Lãnh đạo PNJ: Không thể ứng dụng lý thuyết cũ với nhân sự gen Z

Quỳnh Chi - 08:49, 12/01/2023

TheLEADERSự nhanh nhạy, hiểu kỹ lĩnh vực, kết nối, kỹ năng số, thấu cảm và tập trung cao độ là những yếu tố quan trọng được các nhà tuyển dụng coi trọng khi tìm kiếm nhân sự, đặc biệt là nhân tài thế hệ Z (1997-2001) - nhóm nhân sự trẻ nòng cốt tiếp theo tham gia vào thị trường lao động và cũng là những nhân tố sở hữu nhiều tiềm năng mới.

Lãnh đạo PNJ: Không thể ứng dụng lý thuyết cũ với nhân sự gen Z
Một hoạt động team building ở PNJ

Trong khi thế hệ X (1965-1980) được các nhà quản lý lâu năm đánh giá là những người có sự kiên trì, chịu khó và gắn bó lâu dài công việc, gen Y (1981-1996) có sự cởi mở hơn, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và dành sự quan tâm nhiều về ý nghĩa công việc thì gen Z (1997-2001) - thế hệ trẻ tiếp nối trong lực lượng nhân sự, đã để lại nhiều ấn tượng vì những sự khác biệt lớn so với hai thế hệ trước đó.

Những người trẻ gen Z có khả năng tìm kiếm, nghiên cứu những thông tin một cách nhanh chóng, nhạy bén về công nghệ. Một đặc điểm nổi bật của thế hệ này là khả năng kiêm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc và có những suy nghĩ táo bạo hơn. Tuy nhiên, đây lại là thế hệ bị phụ thuộc vào công nghệ và thiếu sự kết nối với xã hội xung quanh hơn so với những người đi trước.

“Gen Z là một thế hệ quan trọng trong giai đoạn này vì sở hữu góc nhìn đa chiều, linh động hơn những thế hệ trước”, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Thành viên HĐQT PNJ nhận định trong webinar “Tự tin gõ cửa tương lai bằng những kỹ năng không thể thiếu” do Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUS), Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và S-World tổ chức.

Môi trường giáo dục theo từng thế hệ cũng có sự khác biệt. Nếu những thế hệ trước được đào tạo theo mô hình “chấp nhận và ghi nhớ” thì thế hệ hiện nay được hướng dẫn cách tư duy sâu để giải quyết vấn đề.

“Với việc xã hội thay đổi nhanh như hiện nay, những lý thuyết cũ có thể đã không còn phù hợp, vì vậy cần có sự tiến hóa và lý thuyết mới. Chúng ta phải tư duy để tạo ra những cái mới”, ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Phát triển nhân lực và quản trị sự thay đổi PNJ chia sẻ.

Lãnh đạo PNJ: Không thể ứng dụng lý thuyết cũ với nhân sự gen Z
Chia sẻ trong webinar “Tự tin gõ cửa tương lai bằng những kỹ năng không thể thiếu”

Nhận xét về thị trường Việt Nam, CEO Talentnet Tiêu Yến Trinh cho rằng, tuy một số ngành đang phải chịu ảnh hưởng nhưng trong thời gian tới, Việt Nam vẫn là môi trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Người lao động Việt Nam có thể chọn các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể linh hoạt sử dụng 3 nguồn lực lượng lao động gồm: fixed workforce (nhân sự cố định), flexi workforce (nhân sự linh hoạt, làm việc bán thời gian, làm trực tuyến) và flow workforce (lao động tự do, thực tập sinh, thuê ngoài).

“Chúng tôi là người quyết định có tuyển dụng hay không nhưng người tìm việc cũng là người quyết định có chọn công ty chúng tôi hay không”, bà Liên chia sẻ.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức khi thị trường lao động luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Để tạo được ấn tượng trong mắt các nhà tuyển dụng, các chuyên gia đã đưa ra mô hình “A-B-C-D-E-F” gồm các yếu tố mà người trẻ cần trau dồi: agility (nhanh nhạy), business mindset (hiểu kỹ càng ngành, lĩnh vực), connection (kết nối), digital (kỹ năng về kỹ thuật số), empathy (thấu cảm) và focus (tập trung cao độ).

“Khi kỹ năng càng nhiều thì giá trị bản thân càng tăng và thu nhập sẽ cao hơn nữa”, bà Trinh nhận định.

Ngoài ra, một lời khuyên từ các nhà tuyển dụng dành cho sinh viên là nên tìm kiếm cơ hội việc làm sớm để có thêm trải nghiệm về lĩnh vực đang theo đuổi, từ đó có thể vạch ra lộ trình sự nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đây cũng là một điểm cộng lớn giúp ứng viên nổi bật. 

Bên cạnh đó, việc nỗ lực, đặt tâm huyết vào công việc mình đang gắn bó cũng là điều quan trọng để tạo nên thành công trong hành trình của mỗi cá nhân.

Đóng vai trò quản lý tại doanh nghiệp chuyên về bán lẻ - lĩnh vực đang phát triển thần tốc tại Việt Nam sau đại dịch, các lãnh đạo PNJ cho rằng, người ứng tuyển vào lĩnh vực bán lẻ nên cần trang bị sự linh hoạt cùng kiến thức rộng mở thị trường. Ngoài ra, tư duy phản biện cũng là một kỹ năng quan trọng để thúc đẩy bản thân tìm ra những ý tưởng sáng tạo hơn, phù hợp hơn.

Với PNJ, chính triết lý khai phóng đã giúp doanh nghiệp này trở thành nơi làm việc tốt nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam năm 2022, theo khảo sát của Anphabe. Khai phóng đã tạo ra sự phát triển cho mỗi cá nhân, từ đó tạo nên sức bật chung cho PNJ. Ông Tâm cũng chia sẻ rằng PNJ đang rộng mở nhiều cơ hội việc làm cho thế hệ nhân lực trẻ sẵn sàng học hỏi, chủ động và sáng tạo.