Mục tiêu net zero có thể ‘thổi bay’ nửa giá trị các công ty dầu khí

Phương Anh - 10:40, 27/11/2023

TheLEADERTrong quá trình thế giới tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – net zero, dầu khí sẽ trở thành ngành kinh doanh ít lợi nhuận hơn và nhiều rủi ro hơn, theo IEA.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong phân tích mới nhất dự báo, các công ty dầu khí tư nhân có thể mất 1/4 giá trị từ mức 6 nghìn tỷ USD hiện nay nếu các quốc gia đạt được những mục tiêu về khí hậu và năng lượng.

Mức định giá này được tính toán theo kịch bản nhu cầu và giá cả tuân theo những chính sách đã được thiết lập như giai đoạn hiện nay.

Nếu các quốc gia trên thế giới tăng cường chính sách để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C như trong Thỏa thuận Paris, mức sụt giảm giá trị của các công ty dầu khí tư nhân có thể lên tới 60%, tương đương khoảng 3,6 nghìn tỷ USD.

Sự biến động của giá nhiên liệu hóa thạch có thể khiến doanh thu của những công ty này dao động qua các năm. Tuy nhiên, khi quá trình chuyển đổi sang giảm phát thải tăng tốc, IEA cho rằng, dầu khí sẽ trở thành ngành kinh doanh ít lợi nhuận hơn và có nhiều rủi ro hơn.

Giá thành và sản lượng nhìn chung sẽ thấp hơn trong khi rủi ro về tài sản mắc kẹt lại cao hơn, đặc biệt đối với các cơ sở trung gian như nhà máy lọc dầu hay nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng.

Các dự án dầu khí hiện tạo ra tỷ lệ lợi nhuận trên đầu tư cao hơn một chút nhưng tính ổn định lại kém hơn.

Ước tính, lợi nhuận trên vốn sử dụng của ngành dầu khí đạt trung bình khoảng 6 - 9% trong giai đoạn 2010 - 2022, trong khi con số này của các dự án năng lượng sạch là 6%. Lợi nhuận từ dầu và khí đã thay đổi rất nhiều theo thời gian so với xu hướng ngày càng ổn định của những dự án năng lượng sạch.

Điều này đồng nghĩa rằng, các quỹ hưu trí và quỹ đầu tư phụ thuộc vào các công ty dầu khí để có một phần lợi nhuận có thể sẽ đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng trong hai thập kỷ tới.

Dù vậy, IEA cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội phía trước cho ngành dầu khí toàn cầu khi ngành này có vị trí thuận lợi để mở rộng quy mô một số công nghệ quan trọng cho chuyển đổi năng lượng.

Trên thực tế, khoảng 1/3 năng lượng tiêu thụ vào năm 2050 trong hệ thống năng lượng khử carbon đến từ các công nghệ có thể được hưởng lợi từ kỹ năng và tài nguyên của ngành dầu khí, bao gồm hydro, thu hồi carbon, điện gió ngoài khơi và nhiên liệu sinh học lỏng.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi từng bước trong cách phân bổ nguồn lực tài chính của ngành.

Năm ngoái, ngành dầu khí đã rót khoảng 20 tỷ USD vào năng lượng sạch, chỉ tương đương chưa đầy 3% tổng chi tiêu vốn của ngành. Nếu muốn tiến tới mục tiêu net zero, các nhà sản xuất sẽ cần dành tới 50% chi tiêu vốn cho các dự án năng lượng sạch vào năm 2030, bên cạnh khoản đầu tư cần thiết để giảm lượng khí thải từ hoạt động của chính họ.

Vị trí của ngành dầu khí trong chuyển đổi năng lượng

Phân tích từ IEA cho thấy, ngành dầu khí – nơi cung cấp tới hơn một nửa nguồn cung năng lượng toàn cầu và sử dụng gần 12 triệu người lao động trên toàn thế giới – chỉ đang đóng vai trò nhỏ trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch.

Các công ty dầu khí hiện chỉ chiếm 1% đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu và 60% trong số đó chỉ đến từ bốn công ty.

Kể từ năm 2018, doanh thu hàng năm do ngành dầu khí tạo ra trung bình đạt gần 3,5 nghìn tỷ USD. Trong đó, khoảng một nửa thuộc về chính phủ, 40% được dùng để tái đầu tư và 10% được trả lại cho các cổ đông hoặc dùng để trả nợ.

Điều này cho thấy rằng ý nghĩa của việc chuyển đổi để giảm phát thải ròng đối với mỗi đối tượng trong ngành lại khác nhau, từ các nhà khai thác nhỏ, chuyên biệt, cho tới các công ty dầu khí nhà nước lớn.

Trong khi sự chú ý thường tập trung vào vai trò của công ty tư nhân lớn - bảy công ty đa quốc gia lớn, những công ty này lại nắm giữ chưa đến 13% sản lượng và trữ lượng dầu khí toàn cầu.

Điều cần chú ý ở đây là hơn một nửa sản lượng và gần 60% trữ lượng dầu khí của thế giới lại nằm trong tay của các công ty dầu khí thuộc nhà nước.

Sự tham gia của ngành dầu khí trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ là một trong những chủ đề chính tại COP28 sắp tới tại Dubai. Nhưng IEA cho rằng, những đánh giá và thảo luận tiếp theo cần tiếp tục được đẩy mạnh sau hội nghị thượng đỉnh về khí hậu này.