Một tuần chỉ có 3 xe ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam

Đặng Hoa - 15:35, 03/02/2018

TheLEADERTổng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tháng 1/2018 chỉ đạt khoảng 1.000 chiếc trong khi đó tháng 12/2017 ghi nhận 14.000 ô tô được nhập về Việt Nam

Một tuần chỉ có 3 xe ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam
Xe ô tô nhập khẩu vẫn khó đường về Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần vừa qua chỉ có 23 xe ô tô nguyên chiếc các loại được mở tờ khai hải quan, với tổng trị giá chỉ đạt 1,66 triệu USD.

Trong 23 xe ô tô nguyên chiếc này không có xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và xe ô tô tải được đăng kí mở tờ khai nhập khẩ​u. Toàn bộ số xe ô tô nguyên chiếc các loại này đều được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu ở khu vực phía Nam.

Chỉ có 3 chiếc ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam tuần qua

Trong đó, chỉ có 3 ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, với trị giá hơn 56 nghìn USD và có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Có 20 chiếc ô tô loại khác (100% là ô tô đầu kéo) cũng được mở tờ khai trong tuần qua, với trị giá đạt 1,6 triệu USD. Ô tô đầu kéo nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Hoa Kỳ.

Cũng theo thống kê sơ bộ, trong tuần có gần 15,2 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào nước ta. Nhập khẩu nhóm hàng này có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản với trị giá hơn 7 triệu USD; từ Đức trị giá 2,6 triệu USD; từ Hàn Quốc trị giá 1,9 triệu USD và từ Thái Lan trị giá 1,7 triệu USD.

Tính chung, nhập khẩu từ bốn thị trường này trong tuần qua chiếm tỷ trọng tới 88% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của cả nước.

Trước đó, theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, tổng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tháng 1/2018 chỉ đạt khoảng 1.000 chiếc và đạt 94 triệu USD về giá trị, giảm 86,2% về lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó, tháng 12/2017 ghi nhận 14.000 chiếc ô tô được nhập về Việt Nam với tổng giá trị 360 triệu USD.

Từ khi Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ đầu tháng 1 năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu đều thông báo tạm dừng các hoạt động nhập khẩu ô tô để chờ văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên, khi thông tư 03/2018/TT-BGTVT được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 20/1/2017 nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, việc nhập khẩu xe vẫn không hề khá hơn. Số lượng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập về vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 03 không những không gỡ rối cho các doanh nghiệp mà ngược lại còn đưa ra thêm nhiều quy định ngặt nghèo hơn.

Theo đó, về cơ bản Thông tư này chỉ giải thích rõ hơn các khái niệm được đưa ra trong các quy định của Nghị định 116; đồng thời đưa ra rất nhiều quy định với ô tô nhập khẩu. Để nhập xe ô tô chưa qua sử dụng, các doanh nghiệp cần tới khoảng 12 loại giấy tờ khác nhau, đặc biệt vẫn phải đáp ứng quy định về giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài như trong Nghị định 116.

Bên cạnh đó, Thông tư 03 quy định đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Các doanh nghiệp và tổ chức cho rằng quy định này chỉ làm tốn thời gian và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong quy định về hồ sơ đăng ký kiểm tra đối với ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng, Thông tư 03 có thêm quy định các doanh nghiệp phải có bản sao giấy Chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu xe, cả Nghị định 116 và Thông tư 03 đều là những rào cản khó vượt; đặc biệt là quy định về giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

Trao đổi với TheLEADER, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, các thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam như yêu cầu trong nghị định mới.

Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước, không cấp chứng nhận kiểu loại cho các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, nhưng có thể không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.

Tuy nhiên, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2/2/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích giấy này không phải là giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà là cơ quan hiệp hội có thẩm quyền. Điều này nhằm đảm bảo xe có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, có giá trị.

Đồng thời các cơ quan, hiệp hội có thẩm quyền khi cấp giấy chứng nhận phải có trách nhiệm triệu hồi những xe đó nếu như xe đó trong quá trình sản xuất có lỗi, để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.