Mở cửa hàng không với quốc tế: Cần "mở thoáng" và "mở thật"!

Phương Linh - 07:47, 26/02/2022

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, ngành hàng không cần mở cửa sớm với các quy định thông thoáng và thực chất nhằm giúp hàng không và du lịch phục hồi.

Mở cửa hàng không với quốc tế: Cần "mở thoáng" và "mở thật"!
Covid-19 được coi như như rào cản để hạn chế mở cửa hàng không, du lịch

Hàng không đang mở cửa... "quá chậm"!

Ngày 15/3 đang được đề xuất là thời điểm mở cửa lại hoạt động hàng không, du lịch với quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ngành hàng không "đi trước một bước" này sẽ giúp du lịch cạnh tranh thu hút khách quốc tế, tạo điều kiện cho việc nhanh chóng trở lại đà tăng trưởng. 

Song theo ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ du lịch Gotadi, việc mở cửa hàng không của Việt Nam đang rất chậm. 

"Nói về thời điểm mở, cách mở, có thể thấy rằng, việc mở cửa và thí điểm như Việt Nam là chậm. Việt Nam vừa thí điểm du lịch tại Phú Quốc và Bình Định... Trong khi Thái Lan, Campuchia đã mở cửa chính thức từ tháng 11/2021 thì Việt Nam dự kiến 15/3/2022 mới mở cửa".

Ông Nam nhấn mạnh và cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam luôn coi Covid-19 như rào cản để hạn chế mở cửa với quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Covid-19 không phải rào cản, đừng biến nó trở thành rào cản. 

Minh chứng là bây giờ một ngày ở Việt Nam ghi nhận mấy chục nghìn ca Covid-19, nhưng quan trọng là tâm thế của người dân đối với dịch bệnh đã khác.

"Facebook tôi có hơn 5.000 bạn, một ngày có đến mấy chục người trên Facebook khoe hai vạch. Khoe 2 vạch thì cũng chỉ cười "ha ha" với nhau. F0 không còn được cơm bưng nước rót, không được báo chí quan tâm như trước nữa. Vì vậy, điều cần thiết lúc này là khôi phục bình thường các hoạt động du lịch, hàng không... Đừng để loay hoay mãi với Covid-19 rồi chẳng đi đến đâu", ông Nam nói.

Vị chuyên gia này cho rằng: "Ngành hàng không và du lịch cần cố gắng mở càng sớm càng tốt, càng rộng các tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt". 

Trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế. Trong 2 năm Việt Nam bị đình trệ bị đóng cửa, ngành hàng không và du lịch gần như tê liệt hoàn toàn. Vì vậy Chính phủ nên "mở thoáng, mở thật" hàng không đón khách quốc tế nhằm giúp hàng không và du lịch hồi phục.

Điều kiện tiên quyết để phục hồi là chính sách visa

Để hàng không và du lịch mở cửa thực sự hiệu quả, ông Nam cho rằng, điều kiện tiên quyết là phục hồi chính sách visa như trước Covid-19 ngay lập tức. 

Việc cải thiện chính sách visa là vô cùng quan trọng, bởi những người nước ngoài đến Việt Nam đi du lịch, hay người việt Nam đi du lịch, chẳng ai muốn xin visa cả. Do đó, Việt Nam muốn đón nhiều khách quốc tế đến hơn thì cần tạo thuận lợi hơn về visa cho họ.

Theo ông Nam, Việt Nam cần phục hồi ngay visa với 13 nước như trước dịch và mở rộng miễn phí visa cho toàn bộ EU, Úc, NewZeland...

Với Mỹ, Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh luận nên nếu không miễn visa được cho hai thị trường khổng lồ này thì Chính phủ cũng xem xét cấp visa dài hạn 5 năm, 10 năm cho một số công dân của các nước khác.

"Quan điểm của tôi là cố gắng giảm thiểu mọi thủ tục mà doanh nghiệp, người tiêu dùng, du khách phải thực hiện. Ở Việt Nam hiện đang có nhiều thủ tục mang tính "tiêu cực, có trục lợi". Tại sao tôi nói nhiều về visa, bởi tủ tục đó khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, du khách. Không chỉ vấn đề chi phí, thủ tục cũng là một rào cản. Nó sinh ra đủ thứ trên đời, ảnh hưởng đến việc mở cửa. Bỏ bớt đi thủ tục nào hay thủ tục đó và càng đơn giản hoá càng tốt", ông Nam bày tỏ.

Giải pháp thứ hai cần thực hiện để mở cửa hàng không hiệu quả được ông Nam nhấn mạnh là đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo đó, Covid-19 đã làm ngành hàng không quên đi việc quá tải hạ tầng sân bay. Nếu thời gian tới với sự phục hồi của du lịch thì sự quá tải hạ tầng sân bay là hiện hữu, không sớm khắc phục điều này sẽ là rào cản sự phát triển Hàng không Việt Nam.

Theo ông Nam, Việt Nam có 21 sân bay nhà nước làm và 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn, tổng cộng 22. Nhìn số lượng nhiều, nhưng công suất 22 sân bay mới được 75 triệu khách/năm. Con số này chỉ bằng 1 sân bay Changi của Singapore. 

"Sân bay nhiều nhưng nhỏ, tổng cộng công suất không được bao nhiêu. Muốn có sự phục hồi hàng không, phải có sự phát triển tương xứng. Nếu không, sân bay lại sẽ thành điểm nghẽn cho sự phát triển, ông Nam nhấn mạnh và cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng hàng không là làm sao để đưa doanh nghiệp tư nhân vào phát triển sân bay. "Cái gì tư nhân làm được nên để họ làm. Thành công của Sân bay Vân Đồn là một ví dụ"

Đồng quan điểm, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đã và đang thích ứng với tình hình mới, những rào cản của hàng không cần được tháo gỡ, không chỉ ở Việt Nam mà cả các điểm đi đến. Các cơ quan Nhà nước, khi nghiên cứu thực hiện chính sách mở cửa, cần sớm khôi phục lại như trước dịch, đồng bộ và quyết liệt. 

Trong đó, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho hàng không và đón đầu để bùng nổ trở lại. Các chính sách thu hút du lịch cũng cần được đẩy mạnh, học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Thái Lan.