Lợi nhuận Gỗ An Cường suy giảm

Trần Anh - 09:13, 21/02/2020

TheLEADERSau khi trở thành công ty đại chúng, từ năm 2018 đến nay, An Cường đã phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn lên gấp đôi và chia cổ tức hàng trăm tỷ đồng cho các cổ đông.

Công ty Gỗ An Cường (An Cường) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 không khả quan. Công ty có doanh thu đạt 4.479 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với năm 2018. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh, lợi nhuận gộp trong năm qua của An Cường chỉ đạt 1.111 tỷ đồng, giảm 9,5%.

Bên cạnh giá vốn, An Cường cũng ghi nhận chi phí hoạt động tăng nhanh. Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt trên 610 tỷ đồng, tăng 13%. Điều này ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của công ty khi trong năm 2019, An Cường chỉ đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của An Cường chững lại sau giai đoạn bùng nổ cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Trước đó, từ năm 2015 – 2018, công ty duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm.

Tuy nhiên, cùng với đà bão hòa của thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh của An Cường cũng có chiều hướng sụt giảm. Trong bối cảnh đó, An Cường đẩy mạnh nắm giữ tiền mặt và giảm nợ. Lượng tiền mặt tính đến ngày 31/12/2019 đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018. Trong khi đó nợ ngắn hạn của công ty giảm hơn 200 tỷ đồng xuống còn 805 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Gỗ An Cường suy giảm
An Cường hiện là công ty lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp

Thành lập năm 2006, Gỗ An Cường hiện là công ty lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp với khoảng 50% thị phần trong nước của ván ép MFC và 70% thị phần của ván Laminate. Sản phẩm gỗ của An Cường được dùng trong nhiều dự án lớn trong nước từ chung cư (Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền,…), khách sạn (Marriot, Novotel), cho tới cao ốc văn phòng, ngân hàng,… Công ty cũng là nhà phân phối cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Formica, Dollken, Schattdecor, Hettich.

Tốc độ phát triển của An Cường tăng mạnh sau khi công ty nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Whitlam Holding Pte. Limited (liên danh giữa quỹ VOF thuộc VinaCapital và Deutsche Investitons) và Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản) hiện nắm giữ 38,52% cổ phần tại An Cường, chỉ đứng sau Công ty TNHH NC Việt Nam (51,04%) - công ty của Chủ tịch An Cường, ông Lê Đức Nghĩa.

Cuối tháng 5/2018, Gỗ An Cường đã phát hành 1,3 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên 441 tỷ đồng để trở thành công ty đại chúng. Đây được xem là bước đệm để An Cường niêm yết lên sàn chứng khoán.

Hoạt động chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết của An Cường đi kèm với nhiều đợt phát hành thêm để tăng vốn và chia cổ tức.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 441 tỷ đồng, công ty tiếp tục tiến hành tăng vốn điều lệ lên 803 tỷ đồng trong năm 2018. Tới đầu năm 2019, An Cường tiến hành phát hành thêm hơn 5,6 triệu cổ phiếu cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ của công ty lên thành 859,3 tỷ đồng.  Việc liên tục phát hành tăng vốn với mức giá cao, giúp thặng dư vốn cổ phần của An Cường cũng tăng mạnh, lên 1.408 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2019.

Song song với các đợt phát hành thêm là các đợt chia cổ tức cho cổ đông nhờ kết quả kinh doanh thuận lợi các năm trước đó. Năm 2019, An Cường đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 18%  từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Số tiền phải trả cổ tức là gần 275 tỷ đồng. Khoản tiền này phần lớn chảy về túi các cổ đông lớn của công ty là công ty TNHH đầu tư NC Việt Nam, Whitlam Holding và Sumitomo Forestry. Trước đó, năm 2018, An Cường cũng tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu với tổng trị giá gần 362 tỷ đồng.