Moody’s nâng triển vọng Sacombank, giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm

Phương Anh - 17:08, 24/04/2023

TheLEADERTổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã giữ nguyên xếp hạng B3 cho Sacombank, và nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực, cho thấy kỳ vọng về sự cải thiện trong việc xử lý các khoản vay có vấn đề.

Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và tiền gửi nội – ngoại tệ dài hạn của Sacombank tiếp tục được Moody’s giữ nguyên ở mức B3. Cùng với đó, xếp hạng đối với mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh tiếp tục ở mức caa1.

Bên cạnh đó, Moody’s xếp hạng Sacombank ở mức B2 về rủi ro đối tác (CR) nội – ngoại tệ dài hạn, B2(cr) về đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn, NP về rủi ro đối tác nội – ngoại tệ ngắn hạn, ST về tiền gửi nội – ngoại tệ ngắn hạn và về phát hành nội – ngoại tệ ngắn hạn.

Tổ chức này cũng xếp hạng Sacombank mức NP(cr) về đánh giá rủi ro đối tác ngắn hạn.

Ngoài ra, Moody’s đã nâng xếp hạng triển vọng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của Sacombank từ ổn định lên tích cực, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện hồ sơ tín dụng hơn nữa của ngân hàng này thông qua việc xử lý các khoản vay có vấn đề.

Moody’s cho biết việc giữ nguyên xếp hạng phản ánh hồ sơ tín dụng của Sacombank đã được cải thiện, nhưng vẫn còn yếu. Tài sản có vấn đề của Sacombank giảm, nhưng vốn chủ sở hữu của ngân hàng này vẫn còn khiêm tốn, do khả năng tạo vốn nội bộ yếu.

Tổ chức này cho biết thêm BCA ở mức caa1 đã cân nhắc đến nguồn vốn và khả năng thanh khoản còn khiêm tốn của Sacombank.

Tỷ lệ các khoản vay có vấn đề đã điều chỉnh của Sacombank, bao gồm nợ xấu (NPL), tổng trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), và tài sản có vấn đề, đã giảm xuống mức 6,7% vào tháng 12/2022 từ con số 11,9% một năm trước đó, nhờ nỗ lực xử lý một khối lượng lớn tài sản có vấn đề trong năm vừa qua.

Tuy vậy, tỷ lệ các khoản vay có vấn đề đã điều chỉnh của Sacombank vẫn cao hơn mức trung bình 1,8% của các ngân hàng Việt Nam khác được xếp hạng, chủ yếu là do lượng trái phiếu VAMC đang lưu hành.

Hiện Sacombank đang có kế hoạch trích lập đầy đủ dự phòng cho trái phiếu VAMC vào năm nay.

Moody’s dự báo nợ xấu mới của Sacombank sẽ tăng lên do những thách thức hiện nay trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Tuy vậy, tổ chức này cũng cho rằng những rủi ro sẽ được bù đắp bởi chất lượng tài sản được cải thiện và BCA vốn đã thấp.

Vốn của Sacombank được đánh giá sẽ duy trì ở mức thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng được xếp hạng khác tại Việt Nam. Nguyên nhân là bởi theo chương trình phục hồi tài chính của NHNN, Sacombank chỉ có thể huy động vốn mới sau khi thanh lý một phần tài sản có vấn đề còn lại, và không còn nằm trong chương trình.

Ngoài ra, khả năng sinh lời của Sacombank cũng được dự báo ở mức yếu, do ngân hàng này có kế hoạch tất toán lượng trái phiếu VAMC trong vòng 12 - 18 tháng tới.

Theo Moody’s, Sacombank có thể được nâng xếp hạng tín nhiệm, nếu sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng này được cải thiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xếp hạng BCA của ngân hàng này sẽ được nâng lên.

Điều này sẽ diễn ra nếu Sacombank cải thiện chất lượng tài sản bằng cách giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, thông qua việc giải quyết các tài sản có vấn đề - giúp cải thiện khả năng sinh lời, và hỗ trợ tạo vốn nội bộ cho ngân hàng.

Cùng với đó, quyết định nâng hạng BCA cũng phụ thuộc vào việc Sacombank duy trì nguồn vốn và thanh khoản ổn định.

Ngược lại, Moody’s có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Sacombank, nếu tổ chức này đánh giá sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho ngân hàng yếu đi. Moody’s cũng sẽ hạ xếp hạng và BCA, nếu tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng lên trên 10%, dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn và khả năng sinh lời yếu hơn.

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE) trên tài sản có rủi ro giảm xuống dưới 6% cũng sẽ gây bất lợi cho BCA và xếp hạng của Sacombank.