Lãi suất thấp có tốt cho nền kinh tế?

Nguyễn Ánh - 11:07, 22/05/2024

TheLEADERGiảm lãi suất để bơm tiền cho nền kinh tế hay tăng lãi suất để tránh bong bóng tài sản và bảo vệ tỷ giá Việt Nam đồng là bài toán khó đối với điều hành chính sách.

Lãi suất thấp có tốt cho nền kinh tế?
Giá vàng tăng là dấu hiệu cảnh báo sớm cho sự hình thành bong bóng tài sản. Ảnh: Hoàng Anh

Hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp được nhiều chuyên gia khuyến nghị là giải pháp ưu tiên hiện nay, khi doanh nghiệp đang ngày càng kiệt quệ, số lượng rút lui khỏi thị trường không ngừng tăng trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, Sáng lập viên Think Future Consultancy, chính sách tiền tệ nghịch chu kỳ, tức nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất khi nền kinh tế khó khăn, chưa chắc đã có tác dụng tạo đà cho tăng trưởng.

Ông Linh lý giải, lãi suất thấp giúp kích cầu tiêu dùng nhưng cầu tiêu dùng hiện đang còn yếu. Trong bối cảnh đó, dù lãi suất có xuống thấp thì “người dân cũng chẳng đi vay tiền để tiêu”.

Ngoài ra, trước những biến động toàn cầu vẫn chưa đi đến hồi kết, triển vọng tăng trưởng kinh tế đang bị bóp nghẹt. Là quốc gia có độ mở lớn, Việt Nam khó có thể tạo đà tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu gặp khó khăn.

Trong khi đó, lãi suất thấp có thể gây ra những bong bóng tài sản, dễ thấy nhất như hiện tượng người người, nhà nhà mở tài khoản chứng khoán trong giai đoạn 2021 – 2022. Đầu năm nay, giá vàng, giá nhà chung cư tăng mạnh là những dấu hiệu cảnh báo trước cho các bong bóng tài sản có thể hình thành, đến khi “nổ bong bóng”, nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt.

Một tác động lớn khác của chính sách hạ lãi suất là vấn đề tỷ giá, bởi lãi suất thấp khiến tỷ giá đồng Việt Nam bị giảm trong ngắn hạn.

Theo vị chuyên gia của Think Future Consultancy, tỷ giá của Việt Nam đã chịu áp lực lớn từ năm 2022, khi Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải bán ngoại hối và nâng lãi suất ở mức vừa phải để duy trì tỷ giá.

Năm 2023, tỷ giá có phần ổn định nhờ kinh tế tăng trưởng yếu, nhập khẩu suy giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu đang có dấu hiệu phục hồi trong năm 2024 sẽ tiếp tục tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đồng đã mất giá gần 5%, ngang với dự báo cho cả năm 2024.

Trước tình hình đó, ông Linh nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nên tập trung vào phần cung, tức là gỡ khó cho doanh nghiệp thông qua giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư.

Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích, sức khỏe của doanh nghiệp đang đi xuống, cầu tiêu dùng cũng đang suy giảm nên tuyệt đối không thể đánh đổi lãi suất để giữ ổn định tỷ giá, bởi đây là “sự đánh đổi đắt giá nhất”.

Ông Phước đồng tình vấn đề tỷ giá rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư nhưng cũng tin rằng việc duy trì tỷ giá chỉ biến động trong khoảng 3 – 4% nằm trong khả năng của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, điều cần thiết lúc này là không thể nâng lãi suất nhằm ổn định tỷ giá. Bởi lẽ, đến khi tỷ giá ổn định mới nâng lãi suất, doanh nghiệp có thể đã rơi vào tình trạng kiệt quệ và không thể phục hồi.