Người mua nhà mắc kẹt với khoản vay lãi suất cao

An Chi - 13:00, 30/03/2023

TheLEADERXu hướng tăng mạnh lãi suất từ cuối năm 2022, trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như đóng băng đang đẩy nhiều người mua nhà, biệt thự vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Vòng xoáy lãi suất tăng cao

Những khách hàng, nhà đầu tư xuống tiền mua bất động sản giai đoạn thị trường bất động sản sôi động năm 2021, đầu năm 2022 đang như "ngồi trên đống lửa" khi thời gian ưu đãi lãi suất của chủ đầu tư đã hết hạn, nhiều dự án dừng hỗ trợ lãi suất do doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, trong khi lãi suất lãi ngân hàng đã tăng cao đáng kể so với hơn 1 năm trước.

Vay 500 triệu đồng mua nhà, chị Nguyễn Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) phải trả mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên là 10%/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, khi hết thời hạn ưu đãi lãi suất từ chủ đầu tư, khoản vay của chị đã phải chịu lãi suất thả nổi lên tới 14,4%/năm, chưa tính nợ gốc phải trả, số tiền lãi hàng tháng đã tăng gấp rưỡi so với trước đó, từ 5 triệu đồng/tháng tiền lãi vay, tăng lên hơn 7 triệu đồng.

Đây là số tiền tăng thêm không nhỏ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu thu chi của gia đình. Vị khách hàng này chia sẻ rằng, nếu một vài tháng tới, lãi suất không giảm, chị buộc phải nghĩ đến phương án bán nhà để trả nợ ngân hàng.

Không chỉ chị Thương, nhiều khách hàng cũng đang chật vật trước bài toán lãi suất tăng nhanh từ cuối năm 2022. Với các nhà đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng, thường có khoản vay lớn, họ thậm chí còn rơi vào "bế tắc" hơn gấp nhiều lần khi lãi suất tăng mạnh trong bối cảnh dự án không có thanh khoản. 

Anh Hòa (Hà Đông, Hà Nội) mua căn biệt thự 12 tỷ đồng tại Đồng Nai hồi cuối năm 2021 từ một chủ đầu tư địa ốc lớn tại TP. HCM, đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi khoản vay 7 tỷ đồng, tương ứng với 60% giá trị bất động sản bị chủ đầu tư đột ngột dừng ưu đãi lãi suất 9%/năm trong vòng 24 tháng.

Theo cam kết của chủ đầu tư, khách hàng tự trả lãi trước, đến khi bàn giao nhà hoặc giao sổ hồng, doanh nghiệp sẽ hoàn lại số lãi này. Tuy nhiên, vị khách hàng này cho rằng, anh đã mất niềm tin vào cam kết của doanh nghiệp sau khi liên tục công bố chậm trả gốc và lãi một loạt lô trái phiếu. Dự án cũng đã dừng xây dựng từ cuối năm ngoái, chưa biết khi nào được hoàn thiện.

Khi mua biệt thự của dự án này lúc thị trường đang sốt nóng, anh Hòa kỳ vọng sẽ có thể "lướt sóng" trong vòng 6 tháng đến 1 năm để thu về lợi nhuận. Tuy nhiên, sau đó không lâu, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ giữa năm 2022 đã khiến mọi kế hoạch tài chính của anh và nhà đầu tư đổ bể. 

"Việc trả lãi ngân hàng lên đến 15% cho khoản vay quá lớn, là quá sức đối với thu nhập của gia đình. Trong khi đó, bán cắt lỗ cũng không có ai mua vì thị trường đóng băng thanh khoản, doanh nghiệp chủ đầu tư gặp khó khăn, khách hàng mất niềm tin vào thị trường", vị khách hàng này chia sẻ.

Sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo tài sản?

Thực tế, không chỉ những khách hàng hết thời gian ưu đãi lãi suất hoặc bị dừng ưu đãi lãi suất từ chủ đầu tư, mà hầu hết người mua bất động sản hiện nay đều đang phải chịu mức lãi suất cao hơn do mặt bằng lãi suất tiết kiếm tăng. Từ mức lãi suất 9-10%/năm giữa năm 2022, hiện nay nhiều người vay mua nhà được ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay lên 14-15%/năm. 

Nguyên nhân là đa số các ngân hàng cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm đầu tiên, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Đáng chú ý, từ tháng 2/2023, các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho biết hàng loạt ngân hàng có tín hiệu giảm lãi suất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người mua nhà cho biết, họ vẫn chưa thấy thông báo về việc giảm lãi suất cho khoản vay. 

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing cho rằng, nếu tình hình này kéo dài đến hết quý II/2023, lãi suất không có xu hướng giảm rõ rệt, thị trường bất động sản sẽ có sự biến động rất lớn do nhiều khách hàng, nhà đầu tư không thể xoay sở được với mức lãi suất thả nổi lên đến 14 - 15%/năm, buộc phải cắt lỗ.

Không ít nhà đầu tư sẽ rơi vào "khủng hoảng tâm lý", buộc phải bán tháo tài sản vì không có giải pháp cho bài toán dòng tiền. Tuy nhiên, vấn đề là bán bất động sản cho ai khi thị trường đang gần như đóng băng thanh khoản?, ông Trung nhìn nhận và cho rằng, thị trường sẽ chứng kiến cuộc chạy đua xuống đáy giữa bên bán và bên mua, làn sóng cắt lỗ sâu xuất hiện, giá nhà đất sẽ giảm mạnh để kích thích lực cầu.

Đây chính là quá trình thanh lọc thị trường bất động sản. Bên cạnh những rủi ro, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ là cơ hội rất lớn của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không sử dụng quá nhiều dòng vốn vay từ ngân hàng. 

Mặt khác, điều này cũng để lại bài học cho các nhà đầu tư. Trước khi lựa chọn vay ngân hàng mua tài sản là đất hoặc nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thu xếp được dòng tiền, buộc phải cắt lỗ tài sản. 

Ông Trung cho rằng, các nhà đầu tư cần tránh tâm lý "tham" kỳ vọng quá cao vào khoản bất đầu tư. Thay vào đó, khách hàng nên lựa chọn an toàn, đầu tư dài hạn và không sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính.