Hàng xách tay, online sống thế nào trước cơn bão H&M, Zara…?
Giản Phúc
Chủ nhật, 17/09/2017 - 07:42
Cơn bão H&M, Zara đặt ra bài toán cho các thương hiệu thời trang Việt, các cửa hàng thời trang online và xách tay.
H&M đang gây bão thị trường thời trang Việt.
H&M là nhà bán lẻ thời trang bình dân của Thụy Điển, giá của họ tại Việt Nam khá rẻ so với hàng Việt. Ví dụ, tại cửa hàng hơn 2.000 m2 ở Trung tâm thương mại Vincom, một chiếc áo thun với thiết kế trẻ trung và chất vải êm mát chỉ có giá trên dưới 200.000 đồng, khá thấp so với nhiều mẫu cao cấp của thương hiệu Việt.
Đó là yếu tố thu hút hàng ngàn bạn trẻ xếp hàng chầu chực ngay trước ngày khai trương 9/9 vừa qua, bên cạnh yếu tố “độc lạ” từ thương hiệu nước ngoài.
Cùng với sự kiện này, tháng 9 năm ngoái, một thương hiệu thời trang “hút hồn” giới trẻ khác là Zara (đến từ Tây Ban Nha) cũng đã có mặt tại Việt Nam. Quá trình hội nhập toàn cầu tại Việt Nam đang dần đẩy các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, điển hình là các cửa hàng thời trang online và xách tay đến nguy cơ đóng cửa.
Chị Dương Thị Mỹ, chủ cửa hàng thời trang xách tay Phú Mỹ (quận Phú Nhuận, TP. HCM) thừa nhận, khách hàng đã giảm nhiều từ khi Zara và H&M vào Việt Nam. Phú Mỹ chuyên bán hàng thời trang xách tay từ Mỹ và hàng Việt Nam online.
Theo ghi nhận của chị Mỹ, H&M khi mới khai trương đã giảm giá mạnh rất nhiều mặt hàng, hút một lượng lớn khách từ các cửa hàng online. Mấy ngày qua, cửa hàng của chị chỉ còn khách quen mặc dù đã đẩy mạnh quảng cáo qua facebook.
Do đó, chị chọn cách giảm giá theo, chấp nhận lời ít lại. “Khách bây giờ rất chuyên nghiệp, không chịu lời ít cũng không được”, chị nhận xét. Chiến lược giảm giá có thể giúp các cửa hàng bán hàng xách tay như chị sống được lâu dài.
Hiện nay, đối tác bên Mỹ của chị vốn là bạn thân nên chi phí gần như không đáng kể. Đối tác này có thể giúp chị canh những đợt giảm giá lớn của các thương hiệu nổi tiếng để mua, giúp giảm giá khá nhiều. Mùa giảm giá có thể trùng vào các ngày lễ của Mỹ hoặc các thương hiệu xả hàng tồn kho để ra mắt nhóm sản phẩm mới.
Ngoài ra, mua với số lượng lớn cũng giúp chị giảm thêm giá vốn, cạnh tranh về giá trực tiếp với các thương hiệu H&M và Zara tại Việt Nam.
Một bí quyết khác được chị Mỹ chia sẻ là mua hàng tại nhà sản xuất với số lượng lớn. Tùy vào số lượng, khoảng vài trăm sản phẩm một lần, có thể được giảm giá mạnh từ 15-20%. “Tuy nhiên, cách này chỉ dùng được với những cửa hàng có vốn lớn”, chị cho biết.
Thùy Trang, chủ cửa hàng thời trang online và cửa hàng trưng bày ở quận 10, TP. HCM lại cho rằng: “Sự xuất hiện của H&M, Zara về lâu dài sẽ tốt chứ không ảnh hưởng nhiều”.
Chị Trang chuyên bán hàng Việt Nam xuất khẩu, đây là dạng hàng Việt Nam gia công cho thương hiệu nước ngoài nhưng vì nhiều lí do lại được đưa ra thị trường. Dù vậy, số lượng rất ít. Đó có thể là hàng lỗi không xuất được (theo quy định phải tiêu hủy), hàng đang sản xuất bị lấy cắp bán ra ngoài, hàng bị hủy hợp đồng do trễ hẹn (số lượng rất ít)...
Theo chị Trang, Zara hay H&M bán tại Việt Nam đều do các doanh nghiệp Việt Nam gia công. Khi mới khai trương, khách hàng đổ xô đến mua vì giảm giá. Nhưng về lâu dài, các thương hiệu này sẽ quay về mặt bằng giá cũ, khá cao so với nguồn hàng Việt Nam xuất khẩu. Vì vậy, những cửa hàng như của chị Trang lại sống khỏe vì có giá thấp hơn.
Chủ một cửa hàng online chuyên bán hàng xách tay từ Mỹ tại quận 1, TP. HCM lại cho biết, việc kinh doanh cũng bình thường. Cửa hàng này vừa bán hàng xách tay vừa vận chuyển hàng cho khách mua trực tiếp từ Mỹ.
Vị này cho biết, khách của họ chủ yếu là khách quen và khá đặc biệt nên doanh thu vẫn ổn định. Trên website của cửa hàng này bày bán khá nhiều sản phẩm thời trang (như quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính, đồng hồ) và của rất nhiều thương hiệu. Giá các sản phẩm được bày bán cũng khá cao, thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng, cao có loại hơn chục triệu đồng.
Ngoài những yếu tố khác biệt này, chủ cửa hàng còn cho biết, khách hàng đặt mua trực tiếp hàng bên Mỹ chỉ phải trả giá niêm yết. Đây là một lợi thế của họ vì nhiều cửa hàng khác còn tính thêm nhiều loại phí như thuế hải quan, vận chuyển, chênh lệch tỉ giá…
Khi các tên tuổi lớn của thế giới vào Việt Nam, chỉ có các thương hiệu Việt là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đa số các thương hiệu thời trang Việt hiện được xem là khó cạnh tranh do không đa dạng được mẫu mã, chất liệu kém chất lượng trong khi giá khá cao.
Các cửa hàng xách tay và online vẫn có cửa sống nhờ cách bán hàng linh hoạt và không chịu quá nhiều chi phí do hàng hóa không phải tự sản xuất .
Bà Nguyễn Thị Sơn, cố vấn Sơn Kim Group cho rằng, sự đổ bộ của hai thương hiệu Zara và H&M với mức giá rất cạnh tranh và mẫu mã phong phú thực sự là mối đe dọa lớn với thương hiệu thời trang còn non trẻ của Việt Nam.
Sự xuất hiện của ZARA, H&M hay ASOS… đưa đến những bài học tốt cho các nhà sản xuất thời trang trong nước, về lâu dài là có lợi cho ngành thời trang Việt Nam.
Để tồn tại, các doanh nghiệp thời trang chắc chắn phải tính toán chiến lược và phương thức kinh doanh để có thể tạo được lòng tin, sự quyến rũ người tiêu dùng trước các đối thủ quốc tế “nặng ký”.
Tôi đã có hai chuyến đi dọc ven biển Việt Nam. Một khi còn là cậu bé mười tuổi và một khi đã là doanh nhân, nhà đầu tư và lữ khách của chính cuộc đời mình.
Khu vực Đông Nam Hải Phòng, với tâm điểm là Hải An đang đứng trước vận hội lớn khi hàng loạt hạ tầng chiến lược trị giá tỷ USD được triển khai, đề xuất. Cùng nền tảng logistics ngày càng hoàn thiện, hai yếu tố này đang tạo ra bước nhảy kép cho thị trường bất động sản tại đây.
Trường đại học VinUni chính thức công bố chiến lược tăng tốc phát triển giai đoạn 2 với mục tiêu trở thành một trong 100 đại học xuất sắc nhất toàn cầu. Điểm tựa của chiến lược là chương trình “VinUni 500” – mời tuyển 500 nhân sự học thuật tinh hoa thế giới và nguồn kinh phí 9.300 tỷ đồng từ Tập đoàn Vingroup để mở rộng quy mô đào tạo và xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Chiếc SUV điện VinFast VF 9 đã chinh phục trái tim nhiều chủ xe nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế sang trọng, vận hành đẳng cấp và chi phí vận hành “như ngửi”.
GreenFeed đạt 2.106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2024, tăng 382% so với năm 2023, vượt những ông lớn trong ngành như Dabaco, nông nghiệp Hòa Phát và BAF Việt Nam.