Người Việt bán hàng xuyên biên giới: Nút thắt nằm ở đâu?

Việt Hưng - 19:23, 30/04/2019

TheLEADERMặc dù rất hấp dẫn nhưng có những rào cản khiến người kinh doanh online tại Việt Nam gặp khó khi tham gia hoạt động bán hàng xuyên biên giới.

Xu hướng người Việt bán hàng ra thế giới

Bán lẻ trực tuyến đã bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Công ty nghiên cứu thị trường Statista đã ghi nhận con số 49,8 triệu người mua hàng trên kênh thương mại điện tử (TMĐT) vào tháng 10/2018, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Do đó, hiện tại đây được xem là ngành kinh doanh hấp dẫn, thu hút không chỉ người bán là các cá nhân, mà còn có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng tham gia.

Nối bật là xu hướng kinh doanh online xuyên biên giới ở Việt Nam đã bùng nổ trong 3 năm trở lại đây. Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng MMO (Make Money Online) và đặc biệt là cộng đồng bán hàng Dropshipping, cộng đồng bán hàng Amazon (FBA, FBM, SFM & Merch by Amazon), cộng đồng áo thun Print-on-demand (POD) đã mở đầu cho xu hướng phát triển kinh doanh không biên giới này.

Ban đầu, đích đến của hoạt động bán hàng xuyên biên giới được hướng đến là Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, khi những thị trường này đang dần chững lại vì sự cạnh tranh quá lớn, chi phí quảng cáo tăng cao, thì Đông Nam Á đang dần được người kinh doanh online tại Việt Nam để mắt tới.

Dù chưa được khai phá hết tiềm năng, nhưng doanh thu thương mại điện tử Việt Nam vẫn đứng thứ 3 trong khu vực, ước tính đạt 2,8 tỉ USD vào năm 2018. Trung bình, số lượng đơn hàng được xử lý mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu. Dự báo, vào năm 2025, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 15 tỉ USD, theo Google và Temasek. 

Ngoài thị trường Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đang có xu hướng tăng trưởng trong ngành thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng lên đến hơn 30% mỗi năm. Ước tính tổng doanh thu cho ngành này trong cả khu vực sẽ lên đến hơn 100 tỉ USD trong 5 năm tới, không thua kém bất kỳ thị trường nào trên thế giới.

Người Việt bán hàng xuyên biên giới: Nút thắt nằm ở đâu?
Tại Việt Nam, số lượng đơn hàng được xử lý mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu

Rào cản bán hàng xuyên biên giới

Hấp dẫn là vậy, nhưng không phải là không có những rào cản, khiến người kinh doanh online tại Việt Nam gặp khó khi tham gia hoạt động bán hàng xuyên biên giới. Càng hấp dẫn, càng tăng sức cạnh tranh, thì không thể thiếu những vấn đề phát sinh.

Góp mặt tại Hội thảo mở rộng kinh doanh online khu vực Đông Nam Á và Toàn Cầu, ông Hán Văn Lợi - CEO Boxme, mạng lưới dịch vụ hậu cần hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á đánh giá, Việt Nam hiện đang nổi lên là thị trường bán hàng xuyên biên giới hàng đầu khu vực, với số lượng người kinh doanh online tham gia đông đảo nhất.

Tuy nhiên, người bán kinh doanh online tại Việt Nam phần lớn gặp khó khăn trong quá trình kiểm soát kho hàng và vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài. Ông Lợi lấy ví dụ, hiện tại, chi phí vận chuyển quốc tế từ Việt Nam đi các nước Châu Âu - Mỹ khá cao, không có nhiều ưu thế như người bán nước ngoài, đặc biệt là người bán dropship từ Trung Quốc. 

Vận chuyển tuyến Việt Nam đến Mỹ mất chi phí từ 8 USD (theo cước phí của USPS), trong khi chi phí này thông qua E-Packet của Trung Quốc chỉ mất 0,5 - 3 USD, thậm chí miễn phí trong một số trường hợp. Hàng rào thuế quan và thủ tục xuất khẩu của Việt Nam cũng gây mất nhiều thời gian với chi phí đắt đỏ, tạo ra nhiều áp lực cho người bán.

Chưa kể, với việc quảng cáo Facebook và quảng cáo qua Amazon càng ngày càng tăng về chi phí, lợi nhuận biên của người bán xuyên biên giới đã không còn cao như trước. Theo báo cáo của Adstage nghiên cứu 8 tỉ quảng cáo Facebook Ads, chi phí CPM và CPC lần lượt tăng 171% và 136% chỉ trong nửa đầu năm 2017.

"Nếu người bán có thể tìm ra các giải pháp hỗ trợ tốt với chi phí vừa phải thì bán hàng xuyên biên giới vẫn là hướng đi rất tiềm năng. Những câu chuyện thành công của người Việt bán hàng trên Lazada, Shopee, Tiki hoặc mạng xã hội cho thấy, cơ hội làm giàu vẫn còn đó", ông Hán Văn Lợi - CEO Boxme nói.

Cùng đi tìm lời giải

Thực tế, thương mại điện tử Việt Nam phát triển khá sau muộn so với thị trường quốc gia Âu - Mỹ. Do đó, hoạt động bán hàng xuyên biên giới gặp nhiều trở ngại hơn. Tuy nhiên, không gì là không thể nếu thị trường đáp ứng được những nhu cầu như: cơ sở hạ tầng logistics hoàn thiện, kết nối những nguồn hàng giá rẻ nhưng chất lượng, các chính sách hỗ trợ người đủ chặt chẽ, kiểm soát được chất lượng dịch vụ...

Theo ông Ngô Mạnh Tùng - CMO Netsale Asia, tất cả những yêu cầu trên đang được hoàn thiện và đáp ứng bởi mô hình Dropshipping. Về cơ bản, Dropshipping là mô hình kinh doanh khá tiềm năng có thể phát huy hiệu quả tại bất kỳ thị trường nào, kể cả tại Việt Nam. Nếu áp dụng dropshipping tại thị trường Việt Nam, bạn vẫn có thể tận dụng lợi thế của mô hình này nhưng với rủi ro thấp hơn.

Người Việt bán hàng xuyên biên giới: Nút thắt nằm ở đâu? 1
Mô hình kinh doanh dropshipping

Nếu việc kết nối nguồn hàng giá gốc từ Trung Quốc trở nên dễ dàng và có thể đăng bán trực tiếp trên Lazada/Shopee/Facebook hoặc website bán hàng riêng thì kinh doanh dropshipping hoàn toàn khả thi tại Việt Nam.

Mô hình này sẽ giúp việc kinh doanh online tại Việt Nam thuận lợi hơn. Đặc biệt là ít rủi ro nên bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp kinh doanh với số vốn ít ỏi, tạo thêm nguồn thu nhập xã hội.

"Nắm bắt được nhu cầu này, Netsale ra đời với vai trò là startup tiên phong khai phá thị trường theo mô hình Dropshipping dành riêng cho khu vực Đông Nam Á, hỗ trợ người Việt Nam tiếp cận nguồn hàng phong phú từ hàng triệu nhà sản xuất, và triển khai kinh doanh online trên toàn khu vực", ông Tùng nói.

Được biết, Netsale hiện hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Logistics và E-commerce tại Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia để tạo ra một chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn thiện.

Ở đó, người bán hàng chỉ cần tìm kiếm sản phẩm phù hợp trên hệ thống Netsale (liên kết trực tiếp với 1688, Taobao, Tmall, Alibaba,..) và đăng bán. Toàn bộ khâu mua hàng, vận chuyển từ nhà cung cấp đến tận tay người mua sẽ được Netsale thực hiện hoàn chỉnh thông qua mạng lưới các đối tác lớn nhất và uy tín nhất tại từng quốc gia.

Trong giai đoạn này, Netsale đang hỗ trợ người bán có thể bán bất kỳ mặt hàng nào về thị trường nội địa. Trong tương lai gần, Netsale hướng đến việc người bán có thể bán sang cả những thị trường khác trong khu vực và cả việc kinh doanh những mặt hàng nội địa sang các nước lân cận.