Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Doanh nghiệp Việt rất đơn độc!

Kim Yến - 09:00, 30/09/2018

TheLEADERDoanh nghiệp Việt Nam đơn độc vì quá nhỏ bé, chúng ta đang tự phải bán mình và bị người khác bán. Doanh nghiệp đang bị xâm phạm rất nhiều về quyền bảo mật thông tin, ngay cả các bí mật của doanh nghiệp cũng bị bán vì cơ quan chức năng, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit cho biết.

Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Doanh nghiệp Việt rất đơn độc!
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT và CEO của Vinamit

Căn nhà gỗ xinh xắn của ông Nguyễn Lâm Viên ở đường Nguyễn Du (Q.1, TP. HCM) chứa đựng hầu như nguyên vẹn một “khu vườn sinh học” mà ông tâm huyết, vừa là một phòng thí nghiệm, vừa là nơi ông có thể tổ chức những cuộc gặp gỡ nho nhỏ để giới thiệu với giới truyền thông, đối tác, khách hàng tất cả thành quả của mình. Đích thân ông vào bếp, pha chế ly cà phê nước mía thơm ngon còn giữ nguyên hương vị của đồng nội.

Xác định hướng đi xuyên suốt của mình là “nâng tầm giá trị cho nông sản Việt Nam”, hướng đến những gia vị mới cho cuộc sống hiện đại từ thiên nhiên, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sấy mới nhất và giải pháp kỹ thuật mới nhất vào cải tạo môi trường, sản xuất, canh tác và chế biến. Tham vọng lớn nhất của Vinamit là mang cả vườn trái cây trong lành đầy hương vị vào gian bếp của người Việt.

Được biết vào dịp Xuân 2018, Vinamit sẽ tung ra một loạt sản phẩm hữu cơ chế biến tiêu biểu cho công nghiệp 4.0 như cà phê nước mía, mãng cầu tươi đóng viên, rau má tươi đóng viên làm thế nào để giữ được hương vị tươi ngon như vừa hái của rau quả thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Đúng ra là loạt sản phẩm này sẽ vào siêu thị từ tháng 10 năm 2018. Vinamit đã tìm ra giải pháp mới cho quả mãng cầu xiêm, một đột phá thần kỳ trong y học. 

Tạp chí danh tiếng của Hàn Quốc Journal of Natural Products viết về công trình nghiên cứu cho thấy nước ép quả mãng cầu xiêm có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư cao hơn gấp 10.000 lần so với liệu pháp hóa trị mà không hề làm hại các tế bào khỏe mạnh và không có tác dụng phụ. 

Thông tin này làm lóe lên hy vọng đối với các bệnh nhân đang mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng không hiểu tại sao đến bây giờ chúng ta mới biết về “phép lạ” của mãng cầu xiêm, phải chăng các công ty dược đã che dấu thành quả nghiên cứu này?

Mua một quả ngon mang về tách hột làm sinh tố thì uống một lần không hết, để lâu thì bị oxy hóa hết tươi sống. Làm thế nào để có một ly sinh tố mãng cầu xiêm tươi sấy khô hữu cơ, bảo đảm không hóa chất, tiện lợi, để đi đâu bạn cũng có thể pha ngay cho mình? 

Những loại rau trái bình thường qua công nghệ sấy đông khô trở nên tiện dụng, độc đáo, mà vẫn giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng, sự tươi ngon nguyên chất như vừa mới hái, đó là cuộc cách mạng 4.0 của Vinamit dành cho người tiêu dùng. Hiện nước mía tươi sấy khô, cà phê tươi sấy khô đang “cháy” hàng, không đủ bán.

Nước mía tươi vừa mới ép chất lượng ngon nhất thường chỉ kéo dài 15 phút đầu, sau đó sẽ bị oxy hóa làm sậm màu, giảm chất lượng. Nước mía đông khô giúp giữ hoàn toàn 100% mùi vị lâu dài. Tất cả sản phẩm của chúng tôi đều 100% tự nhiên, không có đường, chất tạo ngọt hay hóa chất nào khác. 

Vinamit đang chuẩn bị dưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 với công suất tương đường nhà mấy thứ nhất, đến 2019 sẽ đầu tư khoảng 20 triệu USD xây nhà máy công nghệ cao ở Bình Dương.

Để có sản phẩm rau và trái cây tươi cho mùa Xuân như nước rau má, Vinamit phải tự trồng, không thể mua bên ngoài, rvì au má mua ngoài cực kỳ nguy hiểm, mỗi người một kiểu canh tác, phân bón, thuốc hóa học, cho ra mùi vị khác nhau. Nước cần tây dưa leo cũng phải tự trồng luôn. Những loại rau củ tươi để uống sống phải hết sức cẩn trọng, giải được bài toán hữu cơ, nên phải chờ đợi vì chăm chút kỹ, không vội vàng được…

Bây giờ ý thức tiêu dùng của người Việt Nam đã thực sự thay đổi, có người còn bỏ luôn cả đường trong suốt cuộc đời còn lại, nỗi sợ đường đang ám ảnh nhân loại, vậy nước mía tươi sấy khô có giải quyết được nỗi ám ảnh đó không thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Nước mía khi làm thành bột, tôi phát hiện ra là loại đường kép Saccarozơ khá tốt, có khả năng ổn định đường huyết, hạ đường huyết với người bị tiểu đường ở mức độ thấp. Với việc sử dụng đường công nghiệp có thuốc tẩy, đường từ mía khác biệt hơn, ly cà phê, trái cây uống với nước mía cảm nhận từ thiên nhiên hoàn toàn… sẽ tuyệt vời hơn dùng đường công nghiệp rất nhiều. Nước mía sấy khô có thể thay thế đước hóa học, đường công nghiệp.

Nếu hiểu được quy trình làm đường bạn sẽ sợ thôi, khi nấu đường mầu nâu đen như nước mầu, muốn làm trắng chắc chắn phải có thuốc tẩy rồi. Chất hóa học này sẽ tiêu diệt oxy, nếu bị tiêu diệt oxy nhiều quá sẽ làm cho cơ thể yếu đi thôi. Ăn uống phải hạn chế đưa chất hóa học vào trong người. Nên trong chế biến, tôi luôn hạn chế đưa chất phụ gia, hóa học vào trong sản phẩm. 

Đồ ăn công nghiệp mặc dù chất hóa học là trong lượng cho phép, nhưng cơ thể trẻ có thể đào thải, còn cơ thế yếu, già thì không đủ sức đào thải, triệt oxy, làm hệ miễn dịch bị tổn thương rất lớn.

Ông Nguyễn Lâm Viên: Doanh nghiệp Việt rất đơn độc!
Ông Nguyễn Lâm Viên tự tay pha nước mía sấy khô cho khách

Gần đây, tôi thấy trên thị trường có loại cà phê sữa đá tươi của Nutifood, đó là một sản đàng hoàng vì có ghi rõ thành phần phụ gia đưa vào. Còn nhiều thương hiệu cà phê lớn khác thì không biết nói gì luôn như Trung Nguyên chẳng hạn. Vina cà phê thì đã bỏ hết công thức ngày xưa đã từng làm, thiết kế sản phẩm theo một “kiểu mới” mà thực chất thì khó lường trước được.

Giờ nước mía “siêu sạch” bán đầy ngoài đường còn tẩm hóa chất cho ngọt hơn để cho đá nhiều hơn, kiếm lời hơn rất nguy hiểm.

Chiến lược chuyển mình sang ứng dụng khoa học công nghệ sinh học trong cả canh tác, chế biến của Vinnamit bắt đầu từ bao giờ thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Có lẽ phải trở lại từ ngày xưa, vào thời bùng nổ khoa học về hóa học thế kỷ 19, khi người ta phát hiện dầu mỏ có thể làm ra nhiều thứ, từ động cơ hơi nước, phân bón giúp tăng trường thực phẩm, giải quyết an ninh lương thực cho con người, tạo ra các chất hóa học cần thiết cho ngành nhựa, vật liệu, vật lý, thực phẩm, tạo ra nhiều phụ gia nhờ các phản ứng hóa học. Thế giới đã thay đổi hoàn toàn nhờ ứng dụng khoa học hóa học vào thực dụng như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức làm thay đội cả cục diện thế giới.

Nhưng tới 1969, bắt đầu các nhà khoa học thấy hậu quả ứng dụng khoa học vào đời sống, khi phát hiện càng nhiều bệnh lạ, phải xem lại khoa học hóa học có gì sai?

Vậy thực chất khoa học nào giúp con người tồn tại bền vững nhất? Chỉ có khoa học công nghệ sinh học mới giúp con người phát triển bền vững, vì đó là khoa học của sự sống. Lập tức người ta lật lại toàn bộ, xem xét lại tất cả những chất ăn vào cơ thể người, để loại ra các chất hóa học. Càng loại ra càng nhiều, càng thấy ổn định cơ thể. Từ đó các nước phát triển bắt đầu sửa đổi canh tác, chuyển sang nông pháp hữu cơ.

Đến 1997, làn sóng trở lại hữu cơ bùng lên mạnh nhất, Mỹ và Nhật quyết định quay đầu. Tới 2010, làn sóng này càng bùng nổ mạnh mẽ, tới hôm nay con người đã hiểu sử dụng sinh học càng nhiều thì bền vững sự sống ngày càng cao.

Vinamit chẳng qua chỉ là một doanh nghiệp trong trào lưu ấy, loại bỏ phụ gia, chất hóa học trong canh tác, chế biến, sản xuất, để cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm thực về bản chất, mùi vị, độ ngọt, hương vị của nó…

Khi khoa học sinh học bùng nổ như thế, thế giới chắc chắn phải chuyển hướng, vì ngày càng chứng minh sự bền vững, ngày càng chứng minh sử dụng chất độc hóa học là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Không chỉ thực phẩm, mà sinh y người ta cũng chú ý chữa bệnh bằng sinh học, nghiên cứu các tổ hợp sinh học để tạo thành chất rắn cho vật dụng, như ván Nano, túi xách sinh học từng bước đang dần xuất hiện. Các công trình nghiên cứu của những nhà sinh học đang đi vào cuộc sống ngày càng nhiều

Giải pháp Vinamit đang làm là đưa hàm lượng sinh học vào trong canh tác, chế biến, loại bỏ hoàn toàn chất phụ gia khỏi danh mục sản xuất, trả lại bản chất của sản phẩm. khi làm được điều đó, sản phẩm của mình trở thành thực sự tươi sống.

Ông có cảm thấy mình đơn độc trong cuộc chuyển mình vào khoa học của sự sống?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Chắc chắn là đơn độc, vì là một công việc khó, không thể bùng nổ như các sản phẩm hóa học được, cần phải thuyết phục người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng vẫn quen với các sản phẩm hóa học hoàn mỹ. Còn sản phẩm sinh học có vẻ đẹp không hoàn mỹ, vẻ đẹp của sự bất toàn.

Trong chế biến ngay từ đầu chúng tôi đã không sử dụng chất phụ gia, còn canh tác hữu cơ chúng tôi đã làm từ 2012-2014. Khi tham gia bằng canh tác, tôi phát hiện ra người dân mình canh tác sai, vì không ai lên tiếng, không ai hướng dẫn, trong đại học cũng không có người hướng dẫn về canh tác hữu cơ. Chúng tôi quyết định nhảy vào lĩnh vực canh tác. Nếu không có người bắt đầu sẽ không có tương lai nào hết

Nhưng tôi chấp nhận rủi ro, thực sự rất rất rủi ro và hoang phí tiền của. Vì mình phải lấy tri thức của mình, trải nghiệm làm bài học, làm ra công thức, giáo dục lại cộng sự, kỹ sư nông học của mình để thay đổi; từ đó thay đổi cả cộng đồng. Đó là chuyện không dễ, mình phải thân chinh làm như một lão nông thực thụ, vì nếu rời ra họ lại đi theo đường cũ, vì đường mới quá khó, còn đường cũ thì quá dễ.

Đến hôm nay, nông pháp sinh học của ông đã lan rộng bao nhiêu nông trại của Vinamit? 

Ông Nguyễn Lâm Viên: Những người cộng sự đã áp dụng rồi vì họ tin, còn nếu chưa tin lắm, chỉ nghe thì không bao giờ họ có thể làm được. Ví dụ như “Giải pháp tẩy độc cho đất” chúng tôi đã tốn biết bao công sức nhiều năm trời để hoàn thiện nó, giờ đưa lên facebook công khai cho cả cộng đồng học hỏi, nhưng không biết ai sẽ chịu làm theo? Phải làm như vậy thì việc canh tác hữu cơ mới được giải quyết. Vì người canh tác hữu cơ hầu như đều thất bại, bỏ cuộc rất nhiều vì chưa tìm ra cách tẩy độc căn cơ cho đất.

Về chế biến, Vinamit hoàn toàn chủ động được, vì có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch theo chuẩn hữu cơ, có thị trường, khả năng ứng phó rủi ro cho người canh tác. Vì người canh tác phải có đủ kiến thức, khả năng tạo ra hàng hóa, khả năng ứng phó linh hoạt với thị trường.

Đầu tư nông nghiệp của sự sống thì sáng là rau, chiều là rác, lễ thì bán đắt, không lễ thì dư, chẳng lẽ mang đổ, thi thiếu thì chẳng có hàng bán, sinh lòng tham làm bậy. Khi bán có ai đồng cảm sản phẩm của bạn là xấu, vì họ mua bằng mắt, bề ngoài rau bị sâu ăn, trái cây da đen xạm, nám, trái to trái bé, rau ngắn rau cao, tươi ủ rũ chư không tươi rói như có chất hóa học. Làm sao thuyết phục người tiêu dùng đây là thứ ngon nhất? 

 Tôi bán cái ruột, người mua lại mua vẻ bề ngoài đó là thử thách lớn. Nhiều người làm hữu cơ sẽ ngã gục vì đầu tư quá nhiều, vì đất là sự sống, phải chăm sóc nghiêm ngặt, đàng hoàng, giống như căn nhà chăm sóc đàng hoàng thì đâu có thể tiếp nhều người, chi phí càng cao, có ai hiểu được điều đó cho mình không?

Ông đánh giá thế nào về sự chuyển mình của các đại gia trong lĩnh vực bất động sản sang nông nghiệp?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Khi nhìn vào sự chuyển động, phải nhìn sâu vào chiến lược quốc gia. Mỗi quốc gia phải có xuất phát điểm đúng hướng, và phải có sự khác biệt, mới nói tới chuyện giải quyết được tương lai khi làn sóng hữu cơ bùng nổ.

Thái Lan, Campuchia có chiến lược phát triển nông nghiệp sinh học rất rõ. Theo tôi, xuất phát điểm của chiến lược đầu tư trong nông nghiệp của Việt Nam thực chất không có khác biệt. Chẳng qua chỉ hoán đổi canh tác nông dân tiểu nông thành đại nông thôi, nhưng vẫn theo nông pháp hóa học, không có gì khác.

Nếu làm nông nghiệp thì đại nông không khéo còn thua tiểu nông, vì yếu tố “tam cần” của nông dân rất quan trọng, để phát huy thế mạnh trong nông nghiệp. Mình vẫn chưa thấy tính đột phá trong nông nghiệp, chẳng qua thay từ nồi này sang nồi khác

Phải có chiến lược quốc gia để phát triển nông pháp sinh học, còn làm thật nhanh, thật lẹ để có con số, mà quên đi nền móng để xây dựng sự sống thì nó chỉ là nông pháp hóa học. Trong khi xu hướng người tiêu dùng Việt Nam là nền nông nghiệp sinh học càng cao, vì như thế mới bền vững.

Vậy theo ông, điều hành Chính phủ và tầm nhìn doanh nghiệp phải thay đổi như thế nào?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Các đại gia khi vào nông nghiệp, chỉ thích cây thật to, con thú thật lớn, vậy to lớn làm gì khi xuất phát điểm sai? Hay làm như vậy để giữ đất? Nếu chỉ sở hữu đất thì người nông dân đâu có cộng tác với anh được? Họ đâu có thể làm công trong các công ty về nông nghiệp, tập tính của nông dân mình là làm chủ trên mảnh vườn của họ.

Điều cần nhất là phải thay đổi não bộ của các ông chủ và người tiêu dùng. Phải hiểu công nghệ sinh học là công nghệ 4.0, là khoa học của sự sống. Nền tảng khoa học sự sống xuất phát từ những tổ hợp vi khuẩn để tạo ra sự sống. Gốm sứ Minh Long ứng dụng tổ hợp vi khuẩn để tạo ra khác biệt cho nồi đất, hay túi xách sinh học, ván sinh học, đó là mỗi công trình nghiên cứu từ khoa học vi khuẩn.

Vinamit đang nghiên cứu những tổ hợp vi khuẩn để tạo ra hệ sinh thái nuôi đất, nuôi cây trồng, động vật.

Mỗi người cần thay đổi, ứng dụng trong lĩnh vực của mình, sẽ thay đổi được thế giới. Ứng dụng sinh học trong đời sống sẽ thay đổi cục diện thế giới.

Có điều đau khổ, nói tới sinh học phải đầu tư, chịu đựng, hy sinh, mất mát, mất mát thời gian, tiền của. Nhưng nhiều đại gia tính toán bài toán tài chính trước mắt thì làm sao chịu rủi ro 50-50, đó là câu chuyện khó của đầu tư nông nghiệp sinh học.

Miếng bánh nông nghiệp đang có nhiều người nhảy vô, họ nhìn thấy đất nhiều hơn nhìn thấy cây trồng, giống thợ săn nhìn vào rừng thèm cây cổ thụ và con thú lớn thôi, từ nhiều lãnh chúa nhỏ trở thành lãnh chúa lớn hơn

Cách làm đại công nghệ, tự động hóa trong nông nghiệp chắc chắn phải là nông pháp hóa học rồi. Cũng giống như anh là những tập đoàn vô triệt hạ hết những chiếc xe honda ôm, biến thành những tập đoàn xe honda. Như vậy định hướng của Chính phủ không có gì đột phá, đời sống của người nông dân bị đe dọa. Ngày xưa chúng ta khổ cực mua đất của ông chủ để chia sẻ lại cho nông dân, còn ngày nay, để ủng hộ các tập đoàn lớn, Nhà nước lại làm ngược lại

Thái Lan, Trung Quốc đã từng trả giá khi biến tất cả một vùng rộng lớn chỉ trồng độc canh cây lúa để giải quyết an ninh lương thực, khiến cho hệ sinh thái toàn vùng bị tiêu diệt hết, sử dụng hóa học tràn lan để tăng năng suất cây lúa. 

Bây giờ, vì sự sống còn của dân tộc, phải có bước đột phá vào nông pháp sinh học. Nếu càng sử dụng hóa học càng đói nghèo, càng nhận lãnh hiệu quả. Thống kê bệnh tật Việt Nam, đa số mất khả năng hệ miễn dịch, tức là chúng ta đang sử dụng quá nhiều sản phẩm hóa học. Như vậy giữa phát triển và nhu cầu của người dân đã đúng chưa?

Trồng độc canh thì phải sử dụng hóa học quá nhiều, giống như Đà Lạt có cánh đồng người ta phải xúc đất bề mặt đổ đi, rồi mua đất khác để phủ lên, vì đâu còn chất gì cho cây ăn. Người Trung Quốc không có sông Mekong, còn chúng ta may mắn vì cuối nguồn Mekong, hưởng hết lượng phù sa đó, nếu canh tác hữu cơ thì đây là cơ hội cực kỳ tốt cho nông nghiệp Việt Nam, giúp tăng cường sinh khối để cây tránh bệnh tật, không cần gì thuốc bảo vệ thực vật, cây cối sẽ cực kỳ tốt, hệ sinh học càng giàu có như ĐBSCL xưa…

Còn giờ nào là ngập mặn, rồi đắp đê ngăn lũ không cho phù sa về, bón hóa học quá nhiều khiến bao trục trặc xảy ra. Chính phủ phải ý thức xây dựng kỹ thuật sinh học cho đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp, để giúp nhà nông tạo ra vùng giàu có sinh học cho cây cối. Nếu chúng ta không làm, chắc chắn không bao giờ có một tương lai mới tốt hơn cho con cháu chúng ta

Phải thay đổi não bộ không xài hóa học nữa, ứng dụng công nghệ sinh học cho hệ sinh thái thì chiến lược nông nghiệp Việt Nam mới tạo ra sự khác biệt. Những gì Vinamit đang làm cũng là góp phần nhỏ bé trong công cuộc đó.

Nhìn vào đội ngũ những doanh nghiệp dẫn đầu, tâm trạng của anh thế nào trước làn sóng M&A đang rộng khắp và ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 đang đến?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Doanh nghiệp Việt Nam đang bị xâm phạm rất nặng, lớn thì bị thôn tính, nhỏ thì bị xâm phạm bởi những quan điểm sai lệch, giống như câu chuyện cơm tấm Kiều Giang, Con Cưng… Rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam rất đơn độc, càng đơn độc hơn vì quá nhỏ bé, không có chiến lược vĩ mô hữu hiệu thúc đẩy từ phía sau để phát triển lớn hơn.

Chúng ta đang tự phải bán mình và bị người khác bán. Doanh nghiệp đang bị xâm phạm rất nhiều về quyền bảo mật thông tin, ngay cả các thông tin bí mật của doanh nghiệp cũng bị bán vì cơ quan chức năng. 

Ông Nguyễn Lâm Viên: Doanh nghiệp Việt rất đơn độc! 1
Vườn hữu cơ ngay trong nhà riêng của ông Nguyễn Lâm Viên (tại Q1, TP.HCM)

Đôi khi mình chỉ muốn ẩn dật để sống, nhưng ẩn dật không được, nên thị trường của mình vẫn phải hướng ra ngoài để được an toàn, chứ không dám hướng vào trong, lỡ bên trong có gì thì chỉ biết nói “thôi kệ”, chứ có ai đâu để bảo vệ mình! Hiện doanh thu hàng năm của Vinamit vẫn giữ được mức tăng trưởng bình quân 30%/năm, nhưng chủ yếu dựa vào xuất khẩu.

Phải chăng để tự bảo vệ doanh nghiệp mình, ông đã đích thân viết bài phổ biến về nông pháp sinh học và để chế độ công khai trên facebook của chính mình?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Đúng vậy, mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng cộng đồng của mình để tự bảo vệ trước những khủng hoảng truyền thông có khi từ “trên trời rơi xuống” theo kiểu bày đàn vô cùng phi lý, nếu mình không tạo được ảnh hưởng với cộng đồng là mệt lắm. Không ai bảo vệ mình đâu, mà nếu có bảo vệ thì cũng quá muộn!

Facebook của tôi mở chế độ công khai, ai nói gì sai tôi trả lời liền, dập tắt ngay, chứ ngày xưa thì khổ với công luận lắm, chỉ nói một chiều thôi.

Vừa làm chủ tịch HĐQT vừa là CEO, vừa làm nông dân, vừa đích thân làm việc trực tiếp với giới truyền thông, vì tôi rất sợ hiểu lầm. Mình nói thì thuyết phục hơn, vì có tuổi tác, lâu năm trong nghề, am hiểu, tránh bị hiểu lầm. 

Người ta sẽ tạo ảnh hưởng không tốt đến công luận nếu mình không đối thoại kịp thời, không dập tắt được và tạo ảnh hưởng mới. Môi trường mà mọi sự không là thực thì người làm thực rất thiệt thòi, vì điều mình nói đang bị coi thường và bị xâm phạm.