Một số yếu tố thị trường cần quan tâm trong tháng 6

Phương Anh - 12:45, 08/06/2023

TheLEADERThị trường Việt Nam được đánh giá sẽ ít có thay đổi đáng kể với giá vàng và giá hàng hóa trong tháng này, theo chuyên gia từ Vantage tại Việt Nam.

Trong đánh giá mới nhất, ông Phan Thanh Phụng, Giám đốc đào tạo của Vantage (nhà môi giới đa tài sản toàn cầu) tại Việt Nam, nhận định dự kiến trong tháng 6, thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục chịu tác động từ các yếu tố như lãi suất, trần nợ và các tin tức liên quan.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất ở mức thấp nhằm thăm dò phản ứng của thị trường, và giải quyết một phần vấn đề lạm phát, song vẫn duy trì cấu trúc kinh tế thị trường ổn định.

Tuy nhiên, việc FED đưa ra quyết định về lãi suất cũng phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và tình hình việc làm, do đó cần theo dõi sát các chỉ số này. Cùng với đó là vấn đề nợ công, bởi trong lịch sử, Mỹ đã nhiều lần đạt trần nợ và tăng trần nợ công được thông qua.

Theo ông Phụng, đồng USD sẽ hưởng lợi và duy trì đà tăng ít nhất trong nửa đầu tháng 6. Điều này sẽ tạo ra dòng tiền tập trung vào USD, gây ra điều chỉnh trong thị trường chứng khoán, vàng và tiền điện tử.

Trong bối cảnh này, thị trường vàng có thể tiếp tục giảm xuống khoảng 1.930-1.940 nếu các yếu tố trên diễn ra. Tuy nhiên, để thị trường vàng có bước điều chỉnh này, giá vàng sẽ cần phục hồi về mức trước đó và vùng giá hợp lý, để vàng bắt đầu có đà giảm sẽ nằm trong khoảng 1.990 – 2.010.

Trong khi đó, thị trường tiền điện tử vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu sôi động trở lại. Tại Việt Nam, thị trường có xu hướng chịu ảnh hưởng chậm từ biến động thị trường toàn cầu, dẫn đến khả năng thay đổi trong tháng 6 không đáng kể đối với giá vàng và hàng hóa.

Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất, theo ông Phụng, Việt Nam có thể điều chỉnh phù hợp.

Trong lần điều chỉnh gần nhất vào nửa cuối tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,5% lãi suất điều hành, đưa lãi suất cho vay qua đêm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Đây là lần giảm thứ ba từ đầu năm tới nay của cơ quan này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn, và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.

Theo đánh giá từ HSBC trong phân tích về dữ liệu kinh tế Việt Nam tháng 5, áp lực lạm phát dịu xuống là một trong những nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại. Dữ liệu lĩnh vực bên ngoài chậm lại vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng.

Đơn hàng sụt giảm mạnh ở ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, và châu Âu. Với thị phần lớn lên tới 30%, Việt Nam chắc chắn dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ, HSBC nhận định.

Với ngành sản xuất có bản chất thiên về nhập khẩu, sự suy yếu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chậm chạm của xuất khẩu trong tương lai.