Na Uy sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thiết lập hệ thống đặt cọc – hoàn trả

Hoàng Đông - 22:43, 18/05/2023

TheLEADERPhó đại sứ Na Uy tại Hà Nội Mette Møglestue cho biết, Na Uy sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống đặt cọc – hoàn trả riêng phù hợp với điều kiện địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả thu gom, tái chế bao bì.

Phát biểu trên được bà Mette Møglestue đưa ra tại lễ ra mắt nhóm kỹ thuật đổi mới sáng tạo và tài chính của Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), với các thành viên bao gồm một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Công ty Nhựa tái chế Duy Tân; Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Ngân hàng Thế giới (WB)…

Theo đó, hệ thống đặt cọc – hoàn trả (DRS) được thiết lập từ sớm, vận hành một cách nhuần nhuyễn, ăn sâu vào thói quen của người tiêu dùng là bí quyết để nhiều quốc gia châu Âu đạt được tỷ lệ thu gom, tái chế vỏ bao bì lên đến hơn 90%.

Na Uy là quốc gia châu Âu tiêu biểu ứng dụng thành công mô hình DRS, với tỷ lệ thu gom, tái chế bao bì đạt 95%. Bà Mette Møglestue, cho biết, cơ chế DRS áp dụng tại Na Uy giúp người tiêu dùng hoàn trả lại những vỏ chai nhựa sau khi sử dụng thay vì thải bỏ ra môi trường, từ đó giảm gánh nặng cho các bãi chôn lấp, nâng cao hiệu quả xử lý, tái chế bao bì đạt chuẩn.

“DRS đã được minh chứng là hệ thống tốt nhất, có thể thu gom tỷ lệ cao nhất các loại vỏ đồ uống. Mô hình DRS của Na Uy là một trong những mô hình DRS hiệu quả nhất trên thế giới”, Phó đại sứ Na Uy tại Hà Nội khẳng định.

Bên cạnh Na Uy, một số quốc gia châu Âu cũng đang ứng dụng rất hiệu quả mô hình DRS, có thể kể đến như Phần Lan đạt tỷ lệ 93% vỏ chai nhựa và lon nhôm được thu hồi nhờ vào các máy DRS đặt tại hầu hết cửa hàng, kiot bán đồ uống trên toàn quốc, hay việc thiết lập điểm thu hồi trực tiếp tại các cửa hàng tại Đức giúp nâng tỷ lệ thu gom, tái chế đạt mức 97 – 98%.

Với những ưu điểm trong thúc đẩy quay vòng vật liệu, DRS có thể sẽ phát huy hiệu quả cao tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp bao bì sẽ phải thực thi việc thu gom, tái chế bao bì theo tỷ lệ bắt buộc kể từ năm 2024, dựa trên công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Thực tế, mô hình DRS đã và đang được áp dụng tại Việt Nam một cách riêng lẻ, thông qua chương trình đặt cọc vỏ chai thủy tinh của một số doanh nghiệp bia và nước giải khát.

Mô hình DRS nhiều lần được đề xuất áp dụng rộng rãi, thậm chí từng được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tuy nhiên sau đó bị rút ra. Theo đại diện một số doanh nghiệp, DRS chưa phù hợp với hiện trạng Việt Nam do giá cọc bao bì có thể làm đội giá bán, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đề xuất, có thể áp dụng mô hình DRS rộng rãi đối với các loại bao bì cho giai đoạn tiếp theo của việc thực thi EPR, khi thu nhập bình quân cũng như ý thức của người tiêu dùng về phân loại, thu gom, tái chế rác thải được nâng cao.

Bên cạnh đó, trao đổi với TheLEADER, đại diện một số đơn vị tái chế cũng kỳ vọng thiết lập hệ thống DRS trong tương lai, trong trường hợp khu vực thu gom rác thải phi chính thức, bao gồm những người đồng nát, ve chai, vựa phế liệu ngày càng thu hẹp.

Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) là sáng kiến của Chính phủ Việt Nam để tạo ra một cơ chế quy tụ các nguồn lực từ cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, hướng tới một cách tiếp cận chung giải quyết ô nhiễm nhựa, đồng thời chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.