Người truyền cảm hứng cho nền nông nghiệp hữu cơ

Kim Yến - 10:06, 15/02/2021

TheLEADERCó một doanh nhân đang nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp nông nghiệp theo triết lý “nông nghiệp vì sự sống và sự công bằng”, theo đuổi “nghiệp hữu cơ” đầy gian nan nhưng với niềm tin mãnh liệt. Đó là ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit.

Người truyền cảm hứng cho nền nông nghiệp hữu cơ
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit.

Triết lý nông nghiệp vì sự sống

Vì sao một nhà kinh doanh có con cái đều thành danh trên đất Mỹ, tên tuổi đã được khẳng định ở những thị trường khó tính nhất, lại quay trở lại với hành trình canh tác nông nghiệp hữu cơ đầy gian nan, làm cuộc cách mạng trên cánh đồng?

Bất chấp những mệt mỏi, nghi kỵ, thậm chí cả những âm mưu chiếm đoạt đất nông nghiệp dành cho sản phẩm hữu cơ để phát triển bất động sản bằng mọi giá, ông vẫn dồn hết tâm sức, tiền của, để theo đuổi đến cùng “nghiệp hữu cơ”.

Ông cho rằng đó mới chính là con đường của “nông nghiệp vì sự sống”, chứ không phải “nông nghiệp vì sự chết” như các sản phẩm chứa đầy hóa chất đang bày bán tràn lan trên thị trường, khiến cho căn bệnh ung thư ngày một tăng, con người chết từ từ, trái đất bị hủy hoại, muôn loài lâm cảnh tang thương…

“Đặt lại tất cả nền tảng về cuộc sống, về ý nghĩa kinh doanh, tôi ngộ ra nhiều điều mới mẻ hơn để truy tìm ra lời giải cho nông nghiệp, phải phát triển điều gì là sự sống để chữa trị cho con người, từ đó xây dựng triết lý nông nghiệp vì sự sống, thực phẩm vì sự sống; chính sinh học mới là khoa học của sự sống. Thiên nhiên mang lại sự sống thực sự, trong đất, nước, không khí, trong mối quan hệ công bằng với muôn loài, con người là một sinh mệnh sống, càng cần thiết sống trong môi trường sống như thế mới vận hành một cách bền vững. Những phát hiện ấy trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta đang thụ hưởng!

Chúng ta phải lắng nghe chính con người, cơ thể mình, mới thực sự hạnh phúc. Việc lắng đọng để lắng nghe trái tim mình, mới cảm nhận được sự khát khao của hệ sinh mệnh sống trong cơ thể đang hằng mong đợi, giúp đỡ, nuôi dưỡng, bảo vệ, nhưng lâu nay không ai biết lắng nghe.

Trở lại lắng nghe sinh mệnh sống trong mình cũng chính là con đường tìm lại hạnh phúc bền vững, không bị lôi cuốn vào xu hướng công nghiệp của thế giới, căng thẳng, gò ép…, đó là nguyên nhân chính tạo ra những bệnh tật. Triết lý nền tảng khoa học về sự sống là như vậy”, ông Viên tâm sự.

Hành trình xây dựng nền tảng khoa học về sự sống của ông Viên cũng chính là hành trình tự chữa lành thân tâm của một doanh nhân từng được cho là thành đạt trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây chế biến. Ông Viên kể: “Tôi từng bị đủ thứ bệnh, đau dạ dày, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, tiểu đường… những căn bệnh được bác sĩ coi là mãn tính và phải uống thuốc suốt đời! Tôi đã đi đủ các bệnh viện, tìm đến những vị bác sĩ giỏi nhất, vẫn không chữa khỏi bệnh của mình.

Tôi đã quyết định tự chữa. Xem xét lại cuộc sống hàng ngày, từ bé nhỏ nhất như cây rau ta trồng có vì sự sống hay không; xem lại quan niệm ăn, trên lý luận xem xét lại tổng thể, từ ăn uống, hơi thở, giấc ngủ, cách làm việc… Tôi tìm cách kiểm soát xem mình đang làm đúng không, có thực sự đem lại lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần không? Tôi đã hiểu ra hóa chất là vũ khí giết chết sự sống.

Ngành y khoa hiện đại chỉ phát hiện bệnh, sau đó đưa chất hóa học để điều trị nhưng sẽ khiến cho cơ thể mình không thể chịu nổi, giết cả sinh vật sống và sinh vật xấu khi dùng nhiều và thường xuyên. Tôi đã quyết định ứng dụng sinh học để chữa lành cho chính mình, đưa vào cơ thể những enzim vì sự sống để trả lại cho cơ thể như vốn nó được sinh ra và đã mang lại nhiều kết quả. Nhiều bạn bè gặp tôi thấy tôi ngày càng trẻ ra, khỏe hơn.

Ứng dụng sinh học vào ngành y khoa theo tôi là vô cùng cần thiết để chữa lành cho con người và cho muôn loài, phải thực hành từ khi đứa trẻ mới sinh ra đời, tiếp cận được với những vi sinh vật tốt cho cơ thể để cộng sinh với con người chúng ta”.

Hành trình đơn độc nhưng hạnh phúc

Làm ngành chế biến trái cây không chất hóa học từ 1988 tới giờ, tới 1997 bạn bè đã nhắc nhở ông phải nghiên cứu sinh học để chuyển đổi sang organic. Giới nông nghiệp Nhật Bản, Đài Loan đã tiên phong từ 1980 và đến 1990 phong trào organic đã bùng nổ, nhưng ở Việt Nam lúc đó là còn quá sớm. Đến 2003 ông Viên mới quyết định mua 1 nông trại của trường Đại học Cần Thơ, hy vọng có nguồn nguyên liệu thật tốt cho mình.

Người truyền cảm hứng cho nền nông nghiệp hữu cơ
Ông dồn hết tâm sức, tiền của, để theo đuổi đến cùng “nghiệp hữu cơ”.

Ông cho biết: “Trước giờ tôi đều thu mua nguồn nguyên liệu thuần tự nhiên, vì khách hàng Đài Loan của mình đều xét nghiệm rất kỹ tiêu chuẩn thực phẩm, vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ, Tây Nguyên là nơi tôi chọn mua chuối, vì ở đây người dân trồng chuối hoàn toàn không có phân thuốc. Tới năm 2010, tôi bắt buộc phải đẩy sản xuất mạnh mẽ, cải cách hoàn toàn, vì anh em kỹ sư đại học Cần thơ đều là kỹ sư hóa học, không thực hành chuẩn xác cách mình mong đợi.

Đến 2012 tôi đích thân xuống Cần Thơ giải tán đội ngũ và tuyển kỹ sư làm theo đúng cách của mình. Đến 2006 Vinamit chính thức có chứng nhận động vật hữu cơ. Lúc đó tôi ứng dụng sinh học cho động vật, xây dựng đội ngũ học hỏi, am hiểu khoa học hữu cơ là gì, từ đó đưa ra triết lý giảng dạy cho các bạn về “nông nghiệp vì sự sống”, canh tác hữu cơ, dừng sử dụng mọi hóa học vào canh tác, chế biến cũng không dùng phụ gia, chất điều vị… Ban đầu không ai tin điều đó. Có lẽ chỉ có Vinamit mới dám khẳng định trồng rau không có bất cứ chất hóa học nào. Nhiều nhà vườn cứ cho rằng phun hôm nay, tuần sau mới bán sẽ hết thuốc, nhưng qua xét nghiệm thấy cách ly kiểu này cũng chẳng hết. Ngay hạt giống ngâm trong thuốc hóa học tuần sau, tháng sau đem đi trồng cũng đâu có hết thuốc. Chính vì vậy tôi luôn khuyến cáo con người phải thường xuyên uống vi sinh, để bù đắp lại những vi sinh có lợi đã bị chết đi vì các chất hóa học”.

Nhận định về làn sóng canh tác theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên, ông Viên đánh giá, làn sóng canh tác hữu cơ đang thay đổi từng ngày. Nhóm thay đổi này không phải từ các công ty, tập đoàn mà là những startup. Họ càng ngày càng lớn lên, có uy tín với người tiêu dùng. Họ phục vụ tốt hơn bằng các phương pháp bán hàng, trong đó có online, nên chăm sóc người tiêu dùng rất tích cực, cá nhân hóa được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Họ biết người tiêu dùng đang cần những sản phẩm thực sự khác biệt giúp ích cho sự sống an toàn, nhanh chóng thay đổi theo nhu cầu một cách phù hợp hơn. Đó mới chính là lực lượng từng ngày làm mới hơn cách sống cho người tiêu dùng, sau này chính họ sẽ là kênh tiêu thụ mạnh nhất.

Ông Viên cho rằng nhiều sản phẩm tiêu dùng truyền thống sẽ ngày càng chững lại và thu hẹp dần. Ở nước ngoài ngành thịt đã chuyển đổi thành thịt thực vật. Chắc chắn sữa sẽ đi tiên phong là sữa thực vật, thịt thực vật sẽ ra đời; không dùng đường công nghiệp nữa mà dùng đường thủ công; không uống nước giải khát chế biến công nghiệp nữa mà uống nước trái cây lên men.

Các nhóm startup sẽ tham gia mạnh vào thị trường này và họ sẽ phát triển nhanh trong vòng vài năm nữa. Các hãng lớn sẽ buộc phải thay đổi, vì người ta sẽ ăn rau, nước lên men, ngũ cốc lên men nhiều hơn. Tốc độ đổi thay sẽ rất nhanh. Đây là cơ hội cho những startup và là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp lớn, vì nếu họ cứ theo con đường cũ là sẽ tiếp tục “đâm đầu vào đá”.

Tuy nhiên ông Viên cảm thấy tiếc nuối khi điều hành kinh tế vĩ mô chưa chuyển động theo kịp làn sóng này. Nhưng chắc chắn thị trường và người tiêu dùng sẽ tác động làm thay đổi trong thời gian tới. Đó là sự đảo ngược hoàn toàn nhưng là quy luật, không ai cản được, vì đó là vì sự sống bền vững. Con người hôm nay không còn tin nhiều vào quảng cáo nữa, họ đều phải xem xét lại thông tin, trăn trở để tìm niềm tin, đó là cuộc đổi thay rất lớn.

Những năm tới sẽ hình thành mạnh mẽ các chuỗi phân phối, nhà sản xuất có uy tín, làm sản phẩm vì sự sống, bởi vì người tiêu dùng phải thực nhìn thấy mới tin. Đó cũng là lý do khiến ông Viên đã kỳ công gầy dựng đội ngũ kỹ sư của mình, bởi vì nói sản phẩm tốt mà mọi người không nhìn thấy đội ngũ kỹ sư của công ty khỏe mạnh sáng láng, không nhìn thấy cánh đồng trồng thuần tự nhiên thì họ sẽ không tin.

Vậy đâu là những điểm tựa tinh thần và quan niệm quản trị mới đã giúp ông Viên thay đổi cuộc đời chính mình và thay đổi doanh nghiệp?

Ông cho biết, đầu tiên là giúp các kỹ sư trên cánh đồng ý thức sống thực với sự sống, công bằng với muôn loài, công bằng với mọi người. Khó nhất là làm thế nào để thay đổi thói quen ăn uống của chính những nhân viên trong công ty trước khi thay đổi mọi người. Ở Vinamit, từ bữa ăn trưa cho tới nước uống ngoài cánh đồng đều được chăm lo rất kỹ nhưng khi rời khỏi công ty thì mọi người sẽ lại theo thói quen ăn uống cũ.

“Bởi vậy, sắp tới tôi chuẩn bị ra nước trái cây lên men để cấp cho mọi người uống sẽ tiện hơn. Tôi sẽ tung ra sản phẩm này đầu tiên ở sự kiện ‘Mekong ABCD’. Đây là kế hoạch phải làm thật nhanh, dù mình đang rất mệt và bận rộn”, ông Viên cho biết.

Người truyền cảm hứng cho nền nông nghiệp hữu cơ 1
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit.

Nói về con đường nông nghiệp hữu cơ của mình đang đi, ông Viên thổ lộ rằng, canh tác và sản xuất hữu cơ là một con đường cô độc, bởi ít có ai làm giống mình, có nói cũng ít ai hiểu, như đâm đầu vào đá. Các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ, họ đang rất cô độc và đầy gian truân.

“Nỗi gian truân đầu tiên là đi tìm quỹ đất. Theo tôi, cần cho các cấp lãnh đạo chính quyền hiểu làm nông nghiệp hữu cơ phải có những mảnh đất gần sông, hồ, suối, thủy lợi thông thương và thuận lợi vận chuyển nhanh, bảo đảm tính tươi mới cho người tiêu dùng thành phố. Tiếc thay, những mảnh đất như vậy đang được cưỡng bức quy hoạch thành những khu đô thị, biệt thự. Cần ủng hộ, đồng hành với những nhà doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm vì sự sống. Qua châu Âu tôi thấy họ quy định đất vành đai thành phố là làm nông nghiệp để cung cấp cho vùng nội đô.

Nỗi gian truân thứ hai là con người, đào tạo đội ngũ dám chấp nhận hy sinh. Nhiều nhân viên cứ hỏi tôi tại sao có loại thuốc người ta cho xài mà chú không cho xài, cứ bắt phải nghiên cứu? Nghiên cứu nấm bệnh, vi khuẩn, vi rút là cuộc nghiên cứu dài dài. Tôi đang tuyển và đào tạo đội ngũ kỹ sư trẻ ở Đà Lạt, bắt đầu đưa vào rau trước, sau đó xây dựng lại các vườn đào”.

Vì cộng đồng sống thực, sống bền vững

Hiện nay, phiên chợ Organic Town đầu tiên tại TP.HCM được diễn ra hàng tuần được Vinamit phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức, trong nỗ lực gầy dựng lối sống hữu cơ cho cộng đồng. Ngoài ra, ông Viên còn kết hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSAS) vận hành Trung tâm Nông sản thực phẩm hữu cơ, điểm hẹn của doanh nghiệp và các chủ trang trại với người tiêu dùng, nhằm cung cấp những sản phẩm và thông tin minh bạch, có thể truy xuất nguồn gốc tại 84 Nguyễn Du, mái nhà nhiều đời của dòng họ Nguyễn.

Chia sẻ về động lực để ông dấn thân như vậy, ông cho biết: “Tôi gầy dựng lối sống hữu cơ cho cộng đồng qua hai con đường. Thứ nhất là truyền cảm hứng cho những người đang mắc bệnh, trong đó trên 50% bị vấn đề tiêu hóa. Truyền cảm hứng cho những người này có hiệu quả liền. Thứ hai là cho những bà mẹ chuẩn bị nuôi con, có sinh mệnh sống trong mình, phải chuẩn bị cho con môi trường sống tốt. Tôi sẽ từ từ phổ cập kiến thức này đến cộng đồng qua những cuộc giao lưu trò chuyện từ những con người thật tại Organic Town mỗi tuần một lần. Ở đây quy tụ những bác sĩ, doanh nhân nổi tiếng, sau thời gian đổi sang ăn thực vật, họ đã cảm nhận tâm thức và sức khỏe thay đổi thần kỳ thế nào”.

Điều hành doanh nghiệp và sống với mọi người, sống với cỏ cây bằng triết lý công bằng, ông đã tìm mọi cách để tư tưởng này thấm vào từng việc làm cho tới suy nghĩ của anh em trong tổ chức.

“Khoa học sự sống giúp cho tôi có phương pháp luận cho giải pháp kinh doanh, từ đó mang lại niềm cảm hứng cho mọi người, giúp mỗi người có khả năng đột phá, tạo sức mạnh vươn lên, từ đó mới tạo ra sức mạnh tổng thể.

Mang lại sự sống bền vững cho muôn loài mới là hạnh phúc bền vững nhất, tạo thành một cộng đồng sống thực, sống bền vững, đó mới là sức mạnh của trời đất ban cho chúng ta. Cần truyền cảm hứng đó cho tất cả mọi người…”, ông Viên chia sẻ đầy xúc động.