Người tiêu dùng đối mặt với nhiều "cú sốc" lớn do Covid-19

Việt Hưng - 14:40, 26/11/2021

TheLEADERTheo Adsota, người tiêu dùng đang tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và cắt giảm chi tiêu cho việc đi lại và du lịch. Đồng thời, mua sắm trực tuyến và mua sắm C2C đang trở nên phổ biến.

Tâm lý người tiêu dùng không còn như trước

Khác với năm ngoái, người tiêu dùng trong nước phải đối mặt với nhiều "cú sốc" lớn không chỉ về tài chính mà còn cả tinh thần. Mất việc làm, mất kết nối gia đình do Covid-19,... tất cả tạo nên một môi trường tâm lý tiêu cực, tác động đến việc thay đổi suy nghĩ và hành vi mua sắm.

Trong ấn phẩm: "Tái kết nối với khách hàng mùa lễ hội 2021 - 2022", Adsota dự đoán, về tâm lý, cảm giác hưởng thụ khi mua sắm của khách hàng trong năm nay sẽ không còn như trước. Thay vào đó, một loạt tâm lý mới nảy sinh như tâm lý phòng thủ, tiết kiệm, tích trữ hàng hóa, hoặc mua sắm "bất chấp" và "tự thưởng".

Những tâm lý này đều xuất phát từ nỗi lo lắng về tương lai bất ổn và khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, hành vi mua sắm giờ đây cũng ghi nhận những chuyển biến lớn.

Ví dụ người tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và cắt giảm chi tiêu cho việc đi lại và du lịch. Đồng thời, mua sắm trực tuyến và mua sắm C2C đang trở nên phổ biến.

Ngoài ra, cách người tiêu dùng tiếp cận các điểm chạm digital cũng có nhiều nét mới. Trong bối cảnh lối sống "online" ngày càng thịnh hành, tỷ lệ người sử dụng mạng cùng lúc 3 - 4 mạng xã hội tăng mạnh từ 10 - 13%, chủ yếu là nhóm Gen Y và Gen X. 

Điều này đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các dạng nội dung trên nền tảng số. Tiêu biểu nhất là Gaming và Video trực tuyến. Đây được xem là 2 hình thức nội dung được người dùng ưa chuộng nhất bởi khả năng tương tác và kết nối với người khác trong thời gian thực với chi phí rất tiết kiệm.

Người tiêu dùng đối mặt với nhiều "cú sốc" lớn do Covid-19
Những thông điệp truyền thông dịp lễ, Tết 2020 - 2021

Đường đến trái tim khách hàng mùa lễ hội 2021 - 2022

Mùa lễ hội từ lâu đã luôn là "sân khấu" sáng tạo giữa các thương hiệu trong việc thu hút và chinh phục túi tiền của khách hàng.

Tuy nhiên, đứng trước insight mới năm nay, khi người tiêu dùng cần sự sẻ chia và thấu cảm, kết nối nhiều hơn, nhãn hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược sáng tạo để không chỉ trở nên nổi bật, mà còn chiếm trọn "trái tim" người tiêu dùng.

Một số thông điệp mùa lễ hội được các nhãn hàng áp dụng năm ngoái tới nay vẫn hiệu quả như Homing (Về nhà), Appreciation (Sự biết ơn), New Beginning (Khởi đầu mới) và Celebration (Ăn mừng).

Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng năm nay có nhiều sự thay đổi. Họ mong muốn được "vỗ về", sẻ chia đồng thời cũng hy vọng về một tương lai tươi sáng, lạc quan.

Vì vậy, doanh nghiệp có thể triển khai các thông điệp mang tính gắn kết như "Kết nối", "Sum họp", "Gắn kết yêu thương", "Sẻ chia", hay những thông điệp tích cực như "Tái sinh", "Sức sống mới".

Ngoài ra, để nổi bật trong mắt người tiêu dùng năm nay, cách thức truyền tải thông điệp cũng cần mới lạ, hấp dẫn. Thời gian qua, Gaming và Video trực tuyến được xem là 2 dạng nội dung được người dân ưa chuộng nhất.

Vì vậy, việc ứng dụng 2 hình thức mới mẻ này trong việc truyền tải nội dung thông điệp sẽ giúp nhãn hàng lan tỏa chúng dễ dàng, đồng thời khác biệt với hàng loạt thương hiệu đang "chen chúc" hiện diện trên nền tảng số.

Cụ thể, đối với nội dung Video trực tuyến, nhãn hàng có thể tập trung sản xuất video ngắn/dài, Webinar hay Livestream trực tuyến để khơi gợi và kích thích tương tác của khách hàng trong thời gian thực.

Còn đối với nội dung Gaming, dạng nội dung sở hữu người theo dõi chủ yếu là giới trẻ, nhãn hàng có thể kết hợp cùng Gaming Influencer trong các chiến dịch truyền thông nhằm phủ sóng tới nhóm đối tượng này hiệu quả, từ đó tạo ra tỷ lệ chuyển đổi tốt với sản phẩm/dịch vụ trong mùa lễ hội tới đây.