Moody’s nói về triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam

Minh An - 21:14, 03/04/2018

TheLEADERTrong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam, công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá Việt Nam ở mức B1 với triển vọng tích cực.

Xếp hạng tín nhiệm này của Việt Nam phản ánh tăng trưởng gần đây của nền kinh tế với sự gia tăng sức cạnh tranh và sự dịch chuyển yếu tố tăng trưởng từ các ngành truyền thống như nông nghiệp sáng chế tạo, và các giá trị gia tăng ngày càng cao trong các ngành này.

Moody’s cho rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cao sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia tương tự. Trong khi đó vấn đề nợ công của Việt Nam cũng sẽ ổn định hơn.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được Moody's dự báo có thể đạt 6,7% trong năm nay, cao gần gấp 2 lần mức trung bình của các nước có cùng xếp hạng tín nhiệm B. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước và sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tín dụng tăng trưởng nhanh đã thúc đẩy tiêu dùng nội địa và vượt xa mức tăng trưởng GDP. Moody's chỉ ra rằng mặc dù tăng trưởng tín dụng nhanh có thể gây ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng nhưng nó cũng có thể cho thấy một mức độ phát triển của hệ thống tài chính.

Theo Moody’s, tỷ lệ nợ công cao và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng là một rào sản nâng hàng tín nhiệm của Việt Nam. Tuy nhiên việc giảm vay nợ ngoại tệ cho thấy thị trường tài chính trong nước phát triển hơn và điều này làm giảm rủi ro tái cấp vốn.

Báo cáo của công ty xếp hạng tín nhiệm cũng đánh giá cao quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy nhanh. Nhiều công ty nhà nước quy mô lớn gần đây đã bán cổ phần thành công.

Cơ quan này nhận định xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có thể tăng nhờ: (1) thông qua các biện pháp cụ thể dẫn đến giảm gánh nặng nợ của chính phủ; và (2) tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước để giảm những rủi ro tiềm ẩn và giảm rủi ro tài chính vĩ mô.

Ngược lại, xếp hạng có thể giảm do: (1) sự bùng nổ trở lại của các yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô dẫn tới lạm phát cao hơn, chi phí vay nợ tăng lên, và / hoặc sự suy giảm khả năng thanh toán; (2) một sự suy yếu trong tăng trưởng kinh tế so với các nước tương đồng; hoặc (3) sự tích lũy đáng kể các rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống ngân hàng hoặc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.