Nhà cũ trong phố cũ

Nhà văn Trung Sỹ - 08:00, 30/01/2023

TheLEADERNhững ngôi nhà cũ trong lòng phố cũ như những người già, chứa đầy kỷ niệm. Lớp người già quen với nhịp sống chậm, thủ cựu như những viên ngói cũ già lửa rắn lòng lợp trên mái phố rêu phong, không hồng rực song chẳng bao giờ mủn trước các biến đổi thời tiết cũng như thời cuộc.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Năm 1954 khi mới tiếp quản, nội đô Hà Nội có 370 ngàn dân. Sáu năm sau, dân số nội thành đạt con số khoảng 440 ngàn (Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm). Người Hà Nội mới nhập thành về theo kháng chiến được nhà nước phân vào ở trong các căn nhà bỏ không của những người di cư vào Nam theo hiệp nghị Geneve, ở các nhà trưng thu hay hiến tặng sau cuộc cải cách công thương nghiệp năm 1958 - 1960. Thị dân Hà Nội cũ thu mình lại, nhường chỗ cho các cư dân mới. Mỗi ngôi nhà chung như thế trở thành một khu tập thể nhỏ với nếp sống cơ quan. Ngay nhà thơ Tố Hữu được phân một biệt thự tây trên phố Phan Đình Phùng nhưng vẫn tha thiết với nếp sống núi rừng: “Nhớ sao ngày tháng cơ quan/ Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”.

Nhà cũ trong phố cũ

Nhà đất lúc đó chẳng có giá trị vật chất nhiều với người Hà Nội bởi cuộc cách mạng cải tạo công thương đang diễn ra. Ở nhà rộng, đất rộng lại nuôi anh bếp cô sen là lối sống hủ bại bóc lột của bọn ăn trên ngồi trốc. Các anh trai Tây học đeo đồng hồ Omega, giắt bút máy Parker cất đi những cuốn sách Tự Lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, phong trào Thơ mới, cất luôn cả những tấm bằng đíp-lôm lẫn tú tài toàn phần đi đào hồ công viên Thống Nhất, đắp đường Thanh Niên theo tiếng gọi chung để “biến Hà Nội từ một thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất”.

Những ngày bé đó tôi sống với bà ngoại ở 23 phố Hàng Khoai trên đoạn gần Cống Chéo - Hàng Lược. Ngôi nhà này thông với nhà số 8 phố Đồng Xuân, vốn là cửa hiệu kinh doanh cũ của gia đình. Bà tôi được quy vào thành phần tư sản dân tộc. Nhà tôi khi đó cũng có năm gia đình cán bộ được nhà nước phân đến ở cùng bên số 8 Đồng Xuân. Sinh hoạt chung giữa hai số nhà thật bất tiện. Sau này nhờ ông tôi là cựu tù cộng sản tiền khởi nghĩa, chung khám tù Sơn La - Côn Đảo với ông Cả, ông Tô (bí danh ông Nguyễn Lương Bằng và Phạm Văn Đồng) đề nghị nên nhà nước ưu tiên cho phép xây tường ngăn giữa hai nhà.

Khỏi phải nói được ở riêng sung sướng như thế nào. Ngôi nhà phố hai tầng mặt tiền rộng hơn 5m, sâu cỡ hơn 30m chúng tôi chơi đá bóng nhựa trong nhà được. Năm 1976 cảnh nhà sa sút, bà tôi bán ngôi nhà này với giá 46 ngàn đồng. Lương cha tôi, một bác sĩ bệnh viện trưởng khi đó là 100 đồng. Nếu không ăn uống chi tiêu, chỉ bỏ ống thì khoảng gần 40 năm ông mới mua được căn nhà này. Nếu dùng phở Hà Nội làm vật ngang giá chung để so sánh, thì bát phở ông Tư lùn số 23 phố Hai Bà Trưng lúc đó giá 5 hào. Lương tháng cha tôi quy đổi được 200 bát, và ngôi nhà bà tôi có giá bằng 92 ngàn bát phở bò trong thời “bao cấp”.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thời “kinh tế thị trường định hướng XHCN” giá nhà đất nội đô tăng lên vùn vụt. Tiếp tục bài toán vui thử so sánh nhé. Phở Tư lùn do các em Huy - Lan con ông nối nghiệp bây giờ có giá nhỏ nhất là 50 ngàn. Như thế với 50 ngàn 1 bát phở nhân với 92 ngàn thì ngôi nhà Hàng Khoai của bà tôi bây giờ có giá là 4,6 tỷ đồng. Một cái giá cực kỳ rẻ mạt so với mặt bằng tiêu dùng thủ đô, trong khi giá thật thị trường ngôi nhà này bây giờ bỏ rẻ không dưới 100 tỷ. Và kể như thế để thấy giá nhà đất trong phố cũ Hà Nội đã tăng gấp hơn 20 lần trong nửa thế kỷ nếu quy đồng ra giá phở bò, một thức quà thị dân bất hủ luôn đứng ngoài các biến động chính trị.

Tôi có nhiều bạn học ở xung quanh phố: Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi, Đồng Xuân, Nguyễn Thiệp… Nhà họ cũng lần lượt bán để đi xa hơn ra ngoại vi hay các chung cư. Chúng tôi vẫn đùa nhau là dân phố cũ bị lớp tư bản mới lùa cho “bật sới”. Là những người Hà Nội cũ, chúng tôi biết nhà mặt phố thường chỉ buôn bán hoặc cho thuê làm quán cà phê, bán đồ gia dụng, điện tử, quần áo, thời trang hay các thức quà tinh tế lặt vặt… Họ bằng lòng với lợi tức ổn định, không có lãi khủng khiếp như những người lợi dụng chính sách thâu tóm đất đai hay kinh doanh mại bản. Dân phố hàng ưa sống yên lành. Cái chất né tránh phiền toái, ganh đua hơn kém đến thủ cựu luôn thường trực giữa những người ở lâu trong phố cũ. Họ giàu không ai biết, khó chẳng ai hay... Thời kinh tế mở cửa. Một số theo thời cải tạo nội thất để làm khách sạn mini, văn phòng cho thuê nhưng cái mớ dịch vụ có vẻ văn minh sạch sẽ đó luôn trồi sụt theo chính sách, theo thị trường và thậm chí cả theo dịch bệnh. Nói chung buôn bán, làm dịch vụ trong phố chật chỉ nhì nhằng trung lưu là giỏi.

Thế nhưng giá nhà mặt phố cứ tăng lên chóng mặt. Một cái nhà 3 tầng cũ kỹ phố Hàng Mã diện tích sàn 95m2 được bán với giá 37 tỷ năm 2017, tức là hơn 380tr/m2. Một căn nhà khác ở phố Nguyễn Thiệp cách đó chừng nửa cây số, rộng hơn trăm mét sàn đã bán với giá 38 tỷ, tức là hơn 270tr/m2...Đơn cử vài ví dụ như thế để thấy giá nhà trong phố cũ phụ thuộc vị trí đắc địa, thậm chí phụ thuộc cả vào địa giới hành chính. Cùng một con phố bên này đường thuộc khu Ba Đình giá khác, bên kia đường thuộc khu Hoàn Kiếm lại có giá cao hơn hẳn.

Câu hỏi được đặt ra là những ai đã chồng tiền để mua các căn nhà phố với những cái giá trên trời ấy? Ba trên bốn câu trả lời của các bạn tôi vừa bán nhà khẳng định người mua là người nhà cán bộ đang công tác trong các cơ quan nhà nước chứ không phải là người trong hàng phố. Lắm ông mua xong căn nhà hàng chục tỷ rồi bỏ không đó, chẳng cần cho thuê hay kinh doanh buôn bán gì. Một anh cũng vừa bán nhà xong khẳng định: Họ mua nhà trong phố để chôn tiền giữ của. Tiền của họ ập xuống có thể đè chết người.

Không sao cả. Mọi sự đời vẫn an nhiên. Kể cả khi Anh Bằng không “chia xa Hà nội năm em mười sáu”, họ Trịnh không “nhớ mùa thu Hà nội”, Nguyễn Huy Tưởng không dựng “Lũy Hoa”, Nguyễn Đình Thi không viết “Người Hà Nội”... thì bóng nước “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”, Hồng Hà vẫn xuôi chảy, mái phố vẫn thờ ơ ngái ngủ mà chẳng động tâm phiền lòng. Thủ đô giàu mạnh là mong muốn chung của con dân nước Việt. Hà Nội đã quay trở lại với tích tụ đất đai nhà phố thị trường, trở lại những năm xưa cùng với những người chủ mới.

Quá trình nhận thức nào cũng phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt như người ta tổng kết. Đất đai vật chất có thể thay đổi chủ sở hữu nhưng văn hóa phải luôn có tính kế thừa. Đánh giá năng lực con người sai thì đừng nói định giá giá trị đất đúng, bởi “người ta là hoa đất” như cha ông đúc kết. Đất đai cũng vậy, sẽ trở lại giá trị đúng của nó khi các cơn sóng thời cuộc thôi bị khuấy lên những xôn xao.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâmhồn”. U Nhu tôi lúc sinh thời ra Hà Nội hay bảo hôm nay u ra tỉnh chơi. Cô em hàng xén lụa sồi của Nguyễn Bính cũng ra tỉnh về với hàng khuy bấm gây khá nhiềuđau khổ cho gã trai quê. Chao ôi. Có mỗi hàng khuy bấm tỉnh thành bé xíu mà gieo nhớ dằng dai đến thế, nói gì những người con rời phố cũ ra đi.