Nâng tầm du lịch Hà Nội nhờ tài sản trí tuệ

Hương Giang - 09:58, 28/11/2022

TheLEADERVới thế mạnh về cơ sở hạ tầng và bề dày lịch sử văn hóa, Hà Nội là mảnh đất rất tiềm năng trong phát triển du lịch. Và một trong những cách hiệu quả nhất để nâng tầm du lịch thủ đô đó là xây dựng và phát huy các tài sản trí tuệ.

Nâng tầm du lịch Hà Nội nhờ tài sản trí tuệ
Vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" - một trong những sản phẩm thu hút khách du lịch quốc tế của Hà Nội (Ảnh: Hưng Trần, Báo Hà Nội Mới)

Tài sản trí tuệ ngành du lịch

Tài sản trí tuệ là những tài sản được tạo ra nhờ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Mặc dù vô hình, đây là một tài sản giá trị cao, có khả năng sinh lợi.

Trong ngành du lịch, tài sản trí tuệ có thể là một thương hiệu điểm đến gắn với thằng cảnh tự nhiên hoặc công trình kiến trúc đặc trưng, những đặc sản gắn với khu vực địa lý cụ thể, những giá trị văn hóa phi vật thể.

Những tài sản trí tuệ gắn với du lịch địa phương sẽ tạo ra sự khác biệt, kích thích trí tò mò của khách du lịch, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho địa phương, tạo động lực cho người dân địa phương gìn giữ và phát triển các giá trị truyền thống.

Những địa danh đã trở thành thương hiệu điểm đến ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hầu hết được hình thành trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên và bề dày văn hóa – lịch sử. Vì thế, một trong những điều quan trọng nhất của mỗi địa phương khi xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ đó là cần tìm ra những điểm đặc trưng, lợi thế sáng tạo nổi bật của địa phương mình, tránh trùng lắp, gây nhàm chán cho khách du lịch.

Nhận thức được điều đó, các địa phương cần bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, các nguồn tài nguyên du lịch địa phương hợp lý.

Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển bền vững

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hiện nay, trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Thủ đô, khái niệm sở hữu trí tuệ còn nhiều điều mới lạ.

Tuy nhiên, tài sản trí tuệ đang dần trở thành yếu tố quan trọng, góp phần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Một sản phẩm du lịch hay một điểm đến du lịch muốn phát triển không chỉ cần được nhiều người biết đến, mà quan trọng hơn là có thể giữ chân du khách bằng sự tín nhiệm.

Ngoài cảm quan cá nhân của khách tham quan, hệ thống tiêu chí chất lượng và kiểm soát chất lượng của các loại tài sản trí tuệ cũng sẽ đưa đến sự tín nhiệm này trong lòng khách du khách.

Khai thác tài sản trí tuệ trong du lịch là hướng phát triển bền vững, giúp Thủ đô cũng như các địa phương khác gìn giữ được bản sắc văn hóa, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho chính địa phương đó.

Với những điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và bề dày lịch sử văn hóa của thủ đô, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Thực trạng quản lý tài sản trí tuệ ngành du lịch Hà Nội

Tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn TP. Hà Nội có tất cả 3.725 cơ sở lưu trú, với 70.011 phòng; trong đó có 591 cơ sở lưu trú đã xếp hạng sao với 24.515 phòng; có 1.045 DN lữ hành quốc tế; 5.998 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ; 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Việc cung cấp các dịch vụ công cộng như mạng wifi miễn phí, hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch được quan tâm triển khai nhiều nơi trên địa bàn TP. Hà Nội.

Để phát huy giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy cho rằng, Hà Nội cần phải ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có khả năng tham gia vào chuỗi du lịch và có tính liên kết với cộng đồng địa phương.

Theo ông, Hà Nội nên xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch thủ đô với bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng. Ngoài ra, Hà Nội cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thểnhãn hiệu chứng nhậnchỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm của các địa phương.

Đặc biệt, Hà Nội cần chú trọng uy tín, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần có những chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.

Nếu được sử dụng một cách chiến lược, những tài sản trí tuệ này sẽ là công cụ hữu hiệu để tiếp thị tập thể, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của địa phương.

Hiện nay, một số địa phương ở Hà Nội như huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Oai, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây... đã phối hợp với các đơn vị chức năng đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận du lịch địa phương cho các sản phẩm/ dịch vụ du lịch.

Nâng tầm du lịch Hà Nội nhờ tài sản trí tuệ
"Bưởi Thạch Thất" là một trong những nhãn hiệu chứng nhận được cấp năm 2022 tại Hà Nội (Ảnh: Liên minh HTX Việt Nam)

Đây là một trong những nội dung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Theo đó, chỉ tiêu của Hà Nội đó là có tỷ lệ các sản phẩm, dịch vụ (du lịch, tài chính…) chủ lực đạt lần lượt là 40% và 60% trong năm 2025 và năm 2030. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của thành phố cũng được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong giai đoạn 2019 - 2020, Sở đã triển khai hỗ trợ 18 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 4 nhãn hiệu tập thể được nâng cao năng lực và phát triển.

Trong giai đoạn này, các sản phẩm còn được trang bị đầy đủ hệ thống văn bản quản lý và các phương tiện, công cụ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến công chúng.

Nhờ đó, ngay sau khi được bảo hộ, các sản phẩm đã được quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có mặt tại một số cửa hàng, siêu thị... giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, tạo được uy tín nhất định với nguồn gốc rõ ràng và bao bì đẹp, bắt mắt.

Tiếp nối thành công, giai đoạn 2022 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã và sẽ tiếp nhận gần 60 đề xuất hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mang địa danh của thành phố.

Hiện có 23 sản phẩm được xác định triển khai đăng ký trong năm 2023 và 36 sản phẩm chuẩn bị được xây dựng nội dung để chờ phê duyệt danh mục.