'Làm BOT mà lỗ doanh nghiệp sẽ không làm'

Hồ Mai - 07:00, 08/09/2017

TheLEADERTheo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào BOT mà không có lãi thì người ta sẽ không làm.

'Làm BOT mà lỗ doanh nghiệp sẽ không làm'
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: CAND

Tại tọa đàm trực tuyến do báo Công an nhân dân tổ chức ngày 7/9, rất nhiều điểm nóng được mổ xẻ về vấn đề "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT".

Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cơ chế thị trường trong các dự án BOT tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện. Cụ thể là các nhà đầu tư khi đã tham gia BOT chắc chắn chỉ có lãi chứ hiếm khi lỗ vì được Nhà nước cho nhiều ưu đãi. 

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Tân Việt Bắccho rằng, "nếu lỗ thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ làm, không ai lại đi xin lỗ về mình". 

Tuy nhiên, ông Bắc khẳng định, vẫn có rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình đấu thầu và triển khai các dự án BOT bởi sự thay đổi của giá vật liệu xây dựng.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, hiện nay tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thi công xong giai đoạn 1 (chỉnh sửa mặt đường cũ), nhà đầu tư đang tiến hành giai đoạn 2 (mở rộng thêm 2 làn ở 2 bên). 

Đây là trạm BOT đầu tiên có sự mâu thuẫn của các nhà đầu tư trong dự án. Cơ quan quản lý đã phát hiện sai phạm một số cơ quan, đơn vị của nhà đầu tư đã cố tình không thực hiện đúng quy định về việc báo cáo kết quả kiểm xe, doanh số đếm xe. 

"Theo báo cáo của chúng tôi, việc doanh nghiệp thu phí tại đây sau khi trải thảm mặt đường là đúng, nhưng việc thu phí mặt đường mới là không hợp lý, cần chỉnh sửa cho phù hợp, hài hòa. Đối với việc đếm xe của các doan nghiệp cũng phải dựa vào quy định của Bộ Giao thông vận tải về quản lý tập trung", ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Ông Kiên cũng lưu ý rằng, trên cả tuyến Pháp Vân – Ninh Bình, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng xe cao hơn đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ. Vì thế, các nhà đầu tư đã lợi dụng sơ hở này và tạo ra sự “lập lờ”. 

Tuy nhiên, sự việc này đã bị phát hiện và xử lý. Số liệu về tất cả các trạm BOT đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kỹ và công bố. Đây là cơ sở để tính thời gian thu phí.

Theo ông Kiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, Nhà nước nên nhượng quyền quản lý cho nhà đầu tư, nhà đầu tư cần dựa vào cả lợi nhuận và mặt bằng của các dự án khác để thu phí phù hợp với lợi ích của người dân.

Ngoài ra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhấn mạnh "nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào BOT mà không có lãi thì người ta sẽ không làm" và cho rằng "cần có cái nhìn khách quan về việc thu phí của các doanh nghiệp".