Ngân hàng Thế giới: Khu vực dịch vụ Việt Nam đi sau nhiều quốc gia

Phương Anh - 17:40, 27/05/2023

TheLEADERMặc dù dịch vụ đã có những đóng góp nhất định, nhưng kết quả đạt được của khu vực này tại Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia so sánh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Khu vực dịch vụ 'đi sau'

Cụ thể, năng suất và việc làm trong khu vực dịch vụ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, các quốc gia có cơ cấu tương đồng và phát triển hơn.

Mặc dù tăng tới hơn 34% trong giai đoạn 2011 – 2019, năng suất lao động trong khu vực dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) chỉ tương đương với Bangladesh, và còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia so sánh khác.

Đến năm 2019, tỷ trọng việc làm trong các ngành dịch vụ ở Việt Nam chỉ cao hơn so với Ấn Độ và Lào.

Ngân hàng Thế giới: Khu vực dịch vụ Việt Nam đi sau nhiều quốc gia
Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo điểm lại mới nhất về Việt Nam, khu vực dịch vụ bao gồm nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, có sự khác biệt về mức độ tham gia thương mại, mức độ thâm dụng lao động, kỹ năng được sử dụng, cũng như mức độ kết nối của dịch vụ với các ngành, lĩnh vực khác.

Điều này tạo ra các loại hình dịch vụ khác nhau, bao gồm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu (bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp); các dịch vụ trong nước đòi hỏi kỹ năng thấp (như quản lý hành chính, bán lẻ, dịch vụ cho cá nhân); các dịch vụ đòi hỏi kỹ năng thấp có thể tham gia thương mại (bao gồm dịch vụ lưu trú, vận tải và bán buôn); và các dịch vụ xã hội thâm dụng kỹ năng (y tế và giáo dục).

Đáng chú ý, tại Việt Nam, tỷ trọng việc làm trong các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu trên tổng việc làm còn thấp.

Cụ thể, chỉ có 6,4% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của Việt Nam tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Tỷ trọng như vậy tương đương với Philippines, nhưng thấp hơn so với Ai Cập – quốc gia có mức thu nhập tương đương Việt Nam. Trong khi đó, các nền kinh tế thu nhập cao hơn như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mexico và Thái Lan đều có tỷ lệ việc làm cao trong nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Đó là những việc làm đóng góp nhiều nhất cho năng suất lao động, cũng như đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế, so với nhiều việc làm dịch vụ khác.

Ngân hàng Thế giới: Khu vực dịch vụ Việt Nam đi sau nhiều quốc gia 1
Tỷ trọng việc làm trong khu vực dịch vụ theo kỹ năng và khả năng tham gia thương mại. Nguồn: NHTG.

Không chỉ vậy, tỷ trọng việc làm trong các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn (khoảng 5%), nếu tính theo GDP trên đầu người, đạt thứ hạng thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia so sánh.

Hơn nữa, trong tổng việc làm ở khu vực dịch vụ của Việt Nam, chỉ có 1,8% tham gia các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp, chiếm tỷ trọng thấp khi so với các quốc gia phát triển hơn và thu nhập cao hơn.

Do có tỷ trọng việc làm còn thấp, đóng góp của các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu cho kim ngạch xuất khẩu dịch vụ cũng ở mức thấp. Tại Việt Nam, các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu chỉ đóng góp 9% vào tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, thấp hơn nhiều so với hầu hết quốc gia khác trong khu vực, Ngân hàng Thế giới cho biết thêm.

Giải pháp nâng cao năng suất

Theo Ngân hàng Thế giới, mở rộng quy mô, đổi mới sáng tạo, và đảm bảo tác động lan tỏa liên ngành, là cách để nâng cao năng suất của khu vực dịch vụ và của các ngành, lĩnh vực liên quan.

Bên cạnh đó, công nghệ số sẽ tạo cơ hội để mở rộng quy mô và đổi mới sáng tạo trong khu vực dịch vụ, đẩy mạnh kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, qua đó, nâng cao đóng góp của khu vực dịch vụ cho tăng trưởng tại Việt Nam.

Về chính sách, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, có bốn phương diện chính sách có thể đóng vai trò thiết yếu nhằm tạo điều kiện phát triển dịch vụ, bao gồm thương mại và đầu tư; đào tạo; cạnh tranh công nghệ; và mục tiêu về tác động lan tỏa.

Ngân hàng Thế giới: Khu vực dịch vụ Việt Nam đi sau nhiều quốc gia 2
Tỷ trọng các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu được dùng làm đầu vào trong nước ở các lĩnh vực chế tạo chế biến, 2018. Nguồn: NHTG.

Trên phương diện về công nghệ, Việt Nam đạt kết quả trên trung bình so với các quốc gia tương đương, nhưng đạt điểm thấp hơn trung bình trong ba phương diện còn lại.

Điều này cho thấy ưu tiên chính sách có lẽ cần chú trọng trước hết nhằm cải thiện năng lực của doanh nghiệp và người lao động (phương diện đào tạo), tăng cường kết nối giữa các lĩnh vực dịch vụ với các ngành, lĩnh vực khác (phương diện về mục tiêu lan toả), và giảm rào cản pháp quy đối với thương mại qua biên giới (phương diện về thương mại).

Đơn cử, về vấn đề thương mại dịch vụ, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận công nghệ, mạng lưới, con người, hàng hóa và dịch vụ lưu trữ tri thức khắp thế giới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể cần các thị trường thương mại dịch vụ có độ mở hơn cũng như những cải cách, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ bao trùm toàn bộ nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ của Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản thương mại, so với các quốc gia tương đồng, trong cùng khu vực và phát triển hơn. Nghiên cứu cho thấy Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI – do OECD công bố năm 2021) của Việt Nam cao hơn so với mức bình quân của OECD, và tương đối cao so với hầu hết các quốc gia trong mẫu STRI.

Chỉ số này tập trung vào năm hình thức hạn chế thương mại dịch vụ, bao gồm sự gia nhập của nhà đầu tư nước ngoài; khả năng dịch chuyển của người dân; sự minh bạch trong các quy định; rào cản cạnh tranh; và các biện pháp phân biệt đối xử khác.