Làm mới du lịch Đà Nẵng bằng những ý tưởng bị bỏ quên

Phương Linh - 11:41, 30/06/2022

TheLEADERDu lịch nội địa đang bùng nổ trở lại nhưng doanh nghiệp cảnh báo nếu tự mãn Đà Nẵng sẽ tụt hậu.

Làm mới du lịch Đà Nẵng bằng những ý tưởng bị bỏ quên
Cầu Vàng là thỏi nam châm thu hút khách không chỉ cho Sun World mà còn cho Đà Nẵng

4 mảnh ghép còn thiếu của du lịch Đà Nẵng

Đến Đà Nẵng tham dự một hội thảo giữa cao điểm mùa du lịch nội địa nhưng chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chỉ biết nằm trong phòng khách sạn vào buổi tối vì ông không biết đi đâu. Ở một thành phố du lịch phát triển sôi động bậc nhất cả nước, ông Thành vẫn cứ cảm thấy "thiếu thiếu cái gì đó".

Tâm tư của ông Thành cũng khiến những người làm du lịch lâu năm như ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cảm thấy chạnh lòng. Đà Nẵng đang cho thấy rõ khả năng trở thành một trung tâm du lịch không chỉ của cả nước mà có thể vươn tầm thế giới, nhưng vẫn còn thiếu bốn mảnh ghép để tạo thành một bức tranh du lịch hoàn chỉnh.

Một trong những mảnh ghép đó được ông Dũng nhấn mạnh là thiếu những trung tâm vui chơi giải trí - mua sắm cũng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật về đêm. Thời gian vừa qua đã manh nha những dịch vụ này nhưng hoạt động còn èo uột. 

“Đà Nẵng cần phố đi bộ, chơi đêm, đặc biệt là các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nơi đây được định vị là trung tâm du lịch nhưng hiện lại chẳng có chương trình biểu diễn nào. Đà Nẵng chưa có chương trình biểu diễn thực cảnh nào đúng đẳng cấp để khách đến xem", ông Dũng trăn trở khi thấy ở Hội An có những buổi biểu diễn thực cảnh rất hoàng tráng.

"Đây là điều đáng buồn. Chúng tôi rất trăn trở và đã bàn với thành phố nhiều nhưng chưa làm được”, ông Dũng tâm tự.

Bên cạnh thiếu hoạt động kinh tế đêm, ông Dũng cũng chỉ ra ba mảnh ghép còn lại mà du lịch Đà Nẵng đang thiếu, trong đó Đà Nẵng chưa có các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn. Nghe có vẻ nghịch lý bởi Đà Nẵng là trung tâm du lịch biển nhưng ông Dũng lại chỉ ra thực tế là thành phố mới chỉ khai thác được các khu nghỉ dưỡng trên bờ, còn các hoạt động trên bãi biển, dưới nước, các hành trình ra biển rất ít.

"Đó là sản phẩm Đà Nẵng đang rất thiếu mà nếu du khách đến các thành phố du lịch khác như Phú Quốc, Nha Trang đã rất phát triển chứ chưa cần nói đến những điểm đến du lịch nổi tiếng của thế giới. Trong khi đó, đây chính là những sản phẩm cực kỳ lợi thế của Đà Nẵng", ông Dũng nhìn nhận.

Mảnh ghép còn thiếu thứ ba là các sự kiện. Với định vị là thành phố sự kiện, Đà Nẵng cần thêm nhiều sự kiện lớn và hấp dẫn. Trước đó đã có lễ hội pháo hoa quốc tế nhưng bị tạm dừng sau khi dịch Covid-19 xảy ra.

“Đó là điều cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn, làm sao có những sự kiện như thế và thêm nhiều nữa. Tôi cho rằng, Đà Nẵng cần phối hợp giữa nguồn lực nhà nước và xã hội hóa để có thêm nhiều sự kiện như vậy để bổ sung vào chuỗi hoạt động nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng”, ông Dũng nhấn mạnh

Thứ tư, Đà Nẵng được xác định là thành phố đáng sống, đáng đến và bây giờ là định vị thành phố đẳng cấp. Hiện Đà Nẵng có hầu hết các thương hiệu khách sạn lớn nhất, đẳng cấp nhất trong khi các thành phố khác chưa có được, như vậy là đảm bảo yếu tố sang trọng.

Theo ông Dũng, thời gian tới, Đà Nẵng cần tập trung mạnh mẽ hơn nữa cho du lịch cao cấp, đẳng cấp quốc tế. Ngành du lịch cần đưa được các dịch vụ sang trọng vào như các tour trực thăng, du thuyền.

Đà Nẵng nằm ngay trên hải trình của du lịch bằng du thuyền của thế giới. Những du thuyền từ vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan... đi về phía Nam như Phuket, Bali rất xa trong khi Đà Nẵng chỉ cần một đêm là tới. “Đây chính là điều Đà Nẵng cần làm được trong thời gian tới để nâng tầm đẳng cấp hơn nữa bằng những dịch vụ đẳng cấp, hấp dẫn khách du lịch nước ngoài”, ông Dũng nói tại Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" do báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua.

Với bốn mảnh ghép trên, ông Dũng cho rằng, nếu làm được sẽ giúp Đà Nẵng làm mới mình, tạo ra sức hút mới để phục hồi du lịch một cách mạnh mẽ sau đại dịch.

Làm mới du lịch Đà Nẵng bằng những ý tưởng bị bỏ quên
Ông Cao Trí Dũng: Cần định vị Đà Nẵng ở đẳng cấp quốc tế

Thực tế cho thấy, trong dịch Covid-19, Đà Nẵng là địa phương có kinh tế tăng trưởng âm do du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn đã gần như đóng băng hoàn toàn. Hàng loạt các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.

Do đó, làm mới du lịch sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo bước phát triển bứt phá cho thành phố biển. Nói như tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng cần định vị lại khả năng của mình ngang tầm thế giới.

Chuyên gia hàng không - du lịch Lương Hoài Nam cũng cho rằng, sau dịch chính là thời điểm để Đà Nẵng có những sự đầu tư thỏa đáng vào các điều kiện phát triển du lịch, tháo gỡ một số những khó khăn, vướng mắc để phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Nam tin rằng, cơ hội để phát triển của Đà Nẵng là rất lớn. Đà Nẵng rộng gấp rưỡi Singapore và điều kiện về không gian về môi trường, tất cả mọi thứ đa dạng và hấp dẫn hơn nhiều. Nhưng so với Singapore, Đà Nẵng lại đang đón rất ít khách du lịch quốc tế. Điều này có nghĩa là Đà Nẵng còn dư địa và vấn đề quan trọng hiện nay là làm như thế nào.

Những đề xuất bị “lãng quên”

Hàng loạt các đề xuất để phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng đến”, điểm đến hấp dẫn và cao cấp của khách du lịch trong nước và quốc tế đã được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra. Tuy nhiên, nhiều đề xuất đã rơi vào quên lãng. 

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, từ 10 năm trước, tại diễn đàn phát triển đô thị, ông đã đặt câu hỏi tại sao Đà Nẵng không có một bến du thuyền hạng nhất thế giới, tại sao đỉnh Sơn Trà hiện nay cứ vẫn vắng vẻ như vậy trong khi đây là không gian tuyệt vời cho phát triển.

"Đà Nẵng muốn đi vào cuộc sống thượng lưu của thế giới thì phải có du thuyền. Bến du thuyền ở Đà Nẵng có rất nhiều nơi có thể xây dựng như Cảng Tiên Sa, du thuyền cũng có thể đi sâu vào sông Hàn. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, Đà Nẵng chưa có phương án nào làm bến du thuyền", ông Chính tỏ ra tiếc nuối.

Ông Chính cho rằng Đà Nẵng cần khai thác du lịch Sơn Trà, vấn đề là phát triển như thế nào để vẫn bảo tồn rừng quốc gia. Ông đề xuất nên khai thác từ cao độ 0 lên đến 70-80m, từ khu vực đó trở xuống không ảnh hưởng tới rừng quốc gia. 

"Với diện tích này, Đà Nẵng có thể làm thành phố trên cao như Vancouver ở Canada, người dân sống trên đó nhìn về Đà Nẵng. Đây chính là giá trị cộng thêm rất lớn cho du lịch Đà Nẵng", ông Chính gợi ý.

Ngoài ra, Đà Nẵng đang rất thiếu quy hoạch phát triển sông Hàn, nhất là các điểm vui chơi giải trí hai bên bờ sông. Muốn phát triển du lịch về đêm, thành phố cần có trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm văn hóa, các điểm đến giải trí, nhưng Đà Nẵng chưa có. Do đó, thời gian tới, Đà Nẵng phải có quy hoạch để tạo không gian sống, không gian trải nghiệm du lịch.

Nếu chúng ta làm chậm sau một thời gian nữa là sân bay sẽ trở thành nút thắt cho sự phát triển kinh tế và đặc biệt là cho sự phát triển của du lịch.
Ông Lương Hoài Nam
Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia

Và cuối cùng là vấn đề giao thông hàng không, theo ông Nam, đây đã là lo ngại từ rất lâu. Hiện sân bay đã bắt đầu hết công suất và về lâu dài, nếu như không làm nhanh thì sân bay Đà Nẵng sẽ thực sự trở thành nút thắt trong sự phát triển của du lịch.

Sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên được 30 đến, thậm chí là 40 triệu khách một năm theo hướng phát triển về phía Đông, do phía Tây đã hết diện tích đất.

"Đà Nẵng phải sớm bắt tay để lập dự án về kêu gọi đầu tư hạ tầng để đón sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa và quốc tế sau đại dịch. Nếu chúng ta làm chậm sau một thời gian nữa là sân bay sẽ trở thành nút thắt cho sự phát triển kinh tế và đặc biệt là cho sự phát triển của du lịch", ông Nam nhấn mạnh.

Doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc

Đại diện một doanh nghiệp nói rằng họ sẵn sàng đầu tư các sản phẩm mới cho du lịch Đà Nẵng, vấn đề là chính quyền thành phố có quyết tâm tạo ra các không gian phát triển hay không. Như ở Bà Nà đã và đang phát triển rất nhiều dịch vụ mới, có sức hút rất lớn, nhưng ở dưới thành phố Đà Nẵng, các không gian phát triển đều hạn chế, nhiều ý tưởng đều dang dở. 

Như tiến sỹ Trần Đình Thiên nhắc lại tầm quan trọng của lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, những năm trước đã làm rất thành công, tạo điểm nhấn và sức hút cho du lịch thành phố. Tuy nhiên, bây giờ có làm tiếp không và làm thế nào cho hấp dẫn hơn lại là vấn đề cần đặt ra.

"Du lịch vẫn tiếp tục được đầu tư, tuy nhiên phải phát triển ở đẳng cấp cao nhất. Nay cần thay đổi tư duy, biến lễ hội không chỉ là bắn pháo hoa thông thường mà là cuộc thi đấu toàn cầu diễn ra trong 2 tháng liên tục. Tôi đề xuất thành phố có thái độ tích cực hơn nữa, đảm bảo cơ sở hạ tầng ổn định, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho cuộc thi này. Làm thế nào để Đà Nẵng là trung tâm thi đấu toàn cầu, để nếu thiếu nơi này thì không thể tổ chức ở đâu khác", ông Thiên nói. 

Còn như ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư nhìn nhận, để xây dựng một lễ hội thi pháo hoa tầm cỡ quốc tế thì "không thể vác ghế nhựa ngồi xem", với ngụ ý rằng, cần có một tổ hợp để tổ chức bắn pháo hoa, nơi đó du khách có thể vui chơi, giải trí, mua sắm mỗi khi đến xem pháo hoa.

Chính vì thế, vị đại diện doanh nghiệp nói trên cho rằng, chính quyền Đà Nẵng cần tạo ra những không gian phát triển mới, đặc biệt dọc theo hai bên sông Hàn để có không gian công cộng cho người dân địa phương và khách du lịch.

Chính những doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm và tạo sức bật cho du lịch Đà Nẵng như Sun Group cũng nhận thấy nhu cầu cần làm mới ngành du lịch địa phương, bởi nếu tự mãn và dừng lại thì sẽ tụt hậu.

"Quan điểm của chúng tôi là nếu một điểm đáng đến rồi thì phải làm cho đáng sống hơn nữa, đặc sắc hơn nữa. Vì vậy, Sun Group đặt mục tiêu các công trình sau phải khác biệt, đặc sắc, hút hơn nữa”, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Sun World - thành viên Sun Group - cho biết.

Bà Nguyện tin rằng rất nhanh Đà Nẵng sẽ quay trở lại có số khách du lịch như trước dịch Covid-19, đặc biệt thị trường nội địa có sức phục hồi nhanh nhất, nên đây là cơ hội tốt nhất để đầu tư và tái đầu tư.

Làm mới du lịch Đà Nẵng bằng những ý tưởng bị bỏ quên 2
Bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh Sụn World: Du lịch Đà Nẵng sẽ sớm quay lại nhịp độ sôi động như trước Covid

Như ở Bà Nà Hills, giờ đây không chỉ có Cầu Vàng mà còn có có những công trình mới lạ, đẳng cấp quốc tế như Thác Thần mặt trời gồm hơn 60 tác phẩm điêu khắc được tạo tác bởi gia tộc Frilli lừng danh thế giới hay Lâu đài Mặt trăng với chương trình biểu diễn Trận chiến ở Vương quốc Mặt trăng đặc biệt chưa từng có. 

"Sun Group quan niệm chỉ đầu tư về sản phẩm thôi chưa đủ. Hậu Covid, du khách mong muốn điểm đến cũ sản phẩn phẩm mới. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà không làm sự kiện, lễ hội, không làm tiếp thị điểm dến thì chúng ta thiếu đi rất nhiều", bà Nguyện nói. 

Sun Group đã đồng hành với thành phố tổ chức những sự kiện. Thứ 7 tuần trước đã diễn ra đêm đầu tiên của chuỗi Carnival Sun Fest với 10 đêm liên tiếp. Không ngừng lại ở đó, Sun Group sẽ tổ chức lễ hội âm nhạc sẽ diễn ra vào ngày 9/7.

Bà Nguyện cho biết Sun Group sẽ tiếp tục đầu tư nhiều sản phẩm mới như chương trình biểu diễn núi lửa vớicác hoạt động diễn ra vào buổi tối kết hợp đầu tư âm thanh, ánh sáng với lửa nhằm thu hút du khách.

Ở Bà Nà, ngoài lâu đài, các chương trình biểu diễn, nhà hàng có sức chứa lên đến 10.000 khách một buổi, Sun Group sẽ triển khai thêm nhiều công trình lớn như hầm rượu - nơi mà du khách có thể chiếm ngưỡng quá trình sản xuất rượu tại chỗ và thưởng thức những loại rượu hảo hạng ngay trên núi.

Những dự án mới của Sun Group giúp điểm đến giải quyết hai vấn đề, không chỉ làm mới du lịch và thu hút du khách quay lại mà còn nâng tầm điểm đến đẳng cấp hơn.