Mỹ sẽ không áp biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam

Hoài Anh - 18:06, 01/08/2021

TheLEADERQuyết định này có ý nghĩa đặc biệt tích cực đối với quan hệ kinh tế thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam.

Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ không ban hành biện pháp hạn chế thương mại với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, theo Bộ Công thương.

Đây là kết luận điều tra của USTR về các hành vi, chính sách, thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề về định giá thấp tiền tệ, trên cơ sở thỏa thuận đạt được vào ngày 19/7 giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước về các chính sách tiền tệ của Việt Nam.

"Quyết định này có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ kinh tế thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và hướng tới quan hệ ổn định và bền vững, có lợi cho cả hai nước trên tinh thần Đối tác toàn diện", Bộ Công thương đánh giá.

Cơ quan này cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với Mỹ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ với Việt Nam, nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Trước đó, báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam và Thụy Sĩ đáp ứng ba tiêu chí bị gắn nhãn "thao túng tiền tệ" theo Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015.

Các tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra là thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương với ít nhất 2% GDP, tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng và thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất đạt 20 tỷ USD.

Đến báo cáo vào tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị đưa vào danh sách giám sát tăng cường khi có dấu hiệu đáng ứng cả 3 tiêu chí trên.

Tại cuộc làm việc mới nhất với Bộ trưởng Thương mại Mỹ ngày 19/7, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%.

Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Riêng trong năm 2020 - năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD).

Trong 7 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 53,6 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ khoảng 8,9 tỷ USD, tăng gần 10%.