Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Nguyễn Cảnh - 16:03, 14/10/2021

TheLEADERỦy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước
CMSC thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo quyết định thành lập (ký ngày 13/10/2021), Tổ công tác đặc biệt của CMSC do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm tổ trưởng; Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh làm tổ phó.

Tổ công tác đặc biệt có các thành viên là vụ trưởng, thủ trưởng các vụ, đơn vị của ủy ban.

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”.

Định kỳ hàng tháng và khi cần thiết, tổ công tác đặc biệt kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 19 tập đoàn, tổng công ty, đề xuất ủy ban, chủ tịch ủy ban phương án giải quyết vấn đề phát sinh, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chủ tịch ủy ban giao Vụ tổng hợp là đơn vị thường trực của tổ công tác, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các thành viên tổ công tác tham mưu giúp tổ trưởng, tổ phó triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của tổ công tác.

Cuối tháng 9 vừa qua, CMSC đã xây dựng dự thảo đề án “Khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước do ủy ban là đại diện chủ sở hữu để góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao”.

CMSC xây dựng đề án với mục tiêu tập trung xác định và đưa ra các giải pháp để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp do ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. 

Các giải pháp này tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các cơ chế ưu đãi cho NĐTNN tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước; trên cơ sở đó, triển khai việc bán phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp cho NĐTNN.

Ngoài ra, đối tượng NĐTNN mà đề án tập trung tới là các nhà đầu tư chiến lược, với đầy đủ các năng lực về kinh nghiệm, tài chính, khoa học công nghệ, uy tín, trực tiếp tham gia vào hoạt động điều hành, quản trị, đổi mới, chuyển giao công nghệ, có khả năng mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn cho doanh nghiệp; phù hợp với mục tiêu cốt lõi là “cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao”.

CMSC cũng thông tin sơ bộ về thực trạng tham gia của NĐTNN mua cổ phần tại các doanh nghiệp do ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể, trong số 7 tập đoàn, tổng công ty do ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần ghi nhận 2 doanh nghiệp (Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài; 2 doanh nghiệp (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam) có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước (Công ty CP Tập đoàn T&T); 3 doanh nghiệp (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam) không có sự tham gia của cổ đông chiến lược.

Bên cạnh việc bán vốn cho NĐTNN của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cũng đã bán vốn của các doanh nghiệp là công ty con, doanh nghiệp có vốn góp cho NĐTNN.

Điển hình, một số trường hợp NĐTNN mua cổ phần thành công như SCIC thoái vốn tại Vinamilk, Công ty CP Nhựa Bình Minh; Vinachem thoái vốn tại Công ty TNHH 2TV Phân bón Việt Nhật, Công ty CP Pin Hà Nội; Petrolimex cổ phần hóa và thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lước nước ngoài (là Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy của Nhật Bản (nay là ENEOS Corporation)); PVN cổ phần hóa và thoái vốn cho NĐTNN tại: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.

VNA cổ phần hóa và thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA Holdings Inc. (Nhật Bản); Vinacafe thoái vốn tại Công ty CP Vinacafe Biên Hòa.

Ngoài ra, một số trường hợp NĐTNN mua cổ phần không thành công có thể kể tới như: VNR (việc triển khai cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm và Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An đã không đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Jin Xin (Trung Quốc) do vướng mắc về ngành nghề, tỷ lệ sở hữu và vấn đề nhà đất).

EVN (trong giai đoạn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Tổng công ty Phát điện 3 – Công ty cổ phần EVNGENCO3 năm 2018, EVNGENCO3 đã tìm được 4 NĐTNN đáp ứng tiêu chí. 

Tuy nhiên do khó khăn, vướng mắc (chưa có hướng dẫn về quy chế đấu giá nhà đầu tư chiến lược, thời gian diễn ra gấp nên nhà đầu tư chiến lược không có đủ thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện về doanh nghiệp, do đó các nhà đầu tư chiến lược chưa đưa ra quyết định đầu tư) nên việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đã không thành công.