễn Thị Thu Thương, nhà sáng lập Thương Thương Handmade.

Trong căn nhà chung cư nhỏ trên phố Lương Định Của, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, những người nhân viên đang ngồi tỉ mẩn xoắn từng dải giấy màu, dán lên tấm thiệp để làm ra những tấm thiệp tranh giấy vô cùng vui mắt. Họ đang phải làm gấp để trả kịp đơn hàng xuất ra nước ngoài.

Đây không phải là thợ thủ công bình thường mà là những người khuyết tật và bệnh nhân chạy thận, những người yếu thế tưởng chừng như không có khả năng lao động nhưng lại đang tự nuôi sống bản thân, cống hiến cho gia đình và xã hội, với đôi bàn tay khéo léo, sự cần mẫn, tỉ mỉ và nghị lực phi thường.

Hành trình doanh nhân của người phụ nữ mắc bệnh xương thủy tinh
Một nhân viên của Thương Thương Handmade đang tỉ mẩn ghép giấy lên thiệp.

Đó là xưởng sản xuất của Thương Thương Handmade, là một doanh nghiệp xã hội, do chị Nguyễn Thị Thu Thương sáng lập. Bản thân chị Thương là một bệnh nhân mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, không thể đi lại, làm việc như người bình thường.

Cách xưởng Thương Thương Handmade chừng vài trăm mét là căn nhà của chị Thu Thương, cũng là cửa hàng trưng bày sản phẩm. Tại đây, phóng viên TheLEADER đã có cuộc trò chuyện với người phụ nữ đầy nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để điều hành doanh nghiệp với những giá trị đích thực, thay vì trông chờ vào sự cảm thông, thương hại.

Kiên tâm vượt dịch

Từng không được đi học vì có cơ thể đặc biệt, rất dễ bị tổn thương, những tưởng cuộc sống của chị Thương sẽ chỉ gắn liền với chiếc xe lăn, với vòng tay bao bọc của bố mẹ, anh chị. Tuy nhiên, khát vọng về một cuộc sống đúng nghĩa, chị quyết tâm không đầu hàng số phận.

Học nghề tranh giấy từ năm 2003, đến năm 2016, chị Thương quyết định thành lập doanh nghiệp, với mục đích đào tạo, dạy nghề cho những người có chung hoàn cảnh. Sau vài năm hoạt động ở quê nhà, năm 2019, chị Thương thực hiện được ước mơ “đi Hà Nội”, chính thức mở xưởng và bán hàng tại Hà Nội.

Giai đoạn khó khăn nhất phải kể đến là năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu tác động sâu sắc đến nền kinh tế. Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Thương Thương Handmade gặp khó khăn về đầu ra, lại càng khó khăn khi phải đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên vốn có thể trạng yếu hơn người bình thường.

Nhiều doanh nghiệp đủ mọi quy mô đã phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn vì những tổn thương sâu sắc do tác động của dịch. Tuy nhiên, từ bỏ không nằm trong “từ điển” của chị Thương, bởi phía sau chị, phía sau Thương Thương Handmade là những lao động khuyết tật, là những khát khao lớn lao vươn lên trong cuộc sống và chứng tỏ giá trị bản thân.

Với tâm thế đó, chị Thương quyết tìm ra giải pháp duy trì hoạt động cho Thương Thương Handmade, đó là tạm thời chuyển sang sản xuất kính chắn giọt bắn, vừa góp phần chống dịch, vừa đảm bảo có việc làm cho nhân viên. Cùng với sự giúp đỡ, sẻ chia từ phía cộng đồng, đội ngũ Thương Thương Handmade đi qua “mùa dịch” đầu tiên một cách khá là suôn sẻ.

Đến đợt giãn cách xã hội thứ 2, may mắn là việc buôn bán vẫn “túc tắc”, không bán quá chạy nhưng cũng không đến nỗi ế hàng. Trong giai đoạn này, các đơn hàng đi nước ngoài vẫn “về” đều nên những người khuyết tật, bệnh nhân chạy thận vẫn có thu nhập.

Dịch tạm ổn là lúc chị Thương bắt tay vào phát triển doanh nghiệp thứ hai, có tên là Thương Thương Handicap, tập trung vào dạy nghề marketing trực tuyến cho người khuyết tật. Theo chị Thương, bán hàng và làm việc trực tuyến đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành xu thế. Thông qua đó, làm nghề marketing từ xa rất thuận lợi, cũng mang lại thu nhập ổn định, cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn cho người khuyết tật.

“Không vì khuyết tật mà làm ra sản phẩm kém chất lượng”

Người phụ nữ mắc xương thủy tinh tâm niệm, dù yếu thế, dù đặc biệt nhưng những người khuyết tật vẫn có thể tự nuôi sống bản thân, làm đẹp cho đời chứ không phải là gánh nặng của xã hội.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, đến nay, Thương Thương Handmade đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người khuyết tật. Sản phẩm của công ty cũng dần được đón nhận, không chỉ ở trong nước mà xuất sang nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Úc… Đến nay, Thương Thương Handmade rơi vào tình trạng “sản xuất không kịp”, đội ngũ nhân viên chỉ tập trung chạy đơn hàng chứ “không có thời gian để làm hàng trưng bày”.

Hành trình doanh nhân của người phụ nữ mắc bệnh xương thủy tinh 2
Bức tranh Đám cưới chuột được các nhân viên của Thương Thương Handmade làm hoàn toàn thủ công.

Chị Thương cho biết, để nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong nước và xuất sang nước ngoài, sản phẩm làm ra phải đạt chuẩn về chất lượng dù được làm ra bởi những người khuyết tật. Những bức tranh, hộp bút, tấm thiệp làm thủ công nhưng phải đảm bảo tính thẩm mỹ, mẫu mã đa dạng, màu sắc hài hòa cũng như độ bền cao, có thể trở thành món quà lưu niệm để trưng bày, lưu giữ trong thời gian dài.

Tinh thần “chất lượng” ấy được chị Thương tiếp tục truyền tới Thương Thương Handicap. Nữ doanh nhân cho biết, các học viên tham gia vào khóa học sẽ được giới thiệu việc làm tại doanh nghiệp, tuy nhiên mỗi ngươi phải đảm bảo được chất lượng công việc, đảm bảo làm tốt chứ không trông chờ vào một sự ưu ái nào hết.

Ngày 17/4 vừa qua, Thương Thương Handicap đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho những học viên đầu tiên. Chị Thương cho biết, tới đây, công ty sẽ đào tạo cho cả người khỏe mạnh thay vì chỉ tập trung vào người khuyết tật, từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho nhiều đối tượng trong xã hội.

Chắp cánh

Bước ra từ cơn bão Covid-19, xưởng thủ công Thương Thương Handmade trở nên vắng vẻ hơn xưa. Có người chuyển sang làm tại nhà, về quê tự nhập hàng về làm, cũng có người tìm cho mình một cơ hội việc làm mới có thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, với chị Thương, điều này không phải chuyện đáng buồn. Một số bạn, ban đầu khi đến với Thương Thương, rất nhút nhát, tự ti và mặc cảm. Nhờ sự đồng cảm của chị Thương và những người đồng nghiệp, nhờ vào công việc phù hợp với điều kiện thể chất, họ dần xóa bỏ những mặc cảm, cố gắng phần đấu cho cuộc sống.

Sau này, khi đã có kỹ năng, có sự tự tin về giá trị của bản thân, những người từng đồng hành rất lâu ấy có thể lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, phù hợp hơn với kỳ vọng, mong muốn của bản thân và gia đình. Chính những quyết định dũng cảm đi tiếp ấy đã phần nào khẳng định giá trị mà doanh nghiệp xã hội này đem lại cho người khuyết tật.

Và, dù có đi đâu, làm gì, họ vẫn nhớ về chị Thu Thương, nhớ về Thương Thương Handmade với tình cảm, lòng biết ơn tha thiết và chân thành. Đó đã là niềm tự hào lớn lao của nữ doanh nhân mắc bệnh xương thủy tinh, cũng là lời khẳng định cho tâm niệm của chị, về những giá trị riêng của người khuyết tật.

Cùng với doanh nghiệp thứ 2, ước vọng trở thành bệ đỡ cho người khuyết tật, người yếu thế càng được hiện thực hóa. Chị Thương bày tỏ niềm tin, dù có cơ thể đặc biệt, có hoàn cảnh đặc biệt nhưng người khuyết tật vẫn tự tin vào bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.