Câu nói của người cha là động lực để Nguyễn Thế Dinh, Chủ tịch MediGroup kiêm Tổng giám đốc MediHub, kiên trì với việc tạo hệ sinh thái y tế kỹ thuật số trong 5 năm qua.
Một năm Covid-19 đi qua đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao, Medihub của anh có bị ảnh hưởng nghiêm trọng không?
Anh Nguyễn Thế Dinh: Một trong những kênh chính của Medihub là hệ thống màn hình số tại các bệnh viện nhằm góp phần cung cấp thông tin y tế chính thống cho người bệnh, người dân và kết nối họ với các bệnh viện cũng như nhân viên y tế.
Trong giai đoạn dịch bệnh, số lượng bệnh nhân đến các bệnh viện giảm từ 30-60% nên hoạt động kinh doanh của chúng tôi không thể không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong khó khăn lại tạo ra cơ hội. Việc giãn cách và tránh tụ tập lại tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển nhanh các chương trình số hóa trong hệ sinh thái y tế.
Anh có thể giải thích rõ hơn về hệ sinh thái công nghệ y tế mà anh đang theo đuổi không?
Anh Nguyễn Thế Dinh: Một cách tổng quát, ngành y tế bao gồm các cơ quan quản lý y tế, cơ sở đào tạo y dược, cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng…), doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân. Tại Việt Nam chúng ta thấy việc kết nối giữa các nhóm chủ thể này vẫn chưa chặt chẽ và hiệu quả, từ đó vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực y tế.
Chẳng hạn như tình trạng bệnh nhân xếp hàng nhiều giờ tại các bệnh viện lớn, bệnh nhân chưa hài lòng với chất lượng bệnh viện, thiếu thông tin chăm sóc sức khỏe chính thống, tỷ lệ kháng kháng sinh đứng đầu thế giới, cộng đồng bác sĩ và dược sĩ chưa được kết nối thường xuyên…
Vì vậy, chúng tôi đã bắt tay xây dựng hệ sinh thái công nghệ y tế MediHub, nhằm kết nối các chủ thể của ngành y tế với người dân trên nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử, tham gia vào chuyển đổi số và từng bước cải thiện các vấn đề của ngành.
Hẳn sẽ có rất nhiều người nghi ngờ cách làm của anh, vì ngay cả Bộ Y tế cũng rất “đau đầu” với các vấn đề của ngành. Chẳng hạn như để giải quyết tình trạng bán thuốc kháng sinh không kiểm soát, Bộ Y tế đã đưa ra quy định về tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, nhưng vẫn chưa khả thi…
Anh Nguyễn Thế Dinh: Việc kiểm soát kê đơn thuốc rất khó, vì nó phụ thuộc vào ý thức của người bán thuốc, hơn nữa, lại không thể kiểm soát được thuốc tồn kho. Cách tôi làm là nâng cao trình độ của người bán thuốc. Người kinh doanh nào cũng muốn có lợi nhuận, dược sĩ bán thuốc cũng thường có xu hướng chọn bán những loại thuốc có chiếc khấu cao, hoặc bán kèm các loại thuốc tưởng chừng ít có hại, như vitamin tổng hợp…
Chỉ khi họ được nâng cao trình độ, để biết kháng sinh chỉ nên sử dụng đúng liều, đúng lúc hay vitamin không phải sử dụng càng nhiều càng tốt, thì họ sẽ biết điều chỉnh cán cân giữa lợi nhuận và đạo đức kinh doanh.
Lương của dược sĩ bán thuốc trung bình chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, lại phải làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, thời gian và chi phí đâu mà đi học để nâng cao trình độ?
Nguyễn Thế Dinh: Đúng vậy, tôi đã từng nhiều năm làm việc cho công ty dược, nên hiểu rõ điều này. Vì thế tôi mới tạo ra mạng xã hội dành cho dược sĩ và cộng đồng nhà thuốc PharmaCom, để họ có thể học bất cứ lúc nào. Đây là nơi dược sĩ cập nhật kiến thức trực tuyến, được cấp chứng nhận, tham khảo tư vấn từ chuyên gia, chia sẻ, tương tác cùng đồng nghiệp, và họ cũng có thể tìm kiếm việc làm ngành dược.
Sự phát triển của công nghệ đã giúp cho việc học tập trực tuyến trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Chúng ta có thể theo dõi xem bao nhiêu người đã học một bài học nào đó, có bài kiểm tra trước học và sau học, lại có thể khảo sát xem người ta học có hiệu quả không, làm thế nào để cải thiện chất lượng bài học…
Có cộng đồng này thì chủ nhà thuốc cũng không cần mất thời gian tiếp trình dược viên mà có thể chủ động tìm hiểu về sản phẩm và đặt mua hàng trực tuyến. Việc tiếp thị thuốc của trình dược viên vốn rất mất thời gian và nhàm chán. Các chủ nhà thuốc thay vì phải ngồi nghe trình dược viên thuyết trình về thuốc thì nay có thể xem các thông tin thuốc được chuyển tải một cách thú vị bằng câu chuyện, hình ảnh hấp dẫn.
Có thể xem đây là một sàn giao dịch thuốc không?
Anh Nguyễn Thế Dinh: Đây không phải một sàn giao dịch mà là một trang thương mại điện tử nơi tất cả các nhà cung cấp đều được kiểm duyệt về giấy phép, chất lượng trước khi được bán ra nhằm kiểm soát việc bán thuốc không rõ nguồn gốc và kém chất lượng. Bên cạnh đó chúng tôi còn góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất và phân phối. Vì phần lớn các nhà sản xuất dược phẩm quy mô vừa và nhỏ đang phải phụ thuộc vào nhiều tầng phân phối trung gian. Nhà sản xuất không thể kiểm soát được lượng tiêu thụ thực tế và giá thuốc của mình trên thị trường, nên sẽ bị động trong sản xuất.
Chúng tôi giúp các nhà sản xuất đưa thuốc đến tận tay hàng chục ngàn nhà thuốc là thành viên của PharmaCom, đồng thời phân tích hành vi mua hàng và số liệu tiêu thụ thực tế để giúp nhà sản xuất vừa tiết kiệm được chi phí phân phối vừa cải thiện chuỗi cung ứng tốt hơn, giúp cải thiện chỉ số kinh doanh và lợi nhuận.
Anh có nói về mô hình “số hóa truyền thông y tế”, mô hình này triển khai đến đâu trong 5 năm qua?
Anh Nguyễn Thế Dinh: Từ những ngày đầu phải đến từng bệnh viện, thuyết phục từng người đứng đầu thì nay, mô hình “số hóa truyền thông y tế” đã nhận được sự hợp tác của 40 bệnh viện hàng đầu tại 9 tỉnh thành phố lớn, tiếp cận gần 3,5 triệu người mỗi tháng. Bây giờ, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin chính thống về bệnh viện cũng như các bệnh lý bằng cách truy cập trang web của bệnh viện hoặc cổng thông tin Medihub.vn.
Khi đã đến bệnh viện, người dân sẽ được tiếp cận nhanh chóng các quy định, hướng dẫn khám chữa bệnh và những thông tin chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh qua hệ thống trạm chỉ đường thông minh, màn hình truyền thông giáo dục sức khỏe và lướt web trên điện thoại bằng M-wiFi. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển các chức năng công nghệ, để trong thời gian tới, bệnh nhân có thể đặt lịch khám bệnh, tham gia các buổi hội thảo trực tuyến, đặt câu hỏi, gọi điện cho bác sĩ trên MediHub.vn.
Về phía nhân viên y tế, các bác sĩ, điều dưỡng cũng được học tập, kết nối với nhau trong một ứng dụng di động tên là MDCom. Từ trước đến nay, sinh hoạt chuyên môn “truyền thống” của bác sĩ là hội thảo, các khóa đào tạo… thường diễn ra với số lượng rất khiêm tốn và gần như 100% diễn ra tập trung, tốn kém chi phí tổ chức, thời gian học và thiếu sự gắn kết liên tục.
Chúng tôi đã tạo ra cộng đồng này để thường xuyên cập nhật các tin tức chuyên ngành, xây dựng cộng đồng và các diễn đàn chuyên khoa, tổ chức hội thảo với nhiều tính năng trực tuyến… Chúng tôi còn phối hợp với các đơn vị đào tạo chuyên môn là các trường đại học, các hội chuyên ngành y khoa trên toàn quốc để tổ chức các khóa đào tạo y khoa liên tục (CME) trực tuyến có cấp chứng nhận giá trị toàn quốc cho người học.
Làm sao để thuyết phục được những giáo sư, bác sĩ đầu ngành lớn tuổi tham gia đào tạo online, khi họ đã quen với các buổi hội thảo, giảng dạy trực tiếp?
Anh Nguyễn Thế Dinh: Chúng ta đừng xem thường khả năng tiếp cận công nghệ mới của người lớn tuổi. Như cha tôi, ở tuổi 70, ông vẫn thường xuyên ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy cho sinh viên và bác sĩ. Tôi nghĩ những giáo sư, bác sĩ đầu ngành không khó ứng dụng công nghệ hay tham gia đào tạo online, vấn đề là họ có mở lòng để làm việc đó hay không. Tôi đã thuyết phục được không ít thầy cô, một phần cũng nhờ xu hướng dịch chuyển từ offline qua online trong một năm đại dịch.
Rõ ràng, so với cách dạy truyền thống, thì các bài giảng tích hợp số liệu, hình ảnh, âm thanh minh họa sẽ hấp dẫn hơn nhiều mà lại tiết kiệm rất nhiều chi phí vì chúng ta có thể sản xuất bài học một lần.
Ví dụ, trước đây một buổi hội thảo chỉ có thể tổ chức tối đa cho 500 người, thì nay một khóa học có thể tổ chức cho hàng ngàn bác sĩ với chi phí chỉ bằng 35%, và thuận tiện hơn là các bác sĩ có thể học nhiều lần, đồng thời có thể trao đổi với chuyên gia và trao đổi với nhau một cách dễ dàng và thuận tiện sau buổi học… Mặt khác, khi các bác sĩ lâm sàng với các chuyên khoa khác nhau nhưng “gặp nhau” trên cùng một cộng đồng, thì sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm chéo, nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho người dân.
Anh là một người học và làm về kinh doanh, nhưng lại hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực y tế vậy?
Anh Nguyễn Thế Dinh: Tôi trước khi khởi nghiệp Medihub cũng từng làm việc tại các tập đoàn dinh dưỡng và dược phẩm trong 15 năm và có cơ hội trải qua các công việc quản lý sâu trong ngành. Bên cạnh đó, tôi may mắn khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống y tế, có cha mẹ đều là những người cống hiến cả đời mình cho nghề y và y đức.
Từ khi tôi là một đứa trẻ đến khi lớn lên, tôi đã được theo cha mẹ vào bệnh viện, thấy cha mẹ khám chữa bệnh cho người dân tại phòng khám nhà từ năm tôi 4 tuổi cho đến nay đã 38 năm. Tôi cũng học hỏi tư duy chiến lược và lãnh đạo từ cha tôi vì ông từng là lãnh đạo ngành y tế TP.HCM. Tôi có được ngày hôm nay có lẽ là nhờ tâm và đức của cha mẹ tôi, cùng với câu nói của cha là: “Nhất thế y, tam thế suy” (làm nghề y mà không có đức, thì một đời giàu ba đời suy).
Từ đó tôi tâm niệm luôn phải giữ cân bằng giữa “chuyên môn – đạo đức – kinh doanh”. Dù việc kinh doanh nào cũng phải quan tâm đến lợi nhuận để tồn tại, nhưng làm doanh nghiệp mà có thể giúp cho cộng đồng khỏe mạnh hơn, đời sống của người dân tốt hơn thì tôi mới thấy cuộc sống, công việc của mình có giá trị.
Shark Dzung Nguyễn - nhà đồng sáng lập Do Ventures từng chia sẻ, dù đang có khá nhiều doanh nghiệp đang khai thác thị trường y tế, song họ đều đang ở trong giai đoạn sơ khai nên tiềm năng của lĩnh vực này còn rất lớn.
Do thiếu chuẩn đồng bộ, thiếu hệ thống lưu trữ thống nhất, nên nguồn dữ liệu y tế quý giá vẫn nằm chủ yếu dưới dạng phi cấu trúc, phi tập trung và hầu như chưa được khai thác hiệu quả để cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe.
TS. Huỳnh Phước Thọ, đồng sáng lập eDoctor cho biết các dịch vụ phân tích gen di truyền của DNA Medical sẽ được eDoctor chọn làm dịch vụ lõi để cung cấp cho khách hàng các thông tin di truyền trong hồ sơ sức khỏe.
Các doanh nghiệp ngành dược, thiết bị y tế tại Việt Nam được khuyến nghị cần áp dụng các giải pháp phi tài chính phù hợp với mong đợi của người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ tầm vi mô đến vĩ mô.
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.