Năng lực cạnh tranh mới của doanh nghiệp, quốc gia

Kiều Mai - 07:43, 24/08/2023

TheLEADERPhó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, khả năng thu hút các doanh nghiệp của một quốc gia không còn nằm ở lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, đất đai, mà đến từ sự hấp dẫn của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Nhiều thách thức bủa vây

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, thế giới đang đứng trước thời điểm lịch sử, chuyển từ nhận thức sang hành động tái cấu trúc mô hình phát triển phù hợp trong tương lai, trước những thách thức đã đến từng ngôi nhà.

Nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng kép do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và suy giảm tài nguyên nhiên nhiên. Các vấn đề về an ninh tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh môi trường đang trở thành thách thức lớn đối với triển vọng phát triển kinh tế của toàn cầu.

“Đây là thời điểm lịch sử chúng ta phải lựa chọn mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải. Đây không chỉ là chủ trương, quan điểm, tư duy cần hướng đến, mà chính là mô hình chính phủ, doanh nghiệp, người dân hành động”, ông Hà nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCSF) 2023.

Phó thủ tướng: Năng lực cạnh tranh mới của doanh nghiệp, của quốc gia
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCSF) 2023.

Theo đó, phục hồi xanh, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, và từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia.

Ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, và điều này sẽ được pháp lý hóa để đảm bảo nghĩa vụ thực thi.

Các tiêu chuẩn mới cũng dần định hình theo hướng gắn thương mại và đầu tư với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, lao động, môi trường, đặt ra những rào cản mà các doanh nghiệp phải vượt qua.

Năng lực cạnh tranh mới

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng nhận định, năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút các doanh nghiệp của mỗi quốc gia hiện nay không còn nằm ở lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đất đai, mà sẽ đến bằng sự hấp dẫn của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Đây là cơ hội cho những quốc gia nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhưng cũng là thách thức, rào cản không thể vượt qua đối với những ai chậm chân.

Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng theo ông Hà, đây là thời điểm, cơ hội để Việt Nam cùng hành động để thực hiện các mục tiêu toàn cầu.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ.

Về phía doanh nghiệp, chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam những cơ hội và thách thức đan xen.

Phó thủ tướng: Năng lực cạnh tranh mới của doanh nghiệp, của quốc gia 1
Theo ông Hà, bảo đảm an sinh cho người lao động của mỗi doanh nghiệp cũng là những biện pháp rất có ý nghĩa đối với phát triển bền vững, bao trùm. Ảnh: Nestle.

Không chỉ là cơ hội tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững của cộng đồng, về văn hóa, xã hội và môi trường, chuyển đổi xanh còn mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội dẫn đầu xu thế, như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới.

Phó thủ tướng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam triển khai những dự án chuyển đổi xanh quan trọng. Bởi nếu chậm chuyển đổi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật xanh, giảm phát thải, từ đó đối mặt với những thách thức lớn trong thâm nhập thị trường, đặc biệt là trong điều kiện 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Giải pháp chuyển đổi xanh

Ông Hà đánh giá, quá trình chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng, mà muốn thành công thì cần tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả, và thông minh hơn.

Trong vai trò kiến tạo, chính phủ cần bổ sung nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xác định nhu cầu đổi mới sáng tạo, đặc biệt nghiên cứu và phát triển (R&D), hình thành cơ chế tài chính xanh, thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, chính phủ cần xây dựng các quy định về mua sắm xanh, thực hiện lộ trình thay thế các nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm xanh, truy xuất dấu vết carbon.

Không chỉ vậy, chính phủ cũng cần tăng cường đầu tư hạ tầng đa mục tiêu kỹ thuật, công nghệ thông tin, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân.

Với doanh nghiệp, ông Hà cho rằng, trên cuộc đua hướng tới tương lai xanh rộng mở, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà đây là cơ hội theo mệnh lệnh của thị trường, với sự đồng hành của Chính phủ và đổi mới của các tổ chức tài chính.

Theo đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh, nhất là trong triển khai những dự án, chính sách thí điểm.

Bên cạnh đó, để đạt được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động R&D, nhân lực, quản trị thông minh trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Việc phát triển sản xuất, duy trì việc làm, cải thiện điều kiện lao động, thu nhập, tăng cường phúc lợi và bảo đảm an sinh cho người lao động của mỗi doanh nghiệp cũng là những biện pháp rất có ý nghĩa đối với phát triển bền vững, bao trùm, ông Hà khẳng định.