Ngành du lịch 'bốc hơi' 7 tỷ USD do dịch Covid-19

An Chi - 07:30, 04/03/2020

TheLEADERNgành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.

Ngành du lịch 'bốc hơi' 7 tỷ USD do dịch Covid-19
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm hai con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Theo ông Dũng, trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp với tình hình cúm gia cầm H5N1, H5N6, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến. 

Trước khó khăn, thiệt hại nặng nề của các cá nhân, doanh nghiệp bởi dịch, đã có 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỷ đồng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đến ngày 20/2, so với cùng kỳ năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06%, huy động vốn tăng tăng 14,15%. 

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ.

Bên cạnh đó những khó khăn, theo ông Dũng, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng. Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,91%, tuy thấp hơn so với tháng trước (6,43%) nhưng vẫn còn ở mức cao.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá. Chỉ số IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các nhóm giải pháp gồm: Vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phụ hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.