Nguy cơ đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ dừng hoạt động

Dũng Phạm - 20:42, 19/05/2023

TheLEADERĐể đảm bảo cung cấp điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) và Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) về việc tạm dừng hoạt động các nhà máy sản xuất phân bón.

EVN cho rằng việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.

Trên thực tế, nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ trên 21 triệu m3/ngày. Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.

Bên cạnh đó hệ thống điện đang vận hành hết sức khó khăn bởi các hồ thủy điện thiếu nước do khô hạn; công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành… 

Trước tình hình cấp bách nêu trên, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, EVN đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).

Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. 

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Tuy nhiên, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25/5, nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng diện tăng cao và đợt khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm, trong khi việc nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện.

Thủ tướng đã chỉ đạo các giải pháp trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó có nội dung yêu cầu PVN bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu

Nhà máy đạm Cà Mau và Phú Mỹ đối mặt nguy cơ dừng hoạt động 1
Nhà máy Đạm Cà Mau từng tiến hành bảo dưỡng tổng thể năm 2022

Theo kết quả kinh doanh mới được công bố, lợi nhuận quý I/2023 của DCM và DPM giảm mạnh lần lượt 85% và 87% so với mức nền cao của năm ngoái; nguyên nhân chủ yếu do giá phân bón giảm mạnh từ mức cao kỷ lục trong năm 2022. 

Trước đó, lợi nhuận của DCM và DPM trong năm 2022 tăng đột biến, lập mức cao nhất lịch sử nhờ giá phân bón tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế xuất khẩu phân bón, bao gồm cả Trung Quốc.

Hiện nay, DCM và DPM đang phải giải quyết bài toán khó từ việc giá các loại phân bón nói chung và giá phân bón Ure trên thị trường thế giới bắt đầu giảm kể từ cuối năm ngoái khi nguồn cung từ Nga và Trung Quốc tăng lên. Trong khi đó, giá khí nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất phân bón lại có xu hướng giảm chậm hơn so với tốc độ giảm của giá phân bón.

Trong các năm gần đây, DCM và DPM đều từng chủ động tạm dừng hoạt động các nhà máy để bảo dưỡng tổng thế định kỳ. Việc triển khai bảo dưỡng cũng được doanh nghiệp tính toán cẩn trọng, lên kế hoạch tận dụng thời điểm dừng cấp khí ngoài giàn để dừng máy hiệu quả. Nếu phải đóng cửa nhà máy trong thời gian tới sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đáng kể tới khả năng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh của hai doanh nghiệp này trong năm nay, điều vốn đã khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại.