Tiêu điểm
Mục tiêu tỷ đô của Sendo
Dù xuất hiện muộn so với một số nước khu vực, những sàn thương mại điện tử Việt Nam như Sendo.vn vẫn tạo được sức cạnh tranh nhất định với các doanh nghiệp ngoại nhờ vào chiến lược kinh doanh độc đáo.
Chia sẻ với TheLEADER, ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Sendo (Sendo.vn) khẳng định sẽ không từ bỏ sân chơi thương mại điện tử và còn tự tin đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD tổng số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng vào năm 2020. Sendo đang có nhiều cơ hội và sẽ còn nhiều thay đổi ngoạn mục nữa để giành thị phần và tiếp tục nâng tầm thương hiệu.
Sendo là một trong những doanh nghiệp đặt những viên gạch đầu tiên cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Nhìn lại hành trình 7 năm qua, ông ấn tượng điều gì?
Ông Trần Hải Linh: Năm 2012 là thời điểm internet bùng nổ tại Việt Nam, đây chính là cơ hội để thương mại điện tử phát triển, góp phần đưa hàng hóa đến rộng khắp. Thời điểm đó, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều mô hình kinh doanh của Ấn Độ, Indonesia, Mỹ… và quyết định khởi nghiệp làm thương mại điện tử. Với chuyên môn về công nghệ, những nhân sự phát triển đầu tiên đã tự học và xây dựng nền tảng Sendo từng ngày một với sự hỗ trợ từ FPT và SBI.
Song một số thuận lợi ban đầu không đồng nghĩa với việc khởi nghiệp dễ dàng. Cái khó của là nền tảng thương mại điện tử chưa được coi là giải pháp tối ưu trong mua sắm của người dân do nhận thức còn hạn chế.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử Việt Nam còn đối diện với thực trạng nền tảng logistics (hậu cần, vận chuyển) và thanh toán điện tử chưa đủ phát triển để đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng hóa. Chúng tôi gặp thách thức phải giải được bài toán niềm tin cho người dân lúc này.
Mặt khác, khó khăn nội tại của Sendo lúc bấy giờ là vốn và con người. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận được nguồn vốn rất lớn từ châu Âu và sau này là Trung Quốc dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt.
Vậy điều gì đã giúp Sendo vượt qua những khó khăn ban đầu để trở thành một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam còn trụ vững sau 7 năm trên thị trường thương mại điện tử?
Ông Trần Hải Linh: Tính tới nay, có rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã thành lập nhưng cũng nhanh chóng biến mất khỏi thị trường. Quay trở lại thời điểm đó, Sendo có lợi thế là doanh nghiệp lớn lên trong lòng FPT. Cái chúng tôi có được chính là văn hóa tôn trọng cá nhân, sự phát triển công nghệ và tầm nhìn hướng tới tạo giá trị thực sự cho khách hàng. Những khó khăn của thị trường đã tiếp thêm động lực để chúng tôi làm việc mỗi ngày.
Nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với giao dịch thương mại điện tử, chúng tôi trực tiếp tới các địa phương để lắng nghe ý kiến và cải thiện chất lượng dịch vụ. Một mặt, Sendo đề xuất đối tác vận chuyển hỗ trợ nhận tiền mặt khi giao hàng thay vì chỉ đơn thuần giao nhận hàng hóa. Mặt khác, ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam để chuyển thông tin đơn hàng sang đối tác khác. Bưu điện Việt Nam hay Viettel Post đã phải rất nỗ lực trong việc giao nhận hàng hóa.
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là thị trường “vàng” của thương mại điện tử. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Trần Hải Linh: Mức tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực Châu Á, đạt 30% vào năm 2018 vừa qua. Nếu tiếp tục giữ tốc độ này, tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Việt Nam được dự đoán trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á vào năm 2025 theo báo cáo Google-Temasek.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ mới dừng ở mức “tiềm năng” với 3% tổng giá trị bán lẻ, dư địa để phát triển là rất cao.
Với điều kiện thuận lợi về dân số, tăng trưởng kinh tế và còn mới mẻ trên bản đồ thương mại điện tử quốc tế, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự đầu tư rất lớn các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa sánh vai cùng những doanh nghiệp quốc tế. Chúng tôi tin rằng mô hình những doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa như Sendo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường này.
Theo ông, xu hướng người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2019 có gì nổi bật? Sendo sẽ có dự định gì để đón đầu những xu hướng này?
Ông Trần Hải Linh: Smartphone và internet đáp ứng những nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng trong hệ sinh thái mua hàng trực tuyến, bên cạnh mức thu nhập của người dân tăng dần, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Việt Nam cũng đang sở hữu thế hệ “người tiêu dùng kết nối” ngày càng tăng – những người thường xuyên tương tác trên internet và có khả năng chi tiêu cho sản phẩm họ yêu thích. Quyết định mua hàng sẽ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả online và offline.
Do đó, thương mại đa kênh và thương mại qua mạng xã hội sẽ là xu hướng rõ rệt nhất trong năm 2019. Mặt khác, sự đa dạng và phát triển của các nền tảng thanh toán điện tử sẽ góp phần khiến thanh toán online phổ biến hơn với người tiêu dùng trong năm 2019.
Trong thời gian tới, Sendo sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ, cũng như hoàn thiện hệ sinh thái toàn diện để cung cấp điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng sử dụng thương mại điện tử. Trong đó, trải nghiệm người dùng trên di động là mối quan tâm lớn của Sendo.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn báo lỗ. Theo ông, đâu là yếu tố quyết định trong cuộc đua của các doanh nghiệp trong năm 2019 và những năm tới?
Ông Trần Hải Linh: Trong cuộc chơi của các sàn thương mại điện tử lớn, yếu tố người dùng sẽ quyết định thành công cho mỗi sàn. Theo tôi, ai có nhiều người dùng trong dài hạn sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh không thể đảo ngược.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn luôn tìm cách người dùng gia nhập nền tảng của mình càng nhiều càng tốt nhằm hạn chế chi phí chuyển đổi hành vi của người dùng, mặt khác tăng lợi nhuận bằng cách cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng và người bán. Khi quy mô đủ lớn cũng là lúc sinh lời. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư sẵn sàng rót số vốn khủng để đưa đơn vị được đầu tư đến vị trí dẫn đầu.
Sendo có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh về khách hàng. Trong 7 năm phát triển của Sendo, động cơ phát triển lớn nhất của Sendo không phải là tập khách hàng có thu nhập cao, mà luôn luôn là tập khách hàng đại diện cho đa số người Việt Nam. Sendo cố gắng tạo ra những giá trị thật đối với người tiêu dùng thay vì các chương trình trợ giá, khuyến mãi.
Vì sao Sendo vẫn trung thành với chính sách không thu phí người bán?
Ông Trần Hải Linh: Việc vận hành thuần túy của Sendo vẫn đang có doanh thu nhất định nhờ dịch vụ gia tăng, cụ thể là hoạt động quảng cáo. Sendo không áp đặt mức chi phí theo mong muốn của sàn, giúp các nhà bán hàng kiểm soát kinh doanh tốt hơn và có thể chủ động lựa chọn chi cho quảng cáo hay không. Chúng tôi nhận thấy mô hình kinh doanh quảng cáo rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý khác trong các chiến lược kinh doanh của Sendo là việc chọn tập trung vào phân khúc tỉnh lẻ. Đây vẫn là định hướng của Sendo trong năm 2019?
Ông Trần Hải Linh: Như tôi đã nói, cuộc đua trong ngành thương mại điện tử vẫn là cuộc đua về tệp khách hàng. Sendo nhận thấy khu vực nông thôn đại diện cho phần lớn dân số với tiềm năng tiêu thụ rất lớn, nhưng chiếm tỷ trọng giao dịch thương mại điện tử rất nhỏ và khả năng tiếp cận hàng hóa còn hạn chế so với các đô thị như Hà Nội và TP. HCM.
Mặt khác, mức thu nhập của người dân ở các tỉnh lẻ cũng tăng lên nhanh chóng. Do đó, chúng tôi tập trung khai thác khu vực thành phố cấp hai và xa hơn có hơn 70 triệu người Việt Nam sinh sống, bên cạnh phát triển lực lượng người bán là doanh nghiệp vừa và nhỏ với khả năng cung ứng hàng hóa đa dạng. Hiện tại, 2/3 lượng khách hàng của Sendo đến từ các khu vực này.
Logistics cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thương mại điện tử. Sendo có sự chuẩn bị gì trong năm 2019?
Ông Trần Hải Linh: Logistics đang góp phần không nhỏ trong việc tối ưu trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Trong khoảng 7 năm trở lại đây, đầu tư cho ngành logistics ở Việt Nam đã có sự phát triển rất đáng kể, cả về lượng và về chất. Thực tế, Việt Nam có rất nhiều công ty giao nhận trong khu vực và trên thế giới gia nhập thị trường - những khoản đầu tư theo tôi đánh giá đã rơi vào khoảng 100 triệu USD, đây là một con số không nhỏ.
Song Sendo không chạy theo cuộc đua giao hàng hỏa tốc và vì thế chúng tôi không sở hữu đơn vị giao nhận vận chuyển nào như các đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân là vì khách hàng của Sendo không quá đặt nặng chất lượng dịch vụ phải rất cao hay thời gian giao nhận phải rất nhanh, mà chỉ cần giao nhận đến nơi đến chốn. Đó là sự khác biệt trong kỳ vọng giữa khách hàng Việt Nam so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.
Những hoạt động đầu tư về công nghệ của Sendo sắp tới có gì đặc biệt?
Ông Trần Hải Linh: Trong năm 2019, Sendo sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào AI (trí thông minh nhân tạo) để tối ưu trải nghiệm mua sắm và tự động hóa các hoạt động vận hành nhằm mang lại sự khác biệt về dịch vụ.
Một số hoạt động có thể kể tới như: triển khai chatbot với hy vọng giảm số lượng truy vấn được xử lý thủ công ít nhất 50%, tăng gấp đôi quy mô của đội ngũ lên khoảng 1.000 người trong đó tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia về AI, hợp nghiên cứu với một số trường đại học, các nhà khoa học dữ liệu đầu ngành Việt Nam và Singapore.
Mục tiêu của chúng tôi đến cuối 2019 là 80% của các hoạt động chăm sóc khách hàng cũng như phòng chống gian lận, phóng chống hàng giả sẽ được xử lý bằng thuật toán thông minh hơn.
Xin cảm ơn ông!
Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đang giành nhau miếng bánh 2,8 tỷ USD
Chuyện 'xóa mù' quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc
Hệ thống quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc có thể được xem là nguồn cảm hứng, hình mẫu cho hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đèo Cả huy động vốn cho cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là một trong số các dự án cao tốc trọng điểm đang được Đèo Cả tích cực tập trung nguồn lực triển khai.
Doanh nhân Đoàn Quốc Việt đã gây dựng BIM Group lớn mạnh như thế nào?
Với sự kiên định và tầm nhìn sâu sắc, doanh nhân Đoàn Quốc Việt đã dẫn dắt BIM Group trở thành một trong những tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam, có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Ngành phân bón phục hồi mạnh
Thay vì phân hóa trong cùng kỳ năm trước, diễn biến phục hồi đồng đều ở toàn ngành phân bón trong quý III cũng như chín tháng đầu năm nay.
Lạc quan về tăng trưởng kinh tế, người Việt tăng chi tiêu
Tin tưởng hơn vào tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu lẫn các trải nghiệm.
Để Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ cao
Bài phát biểu của bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào về triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Dám thử và sai để làm đúng ở Alphanam
Alphanam đang có một thế hệ nhân sự ở độ đôi mươi với những tư duy mới mẻ, khác biệt về cuộc sống và công việc.