Ngân hàng bị ảnh hưởng ra sao khi NHNN siết đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Trần Anh - 17:42, 22/11/2021

TheLEADERThông tư 16 mới ban hành hạn chế chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp và khuyến khích các ngân hàng thực hiện chiến lược mua và nắm giữ đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư 16 quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/1/2022.

Điểm nhấn của Thông tư 16 tập trung vào 3 điểm chính đó là quy định các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích để tái cơ cấu nợ, góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác hoặc tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành; các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng và các ngân hàng không được chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con của mình.

Nhìn chung, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định những quy định mới không tác động nhiều tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi các ngân hàng từ lâu đã không tham gia vào hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ, cũng như việc mua và bán lại trái phiếu doanh nghiệp để ghi lợi nhuận đã bị cấm bởi các quy định trước đó.

Điểm tác động lớn nhất, theo VCSC đó là Thông tư 16 hạn chế chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp và khuyến khích các ngân hàng thực hiện chiến lược mua và nắm giữ đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hệ quả sẽ là việc giảm lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường liên ngân hàng.

Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của các ngân hàng từ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thống kê quý 3 vừa qua cho thấy, rất nhiều ngân hàng báo lãi lớn từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư – trong đó chủ yếu mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm TPBank ghi nhận 1.462 tỷ đồng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư, tăng 156% so với cùng kỳ và đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Đến cuối tháng 9/2021, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của TPBank đạt trên 53.800 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với đầu năm, trong đó, khoảng 25% là trái phiếu doanh nghiệp.

Hay tại OCB, trong quý 3, mảng chứng khoán đầu tư đã mang về khoản lãi hơn 463 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 78 tỷ đồng. Lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Tương tự với Techcombank, trong quý 3 vừa qua, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng 9 tháng tăng 14,1% so với đầu năm, chủ yếu nhờ vào trái phiếu doanh nghiệp và cho vay mua nhà. So với đầu năm, dư nợ trái phiếu đã tăng từ 30.396 tỷ đồng lên 54.445 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp mang về lợi nhuận lớn cho Techcombank trong quý 3 khi ngân hàng ghi nhận thu nhập từ chứng khoán đầu tư đạt 1.472 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cùng với Techcombank, công ty con của ngân hàng này là TCBS cũng thu lợi lớn từ hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp. TCBS là đơn vị có thị phần dẫn đầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong 9 tháng trong năm nay, công ty ghi lãi bán hơn 1.000 tỷ đồng từ bán trái phiếu doanh nghiệp. 

Một số thương vụ lớn mang về cho TCBS hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận như thương vụ bán trái phiếu của Công ty Đầu tư Golden Hill diễn ra trong quý 2. Tổng giá trị bán ra của đợt trái phiếu này đạt hơn 10.000 tỷ đồng, giúp TCBS thu về lợi nhuận gần 220 tỷ đồng.

Các lô trái phiếu khác mang về lợi nhuận lớn cho TCBS trong 9 tháng đầu năm do các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp liên quan phát hành như Masan Group, NovaLand, Vingroup...