Nan giải tình huống tréo ngoe: Yêu cầu kinh nghiệm ở ứng viên mới ra trường

Hoàng Đông - 08:25, 23/05/2024

TheLEADERCó một thực trạng “dở khóc dở cười” là nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên ra trường phải có kinh nghiệm nhưng sinh viên không được tạo điều kiện để trau dồi kinh nghiệm khi đang còn trên ghế nhà trường.

Tính đến hết tháng 3/2022, trong hơn 51 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tỷ lệ có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt hơn 26%, tỷ lệ có trình độ đại học chỉ đạt hơn 11%, cho thấy một khoảng trống lớn trong nhu cầu lao động có tay nghề cũng như công nhân có kỹ thuật cao.

Giải pháp hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là rất quan trọng để giải quyết thực trạng này. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và đào tạo, mối liên kết này đang vấp phải rất nhiều rào cản.

Đầu tiên phải kể đến là quy định về bằng cấp, yêu cầu phải có bằng thạc sĩ mới được giảng dạy trình độ đại học, phải có bằng tiến sĩ mới được giảng dạy trình độ cao học. Điều này làm cản trở việc nhà trường mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến giảng dạy cho sinh viên, bởi lẽ chuyên gia ở doanh nghiệp có kiến thức thực tiễn phong phú nhưng chưa chắc đã có bằng cấp cao.

Bên cạnh đó, chi phí để mời giảng viên bên ngoài theo quy định của Nhà nước hiện đang ở mức rất thấp, trong khi nhà trường phải trả giá tiền không nhỏ để mời chuyên gia đến từ các doanh nghiệp lớn.

Ngoài việc mời chuyên gia từ doanh nghiệp về giảng dạy, nhiều trường đại học tổ chức liên kết để sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một số cơ sở giáo dục, sinh viên có thể được đào tạo bài bản về kiến thức nhưng lại yếu về kỹ năng, ngoại ngữ, khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Điều này xuất phát từ chính thực trạng nhiều trường còn lúng túng và bị động trong việc kết nối với doanh nghiệp để sinh viên và nhà khoa học có thể lắng nghe nhu cầu doanh nghiệp, từ đó trau dồi kỹ năng hoặc điều chỉnh hướng nghiên cứu.

Theo bà Ngọc, mối quan hệ liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp chủ yếu diễn ra theo kiểu “đường một chiều”, tức là doanh nghiệp tìm đến nhà trường chứ ít khi nhà trường chủ động tìm đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, xuất phát từ phía doanh nghiệp, công tác liên kết với nhà trường cũng còn hạn chế. Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhu cầu hợp tác cũng rất hạn chế.

Không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, đòi hỏi phải có lợi trước mắt thì mới tiến hành hợp tác chứ chưa nhận thức được lợi ích dài hạn của việc phát triển nguồn lao động chất lượng cao một cách bền vững.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp do e ngại bị lộ bí mật kinh doanh, bí quyết sản xuất nên rất dè dặt trong việc tiếp nhận tổ chức các hoạt động thực tế cho sinh viên trải nghiệm.

Doanh nghiệp cũng chưa hoạch định được nhu cầu sử dụng lao động và các vị trí việc làm cần thiết trong tương lai nên không có kế hoạch xây dựng nguồn lao động.

Những hạn chế xuất phát từ cả doanh nghiệp và nhà trường dẫn đến một thực trạng “dở khóc dở cười” là nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên ra trường phải có kinh nghiệm nhưng sinh viên không được tạo điều kiện để trau dồi kinh nghiệm khi đang còn trên ghế nhà trường.

Giải quyết những vấn đề nêu trên, theo bà Ngọc, cần thiết phải có chính sách cải thiện về thông tin, xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý, thông tin thị trường lao động, hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực tổ chức các chương trình tài trợ, khuyến khích các dự án nghiên cứu trên cơ sở giáo dục với doanh nghiệp.

Cần ban hành các tài liệu hướng dẫn nâng cao năng lực quản trị cho các trường đại học, hoàn thiện quy định về đại học tự chủ sáng nghiệp, mở quyền tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, hợp tác quốc tế cho các trường đại học, ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp trên cơ sở trường đại học.